Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

1 kg khóm bằng 1 ly trà đá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

1 kg khóm bằng 1 ly trà đá

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Khóm là loại cây trồng có khả năng thích nghi tốt trên vùng đất nhiễm phèn của huyện Tân Phước, Tiền Giang. Thế nhưng, hiện nay khóm mất giá, chi phí phân bón, nhân công lao động… liên tục tăng cao đã làm không ít hộ trồng khóm rơi vào cảnh tái nghèo. Giá khóm có loại chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg, bằng 1 ly trà đá.

1 kg khóm bằng 1 ly trà đá
Giá khóm xuống thấp khiến thu nhập của nông dân chẳng còn bao nhiêu. Trong ảnh là nông dân của xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang giao khóm cho thương lái - Ảnh: Trung Chánh

Chi phí tăng “ăn hết” lợi nhuận

Xã Tân Lập 1, Tân Lập 2, Hưng Thạnh là những địa phương có diện tích trồng khóm nhiều nhất huyện Tân Phước, Tiền Giang. Hiện tại, dù không phải là cao điểm của mùa thu hoạch khóm, nhưng giá vẫn giảm mạnh, thương lái cũng chẳng thèm mua.

Bà con nông dân trồng khóm tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước cho biết, hiện tại, khóm loại 1 (trái bóng đẹp, có trọng lượng 800 gam trở lên) chỉ còn 2.000-2.500 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với mức giá cách đây 2 tháng; khóm loại 2 (từ 600 gam đến dưới 800 gam) chỉ 1.200-1.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; loại 3 chỉ còn 500-1.000 đồng/kg. Dù giá giảm nhưng để bán được khóm bà con phải nhiều lần đi tìm mới có thương lái đến mua.

Tại xã Tân Lập 1, Tân Lập 2 - nơi có diện tích trồng khóm nhiều nhất tại huyện Tân Phước, bà con nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ khóm. Bà Phạm Thị Lộc ở ấp 2, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước cho biết, hơn một tuần nay, bà đã kêu mấy lái đến mua ruộng khóm của bà, nhưng cũng chưa có lái nào đến mua.

“Chưa có năm nào giá khóm lại xuống thấp như năm nay, với giá cả như hiện nay, người trồng khóm như chúng tôi mong huề vốn là mứng rồi, chứ nói chi đến kiếm lời” - bà Lộc nói khi người viết hỏi về lợi nhuận thu được từ cây khóm.

Chị Nguyễn Thị Dung ở ấp 2, xã Tân Lập, huyện Tân Phước than: “Lời lãi gì chú ơi! Phân bón bây giờ đã 660.000 đồng/bao rồi, thuốc phun xịt, công làm các thứ cái nào cũng tăng hết”.

Theo tính toán của ông Trần Văn Tạo, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước: “Mỗi héc ta đất trồng khóm, một năm thu hoạch được khoảng 20 tấn trái, với giá bán bình quân 2.000 đồng/kg, thu được 40 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí về phân bón, thuốc phun xịt, thuê nhân công bẻ khóm..., lãi được 10 triệu đồng là cùng. Số tiền này tôi dùng trang trải cuộc sống, rồi đầu tư cho vụ mới các thứ…, coi như không còn dư đồng nào luôn, thậm chí thiếu hụt nữa là đằng khác”.

Khóm theo tiêu chuẩn VietGap cũng…chết

Hơn 10 năm trước, ngành nông nghiệp đã ồ ạt đầu tư nhiều nhà máy chế biến khóm đóng hộp, chế biến nước khóm nhưng dần dà các nhà máy này "dẹp tiệm" lúc nào không ai hay.

Hiện nay cả nước còn 2 vùng chuyên canh khóm có diện tích lớn là Tiền Giang, Kiên Giang nhưng người nông dân không còn mặn mà với cây khóm khi không có đầu ra.

Không chỉ nông dân trồng khóm theo cách truyền thống điêu đứng vì mất giá, các hộ nông dân trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã Quyết Thắng (với diện tích khoảng 300 công tức 300.000 m2) cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Huệ ở xã Tân Lập 2 - nông dân tham gia mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã Quyết Thắng cho biết, hiện tại anh có 1 héc ta khóm sản xuất theo quy trình VietGap. Tham gia mô hình, ngoại trừ chi phí sản xuất có giảm khoảng 20% so với sản xuất theo cách truyền thồng thì sản phẩm bán ra vẫn không hơn gì khóm thường.

Bà con trồng khóm cho biết, sở dĩ giá khóm luôn ở mức thấp là vì đầu ra sản phẩm rất ít, đa số nông dân đợi khi ruộng khóm của mình đến kỳ thu hoạch mới đi kêu thương lái bán hoặc đem bỏ mối bán lẻ ở các chợ.

Ông Trương Văn Cho, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang thừa nhận, tiềm năng phát triển cây khóm trên vùng đất nhiễm phèn của huyện Tân Phước hiện nay là rất lớn. Thế nhưng, lợi nhuận của người nông dân được hưởng từ cây khóm lại rất hạn chế.

Nguyên nhân của vấn đề do khâu tổ chức thu mua còn hạn chế, nông dân chủ yếu bán khóm qua thương lái nên thường xuyên bị ép giá, làm giảm thu nhập của họ.

“Đầu ra của loại đặc sản này còn rất ít, chủ yếu được tiêu thụ ở chợ lẻ, số lượng nguyên liệu khóm được các nhà máy sử dụng để chế biến các loại thức uống còn ít, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm lợi nhuận của người trồng khóm không cao”- ông Cho khẳng định.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có trên 11.000 héc ta đất chuyên canh cây khóm, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Lập 1, Tân Lập 2, Hưng Thạnh của huyện Tân phước.        

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới