Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ Hàn Quốc đề xuất tuần làm việc 69 giờ, công đoàn phản đối

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -Trong tuần này, chính phủ Hàn Quốc đề xuất tăng giờ làm việc mỗi tuần của người lao động lên 69 giờ.Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của các công đoàn lao động ở một quốc gia nổi tiếng là nghiện việc.

Nhân viên ở Seoul đi xe buýt về nhà sau giờ làm việc. Ảnh: Getty

Hiện tại, theo quy định, người lao động ở Hàn Quốc làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần (40 giờ làm chính thức và 12 giờ làm thêm). Các doanh nghiệp vi phạm quy định có thể phải đối mặt với án tù hoặc phạt tiền.

Nhưng ngày làm việc dài hơn có thể áp dụng sau khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol công bố kế hoạch tăng số giờ làm việc hàng tuần lên 69 giờ, gần gấp đôi so với tuần làm việc 35 giờ của Pháp.

Điều này có nghĩa là ngoài 40 giờ làm chính thức, chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động làm thêm tối đa 29 giờ mỗi tuần.

Những người ủng hộ kế hoạch cho rằng chế độ làm việc nhiều giờ  có thể là giải pháp cho vấn đề do dân số già và lực lượng lao động suy.  Chính phủ Hàn Quốc lập luận rằng chính sách làm việc nhiều giờ cho phép các công ty huy động sức lực của nhân viên trong những tuần công việc bận rộn. Rồi sau đó, nhân viên có thể chọn những ngày khác để nghỉ bù.

Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, trong một xã hội già hóa, thời gian nghỉ kéo dài sẽ cho phép mọi người dành thời gian nhiều hơn cho gia đình hơn, thậm chí thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước. Tỷ lệ sinh trung bình hiện tại của mỗi phụ nữ Hàn Quốc chỉ là 0,78, mức thấp nhất trên thế giới.

“Chúng ta có thể giải quyết các vấn đề xã hội nghiêm trọng như già hóa nhanh và tỷ lệ sinh thấp bằng cách cho phép phụ nữ lựa chọn giờ làm việc linh hoạt hơn”, Bộ trưởng Lao động Lee Jung-sik nói. Ông ca ngợi kế hoạch tăng giờ làm việc mỗi tuần của chính phủ giúp giới chủ quản lý và nhân viên tăng hiệu quả bằng cách cho phép chọn giờ làm việc. Các nhà sản xuất, nhà xây dựng và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ ở Hàn Quốc cũng đang kêu gọi linh hoạt hơn trong giờ làm việc, với lý do thiếu nhân viên và khó khăn trong việc đáp ứng thời hạn cho nhiệm vụ.

Tuy nhiên, ngay ở một nước có  văn hóa tham công tiếc việc như Hàn Quốc, đề xuất này cũng gây ra phản ứng dữ dội.

Các công đoàn lao động chỉ trích kế hoạch này là “độc hại” và “ý tưởng lỗi thời”. Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc ra tuyên bố: “Chính phủ đang ép buộc người lao động phải làm việc cường độ cao trong nhiều giờ”.

Tổng thống Yoon Suk Yeol  cũng vấp sự phản đối tại quốc hội, nơi đảng đối lập chính tuyên bố sẽ ngăn chặn cải cách này và lưu ý tỷ lệ thương tích và tử vong do làm việc quá sức ở Hàn Quốc là rất cao. Dữ liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc cho thấy có 739 yêu cầu bồi thường nhà nước do tử vong vì làm việc quá sức vào năm 2021. Gần 40 %các các yêu cầu này đã được chấp thuận.

Văn hóa nghiện việc đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng ở Hàn Quốc trong nửa thế kỷ qua và giúp đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.

Người Hàn Quốc làm việc trung bình 1.915 giờ vào năm 2021, cao thứ năm trên toàn cầu sau Mexico, Costa Rica, Colombia và Chile, theo dữ liệu của Tổ chực Hợc tác và phát triển quốc tế (OECD). Thời gian làm việc mỗi năm ở Hàn Quốc  nhiều hơn 199 giờ so mức trung bình của các nước thành viên OECD.

Nhưng nhiều người dân Hàn Quốc vẫn chật vật kiến sống và giá bất động sản đắt đỏ khiến nhiều người không thể tiếp cận nhà ở. Đồng thời, áp lực thành công trong xã hội Hàn Quốc là rất lớn.

Bác sĩ Choi Min, một nhà vận động quyền lợi của người lao động, nói: “Làm việc nhiều giờ với mức lương thấp vẫn còn phổ biến ở Hàn Quốc.  Trong khi đó, đối với những người lao động cổ cồn trắng, áp lực vươn lên dẫn đầu vẫn còn rất lớn. Nhưng việc tăng mạnh số giờ và cường độ làm việc trong một thời gian ngắn sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, thường dẫn đến tử vong do làm việc quá sức”

Bae Kyu-shik, một chuyên gia về lao động, gợi ý chính phủ nên ưu tiên tăng năng suất hơn là tăng giờ làm. Ông nói: “Kế hoạch của chính phủ có thể có những tác động rất khác so với kỳ vọng do không xem xét mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.của những người trẻ tuổi”.

SJ Cho, một nhân viên 43 tuổi, làm việc một trong những tập đoàn lớn nhất đất nước, vẫn ám ảnh với đợt làm việc 10 ngày trong kỳ nghỉ của mình trước đây

“Cho đến khi chính sách giới hạn tuần làm việc 52 giờ được đưa ra, chúng tôi không thể rời văn phòng nếu sếp chưa đứng dậy ra về”, cô nói.

Bất chấp giới hạn 52 giờ làm việc mỗi tuần, Baek, người không muốn cung cấp tên đầy đủ của mình, cho biết anh thường làm việc thâu đêm tại một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử.

“Công ty nhỏ như chúng tôi luôn thiếu nhân viên. Tôi chỉ biết chịu đựng và hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn khi công ty tôi phát triển lớn mạnh. Nhưng nếu chính phủ đưa ra tín hiệu sai bằng cách hạ thấp rào cản đối với việc tăng giờ làm, tôi đành từ bỏ hy vọng đó”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới