(KTSG Online) – Đức đang tiến gần đến cuối quí đầu tiên của năm 2023 với cảm nhận lạc quan rằng cuộc khủng hoảng vào năm ngoái của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã lùi vào dĩ vãng.
- Kinh tế Đức bất ngờ thụt lùi, rủi ro suy thoái tăng lên
- Kinh tế Đức và bài toán thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga
Các nhà kinh tế không còn dự đoán kinh tế Đức sẽ thu hẹp trong năm nay, thay vào đó, chỉ chịu một cơn suy thoái nhẹ, có thể chấm dứt trong mùa xuân này. Một số ngân hàng bao gồm cả Goldman Sachs, thậm chí còn tin rằng cơn suy thoái này vẫn có thể được ngăn chặn.
Sản lượng công nghiệp và niềm tin kinh doanh cùng chỉ số chứng khoán DAX của Đức đạt mức cao nhất kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.
Nhà sản xuất ô tô Volkswagen lớn thứ hai thế giới của Đức dự báo doanh thu có thể tăng 15% lên mức 331 tỉ euro trong năm nay. Cùng lúc đó, quyết định tái mở cửa kinh tế của Trung Quốc mang lại triển vọng tươi sáng cho các nhà xuất khẩu Đức. Các nhà máy của Đức chứng kiến sự gia tăng đơn đặt hàng từ nước ngoài khi năm 2023 bắt đầu.
Nhưng nhiều năm phụ thuộc vào năng lượng của Nga khiến Đức lo sợ nền kinh tế rơi vào “vực thẳm” vào năm ngoái trong trường hợp thiếu nguồn cung khí đốt trầm trọng do Moscow bóp nghẹt nguồn cung khí đốt, theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Tuy nhiên, đã không có cuộc khủng hoảng thiếu khí đốt nào trong mùa đông nhờ thời tiết ấm áp bất thường, trong khi mùa xuân đang sắp đến gần.
Cách đây chưa đầy bốn tháng, các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng kinh tế Đức đối mặt với mức suy giảm sâu nhất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong năm nay.
Nhưng trong thông điệp hồi đầu năm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lạc quan tuyên bố rằng ông tin sự sụt giảm như vậy sẽ không xảy ra. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thận trọng hơn, nhưng cũng khẳng định Đức đã tránh được các tình huống kinh tế xấu nhất.
Kinh tế Đức suy giảm giảm 0,4% trong quí 4 năm ngoái, chưa bằng một nửa dự đoán của Ủy ban châu Âu (EC) vào thời điểm đó.
Dự báo trung bình trong cuộc khảo sát hàng tháng của Bloomberg là GDP của Đức giảm 0,3% trong quí 1 năm nay. Nhưng dự đoán cho cả năm đã được cải thiện, cho thấy GDP của nước này sẽ không thay đổi, tức không tăng và cũng không giảm. Thậm chí, có những dự báo lạc quan hơn cho rằng kinh tế Đức có thể tăng trưởng nhẹ.
Trong tháng trước, chỉ số niềm tin doanh nghiệp của Viện nghiên cứu Ifo (Đức) tăng cao dự đoán, lên mức cao nhất trong một năm. Sản lượng công nghiệp của Đức tăng 3,5% trong tháng 1, cao hơn gấp đôi so với dự báo. Đơn đặt hàng của các nhà máy cũng bất ngờ tăng.
Volkswagen là một ví dụ về tâm lý lạc quan hơn của giới doanh nghiệp Đức. Trong tháng này, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu dự đoán doanh số bán hàng sẽ tăng vọt nhờ có đơn đặt hàng dồi dào và tình trạng căng thẳng nguồn cung chip hạ nhiệt.
Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Continental cũng bày tỏ niềm lạc quan tương tự. Nikolai Setzer, Giám đốc điều hành Continental, cho biết sau khi trải qua một năm đầy khó khăn, công ty ông đang hướng tới một triển vọng tăng trưởng, doanh số cao hơn cũng như thu nhập cao hơn.
Điều đã cứu vãn nền kinh tế Đức là sự kết hợp giữa một mùa đông với thời tiết ôn hòa, cần ít năng lượng sưởi ấm hơn và các nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo các nguồn khí đốt thay thế và mở rộng kho chứa nhiên liệu này.
Nhưng kinh tế Đức vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi khó khăn. Hiệp Hiệp hội các nhà chế tạo máy móc và thiết bị Đức (VDMA), báo cáo lượng đơn hàng hàng năm sụt giảm mạnh trong tháng 1 do các bất ổn dai dẳng dù các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã được nới lỏng.
Tâm lý của người tiêu dùng vẫn yếu, với lạm phát vẫn ở mức 9,3% và doanh số bán lẻ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1.
Nhà kinh tế trưởng Jens Ulbrich của Ngân hàng trung ương Đức cảnh báo đầu tư nhà ở có thể suy giảm. Một đợt tăng lãi suất khác của ECB vào tuần tới cũng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Đức.
Geraldine Dany-Knedlik, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức cho biết nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy dù bà thừa nhận rằng mọi thứ có vẻ tích cực hơn so với cuối năm ngoái.
“Nền kinh tế của Đức đã chứng tỏ mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên trong mùa đông và các dữ liệu kinh tế gần đây mang lại một số lạc quan cho những tháng tới. Tuy nhiên, do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, hoạt động kinh tế khó có thể có xung lực mạnh trong năm 2023”, Martin Ademmer, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, nói.
Trên thực tế, ngay cả khi Đức không chống chọi được với rủi ro suy giảm trong quí này, dẫn đến cơn suy thoái kỹ thuật (tăng trưởng suy giảm trong hai quí liên tiếp), thì rõ ràng nó ít gây thiệt hại hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức chưa tăng quá 5,5%, trong khi chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho các hộ gia đình cũng giảm tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Sự phục hồi của Trung Quốc hiện mang lại triển vọng vững chắc cho ngành sản xuất Đức. Báo cáo đơn đặt hàng của các nhà máy Đức trong tháng 1 cho thấy mức tăng trưởng đơn hàng 11,2% từ bên ngoài khu vực eurozone.
Theo Bloomberg