Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hết thời thu hút ‘đại bàng’…. bằng ưu đãi thuế?

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc ưu đãi và giảm thuế để thu hút những “người khổng lồ” công nghệ, tập đoàn quy mô lớn vào các dự án chiến lược tại Việt Nam sắp tới đây được dự báo khó có thể thực hiện được, khi mà thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Điều này sẽ tác động rất lớn đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, nhất là các “đại bàng”, hoặc các nhà đầu tư muốn vào các địa bàn khó khăn vùng sâu – vùng xa,… mà nền kinh tế gần 100 triệu dân cần kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, tạo việc làm.

Samsung là một trong số những doanh nghiệp đăng ký vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam những năm qua. Ảnh minh họa: TL

Tác động đến việc thu hút “đại bàng”, “người khổng lồ”…

Nếu đúng như lộ trình, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2024 và điều này sẽ có tác động rất lớn, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận, trong đó có Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 12-2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%. Đáng chú ý, đầu tháng 2 vừa qua, OECD đã công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với Chính phủ các nước về cách thức đưa thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật, theo đó tiến gần hơn tới việc thực hiện cải cách này vào đầu năm tới.

Theo Quy tắc này, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.

Xét về mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.

Tuy nhiên, một khi Quy tắc này được các nước áp dụng thì có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo các chuyên gia và nhà tư vấn đầu tư FDI, tại Việt Nam, ưu đãi thuế lâu nay được xem là một trong những yếu tố, công cụ rõ ràng để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên hoặc với các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Do đó, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các biện pháp ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng.

“Lâu nay chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được xem là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thu hút đầu tư của Việt Nam so với các nước khác”, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, và ông cho rằng: “Nếu những ưu đãi về thuế không còn nữa thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút các tập đoàn lớn, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư của Việt Nam”.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với KTSG Online, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cũng cho rằng khi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực, chắc chắn nguồn vốn FDI, trong đó là đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Dự báo ảnh hưởng trong thời gian sắp tới

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tích cực, chủ động trước vấn đề này, thậm chí đã có những hành động cụ thể. Những nước đi đầu tư như EU, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản… đều đã thông qua hoặc đang ráo riết sửa đổi các quy định liên quan để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm thu thuế bổ sung từ năm 2024.

Sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Ảnh minh họa: TL

Sớm nhất là vào giữa năm 2021, các nước G7 đã đạt được thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu “ít nhất 15%” và các nước G20 cũng tán thành chính sách này vào cuối tháng 10-2021. Giữa tháng 12 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%.

Một tuần sau đó, Quốc hội Hàn Quốc thông qua Đạo luật điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024.

Ở chiều ngược lại, các nước tiếp nhận đầu tư như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,… cũng có các động thái quyết liệt để tìm giải pháp nhằm ứng phó, “giữ chân” nhà đầu tư trước ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Đơn cử như ở Việt Nam, lần đầu tiên công bố Báo cáo thường niên về FDI tại Việt Nam vào tháng 5-2022, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, đã nhắc đến việc phải hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan đến FDI, bao gồm cả việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Khi đó, chuyên gia về FDI này, lưu ý rằng đây là vấn đề đại sự, cần sớm có đối sách để xử lý bởi lẽ thời gian không còn nhiều trong khi vấn đề này sẽ tác động lớn và lâu dài đến dòng vốn đầu tư nước ngoài và tác động đến nền kinh tế với gần 100 triệu dân.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Việt Nam có sức hút với các nhà đầu tư ngoại do có môi trường chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn lao động trẻ với chi phí thấp cùng nhiều yếu tố hấp dẫn khác. Trong đó, việc ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn FDI vào Việt Nam.

Lấy đơn cử như chính sách ưu đãi đối với các dự án công nghệ cao, nhà đầu tư được miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Những năm sau đó, nhà đầu tư được hưởng thuế suất 10% trong 10-15 năm, thậm chí có dự án được kéo dài đến 30 năm.

Không chỉ đầu tư vào khu công nghệ cao, chính sách ưu đãi này cũng được áp dụng cho các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp,… miễn dự án đó được công nhận công nghệ cao.

Nhờ đó mà trong thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được hàng chục tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, LG, Foxconn… Hiện tại hơn 50% sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung bán trên toàn cầu là sản xuất tại Việt Nam. Ngay cả các sản phẩm nổi tiếng của Apple cũng được các đối tác của thương hiệu táo khuyết này ngày càng gia tăng ráp, sản xuất ở Việt Nam,…

Đáng chú ý, những dự án đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng được hưởng ưu đãi thuế cao tương đương với ưu đãi của các dự án được công nhận công nghệ cao…

Đáng chú ý, đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, tùy vào việc đáp ứng được đến mức độ nào các tiêu chí mà Chính phủ đặt ra, các nhà đầu tư chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các mức lãi suất 5%, 7% và 9% trong vòng 30-37 năm.

Tuy nhiên, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thì các biện pháp ưu đãi thuế đó sẽ xem như vô hiệu. Vì thế mục tiêu thu hút “đại bàng” của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Không dễ tìm giải pháp thay thế

Dù số lượng các nhà đầu tư thuộc phân khúc trên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhưng họ có vai trò lôi kéo và dẫn dắt chuỗi cung ứng, đồng thời phần nào định hình cơ cấu vốn và ngành nghề mà các doanh nghiệp FDI chọn đầu tư tại Việt Nam.

Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Nhờ các “đại bàng” không chỉ mang hàng tỉ đô la, đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam, mà còn kéo theo hàng ngàn công ty vệ tinh đầu tư vào Việt Nam, tạo hàng triệu việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động. Vì vậy, ảnh hưởng họ tạo ra không hề nhỏ.

Đơn cử như Tập đoàn điện tử Samsung, nhà đầu tư có vốn đăng ký lớn nhất ở Việt Nam hiện nay và có kết quả xuất khẩu đạt khoảng 65 tỉ đô la vào năm 2022, đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam, với kỷ lục lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỉ đô la Mỹ.

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua Đạo luật điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024… ngay lập tức (ngày 13-1-2023), trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics phụ trách tài chính và đoàn công tác của Samsung Electronics – cũng đã đề cập đến thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng.

Theo báo Chính phủ, tại cuộc gặp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngày 4-8-2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

Hiện nay, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.

Rõ ràng mức thuế tối thiểu toàn cầu mới được cho là sẽ đảo ngược cuộc đua giảm thuế suất kéo dài hàng thập kỷ của các quốc gia cần thu hút vốn đầu tư, tạo ra một sân chơi bình đẳng trên toàn cầu. Và Quy tắc này theo luật sư Trương Thanh Đức, có thể làm giảm khả năng thu hút FDI của Việt Nam bằng các chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt là với các “đại bàng”.

Sản xuất điện thoại di động Samsung tại Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng các nước tiếp nhận đầu tư như Việt Nam sẽ có thể “lách” quy định áp thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng theo luật sư Trương Thanh Đức, điều này là không sòng phẳng khi đã tham gia “sân chơi chung” và dễ bị các nước đưa ra biện pháp trừng phạt khi họ phát hiện.

Trong khi đó, các nhà tư vấn đầu tư nêu kiến nghị Việt Nam nên thiết kế các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các mục tiêu đầu tư, như hỗ trợ đầu tư vào một số thiết bị, tài sản, nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào con người. Những hỗ trợ này sau đó sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho việc đầu tư cho dù công ty đang ở trong tình trạng lãi hay lỗ.

Một số quốc gia châu Âu không chỉ cung cấp ưu đãi thuế để thu hút FDI, mà còn cung cấp hỗ trợ dưới hình thức cấp tiền mặt trước việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó Việt Nam cần nghiên cứu để “bù đắp” khi ưu đãi thuế không thể còn áp dụng.

Về chiến lược thu hút đầu tư, theo các chuyên gia, cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế.

Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng cho rằng cần thay đổi chính sách theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng… vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh. “Trên thực tế so với các quốc gia khác, những lợi thế này của Việt Nam gần như không còn nhiều hoặc đã giảm dần”, ông Đức nhìn nhận.

Có thể nói, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam khi thu hút “đại bàng”.

Nếu không có gì thay đổi, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ 1-1-2024 và sẽ tác động lớn đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề khá lớn, và để giải quyết đòi hỏi phải có sự điều chỉnh thể chế, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách thu hút FDI… tuy nhiên, những phần việc này lại không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới