Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen được gia hạn ít nhất 60 ngày

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen giữa Nga và Ukraine sẽ kéo dài thêm ít nhất 60 ngày, chỉ bằng một nửa thời gian so với dự tính ban đầu. Nga cảnh báo bất kỳ sự gian hạn nào vượt quá thời gian này phụ thuộc vào việc phương Tây có dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow hay không.

Tàu chở ngũ cốc từ Ukraine chờ thanh tra trước khi đi qua eo biển Bosphorus gần Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận trên thiết lập hồi tháng 7 dưới sự dàn xếp của Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ và từng được gia hạn thêm 120 ngày hồi tháng 11 năm ngoái. Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu các lô hàng ngũ cốc qua Biển Đen, đồng thời giúp Nga xuất khẩu lương thực và phân bón dễ dàng hơn.

Mục đích là để ngăn ngừa cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu một phần là do Nga phong tỏa Biển Đen giáp Ukraine kể từ sau cuộc xung đột với nước này.

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lương thực chính trên toàn cầu và Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Trước chiến tranh, hai nước này chiếm tổng cộng 28% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu và con số này là 75% đối với dầu hướng dương.

Hôm 18-3, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ thông báo thỏa thuận đã được gia hạn, nhưng không nêu rõ trong bao lâu.

“Thỏa thuận về hành lang xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sẽ hết hạn vào hôm nay. Nhưng nhờ các cuộc đàm phán với hai bên, chúng tôi đã đảm bảo gia hạn thỏa thuận này”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan nói.

Thỏa thuận ban đầu sẽ tự động tiếp tục trong 120 ngày nếu không có bên nào phản đối. Oleksandr Kubrakov, Phó thủ tướng Ukraine thông báo thỏa thuận sẽ gia hạn thêm 120 ngày. Nhưng trước đó, phía Moscow cho biết chỉ đồng ý gia hạn thêm 60 ngày.

Theo LHQ, cho đến nay, Ukraine đã xuất khẩu gần 25 triệu tấn bắp và lúa mì chủ yếu nhờ thỏa thuận. Thị trường xuất khẩu chính của các lô hàng này là Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky tiết lộ Ukraine đã cung cấp gần 500.000 tấn lúa mì cho các chương trình viện trợ của LHQ. Ông nhấn mạnh việc gia hạn thỏa thuận trên sẽ hỗ trợ các nước gặp khó khăn về nguồn cung lương thực và “cứu thế giới khỏi nạn đói”.

Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) kêu gọi LHQ dàn xếp để gia hạn thỏa thuận thêm 12 tháng vì cho rằng đây là điều cần thiết để ngăn chặn nạn đói ở nhóm nước bất ổn lương thực nghiêm trọng nhất.

Theo Chương trình Lương thực LHQ (WFP), số người dân mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên thế giới đã tăng lên con số kỷ lục 345 triệu người vào cuối năm ngoái, tăng mạnh so với 282 triệu người vào cuối năm 2021.

Các cường quốc phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine. Hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga không bị trừng phạt, nhưng Moscow cho biết các hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là rào cản đối với các lô hàng xuất khẩu này.

Hôm 17-3, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cảnh báo Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh có hai tháng để dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với toàn bộ chuỗi cung ứng đi kèm với ngành nông nghiệp Nga nếu họ muốn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được duy trì.

Ông Nebenzia yêu cầu phương Tây cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Nga gia nhập trở lại hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đồng thời nối lại nguồn cung linh kiện và máy móc nông nghiệp cho Nga.

Ông kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các hạn chế dịch vụ bảo hiểm và quyền tiếp cận cảng của họ đối với tàu và hàng hóa của Nga. Ông cũng yêu cầu khởi động lại một đường ống vận chuyển amoniac của Nga đến cảng Odesa của Ukraine ở Biển Đen để tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, Nga muốn phương Tây dỡ bỏ phong tỏa đối các tài khoản cũng như hoạt động tài chính của các công ty phân bón Nga.

LHQ cho biết dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Nga, nhưng vẫn còn những trở ngại, đặc biệt là liên quan đến hệ thống thanh toán.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen là giải pháp tốt nhất cho nông dân Ukraine và các thương nhân ngũ cốc vì các tuyến đường xuất khẩu thay thế thông qua đường sắt và sà lan đường sông có công suất thấp và chi phí đắt đỏ hơn nhiều.

Các tàu chở ngũ cốc của Ukraine sẽ được hộ tống khi rời cảng để tránh ngư lôi và sau đó đi theo một hành lang đã được thiết lập để đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quan chức Ukraine phàn nàn Moscow làm suy yếu thỏa thuận bằng cách ra lệnh cho quan chức của họ kéo dài thời gian kiểm tra các tàu Ukraine khi chúng rời Biển Đen để đến eo biển Bosphorus gần Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới