Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tập đoàn dầu khí PTT (Thái Lan) tăng tốc chuyển sang mô hình kinh doanh thân thiện môi trường

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KSTG Online) - Tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước PTT của Thái Lan đang tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường bằng cách triển khai thêm kho cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), sản xuất xe điện và khí hydrogen.

Một trạm sạc xe điện của Công ty kinh doanh bán lẻ và dầu mỏ PTT, đơn vị thành viên của PTT, ở Bangkok, Thái Lan. PTT đặt mục tiêu xây dựng 7.000 trạm sạc xe điện trên khắp nước vào năm 2030. Ảnh: Prnasia

PTT, công ty đã thiết lập sự hiện diện rất lớn trên thị trường năng lượng Thái Lan, gần đây tiết lộ kế hoạch đầu tư khoảng 100 tỉ baht (2,86 tỉ đô la) trong 5 năm tới để tăng nhập khẩu LNG và sản xuất xe điện.

Trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2023-2027, hơn 50% khoản tiền nói trên sẽ được chi cho các dự án liên quan đến LNG như đường ống và kho cảng nhập khẩu.

Sự thay đổi chiến lược của PTT là bước đi cần thiết đối với nỗ lực khử carbon của chính phủ Thái Lan. Khi bị đốt cháy, khí đốt tự nhiên thải ra ít khí nhà kính hơn so với dầu mỏ hoặc than đá. PTT sẽ trở thành nhà cung cấp lớn đối với nguồn năng lượng sạch hơn này khi đất nước thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải carbon. Để đạt được mục tiêu đó, PTT dự định tăng cường mua khí đốt bằng cách nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng liên quan đến LNG.

Tập đoàn cũng kỳ vọng bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2024 thông qua nhà máy liên doanh Horizon Plus với Tập đoàn Foxconn của Đài Loan đặt tại tỉnh Chonburi.

Horizon Plus sẽ được thiết kế để sản xuất từ 150.000-200.000 xe điện vào năm 2030. PTT cũng đặt mục tiêu xây dựng 7.000 trạm sạc xe điện trên khắp nước thông qua một công ty con trong cùng năm đó.

PTT cũng sẽ khởi động sản xuất hydrogen. Hợp tác với chính phủ Saudi Arabia, tập đoàn nhắm đến hydrogen “xanh, tức sản xuất loại khí này mà không thải ra carbon..

PTT đang thúc đẩy các mảng kinh doanh tuần hoàn do gặp khó khăn trong nỗ lực tăng trưởng bền vững với cơ cấu kinh doanh hiện tại. Giới đầu tư đang theo dõi chặt chẽ động thái của PTT trong bối cảnh doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc quản trị, xã hội và môi trường (ESG) được đánh giá cao.

Ngoài ra, PTT cũng cần làm tròn trách nhiệm với tư cách là một công ty nhà nước. Thái Lan đã áp triển khai chính sách kinh tế xanh - tuần hoàn - sinh học (BCG) để hướng đến đưa phát thải khí nhà kính về zero ròng vào năm 2050. Vì vậy, PTT phải áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp với chính sách này.

Đồng thời, PPT cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch ngoài khí đốt tự nhiên. Tập đoàn đã hoàn toàn rút khỏi mảng than vào giữa tháng 2 bằng quyết định bán công ty khai thác than PTT Mining cho Công ty đầu tư PT Astrindo Nusantara Infrastruktur của Indonesia.

Năm ngoái, PTT đạt doanh thu hợp nhất 3.367 tỉ baht, tăng 49% so với năm trước, nhờ thu nhập cao trong các mảng kinh doanh chính gồm khai thác và phát triển dầu mỏ như hóa dầu. Nhưng lợi nhuận ròng giảm 16%, xuống còn 91,1 tỉ baht do chi phí mua LNG trên thị trường giao ngay tăng cao. Lợi nhuận giảm còn do hoạt động bán hàng chiết khấu và những biện pháp khác mà PTT thực hiện nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng gặp khó khăn tư tác động của Covid-19 và giá nguyên vật liệu tăng cao.

Việc mua khí đốt trở nên khó khăn trong bối cảnh toàn cầu hướng tới giảm phát thải carbon. PTT buộc phải tìm kiếm nhà cung cấp ở những nơi xa hơn giữa lúc dự án khí đốt khổng lồ của PTT ở Myanmar đang đình trệ và các mỏ khí đốt ở Thái Lan cạn kiệt.

Vẫn chưa rõ liệu PTT có thể thực hiện chiến lược chuyển đổi đầy tham vọng hay không. Hồi tháng 2, tập đoàn thông báo hoãn một dự án liên quan đến khí đốt ở Myanmar, có vốn đầu tư dự kiến lên tới 2 tỉ đô la.

Trước khi quân đội đảo chính và lên nắm quyền, chính phủ Myanmar và PTT đã đồng ý phát triển một khu vực khoan khí đốt ngoài khơi ở Myanmar. Dự án bao gồm xây dựng và vận hành nhà máy nhiệt điện, đường ống vận chuyển khí đốt vào đất liền. Trong thông báo gần đây với các nhà đầu tư, PTT cho biết dự án sẽ bị trì hoãn do “tình hình trong nước ở Myanmar”.

Triển vọng kinh doanh của PTT trong lĩnh vực dầu mỏ và than chịu sự chi phối rất lớn từ biến động của thị trường. Vì vậy, việc chuyển đổi chiến lược sang khử carbon là bước đi quan trọng nếu PTT muốn ổn định thu nhập trong dài hạn. Nhưng vơi tư cách công ty nhà nước, PTT cũng được yêu cầu xây dựng chuỗi cung ứng mới để đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng của Thái Lan.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới