Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngồi xuống bên một cái cây

Hoàng Hiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sài Gòn đang ở giữa đợt nắng nóng cao điểm nhất của mùa khô, nắng bỏng rát mặt đường. Buổi sáng, con gái tôi chỉ vào dãy bàng cẩm thạch trước cổng trường, nơi các con đứng đợi bố mẹ đón hàng ngày đang trút lá, hỏi rằng liệu cây có sống nổi không. Tôi trả lời có lẽ cây đang vào đợt thay lá hoặc có thể trời nắng quá mà khô héo đi.

Buổi chiều đón con ở trường, tôi vừa bất ngờ vừa xúc động khi thấy vài em học sinh dùng chai đựng nước của mình tưới nước cho cây. Thật tình cờ, hơn hai tuần sau, cây bàng cẩm thạch ấy trổ những lá non xanh biếc.

Những hàng cây tạo bóng mát trên đường phố TPHCM. Ảnh: TL

Đi trong thành phố trưa hè, dưới trời nắng gắt, kẹt xe, khói bụi mà gặp được những hàng cây xanh mướt như được gặp cơn gió lành trong trẻo thổi qua. Có lần trên news feed Facebook tôi đọc được những dòng status buồn bã của một người bạn khi cây xà cừ cổ thụ trước nhà bạn bị công ty cây xanh và môi trường đô thị cưa đi. Bạn đã đặt lên gốc cây một bông hồng.

Bạn kể khi bạn được sinh ra, cây đã đứng sừng sững ở đó rồi. Bà nội bạn nói khi đứng ru ba bên cửa sổ cây đã chìa vào những cành lá la đà xanh mướt. Mỗi sáng ra khỏi nhà thấy nơi gốc cây thân quen trống hoác, lòng bạn như bị ai đó khoét một vết thương sâu.

Chắc hẳn không chỉ người bạn tôi tiếc nhớ một cái cây đã cùng mình khôn lớn, rất nhiều người dân trong thành phố tiếc nhớ những hàng cây đã được trồng mấy chục năm hay hơn trăm năm. Đành rằng đô thị cần phát triển giao thông, đành rằng cần cắt tỉa nhánh cành để tránh rủi ro cây bật gốc gãy đổ những mùa mưa bão. Nhưng tôi tự hỏi, những người làm quy hoạch đã thật sự coi trọng những hàng cây hay một cái cây?

Sài Gòn có những con đường trồng những hàng chò nâu cao vút, mùa chò nâu bay, hàng ngàn cánh hoa xoay xoay trong gió, tôi từng lặng người ngắm một cậu bé đen nhẻm, vai đeo cái túi nhỏ đựng vé số, đôi tay gầy guộc vốc từng nắm hoa tung lên trời rồi mải mê ngắm những cánh hoa bay bay, xoay xoay.

Dừng xe ở ngã tư, gặp gió - cơn mưa chò nâu trút xuống, trong vài giây người ta lặng đi, quên mất cả tín hiệu đèn đường. Mùa hoa kèn hồng trên đường Điện Biên Phủ, hay mùa hè râm ran tiếng ve kêu trên đường Nguyễn Đình Chiểu cũng khiến người ta chậm lại mà ngắm nghía, mà thêm vào lòng mình chút đẹp đẽ giữa biển người hối hả mưu sinh.

Tôi nhớ sau đợt cách ly vì dịch Covid-19 hai năm trước, ngày đầu tiên thành phố gỡ lệnh phong tỏa, ở tiệm cây gần nhà đã xúm xít người mua. Những cái cây đã hiện diện trong đời sống người dân thành phố như một nhu cầu thiết thực. Vài chậu cây nhỏ xíu nơi có ánh nắng lọt vào của một phòng trọ nhỏ hẹp, những cái cây vươn ra từ ban công nhà phố, vài chậu rau xinh xinh nép sát tường nhà trong con hẻm nhỏ - tất cả đều được nâng niu.

Ở trong thành phố, trong những con hẻm nhỏ hay đại lộ thênh thang, người tựa vào cây, cây tựa vào người. Chia nhau không gian nhỏ hẹp, những cái cây còn mang bao nhiêu ký ức của người quê ra phố. Ngồi xuống bên một cái cây, hay ngồi dưới một tán cây bao giờ cũng khiến người ta nhẹ nhõm.

Bảo vệ và nhân rộng những khoảng xanh cũng chính là bảo vệ không khí, tài nguyên cho chính mình và con cháu sau này. Cho dù đó chỉ là những mầm cây nhỏ. Cây cối ở thành phố cần rất nhiều năm để trở thành một hàng cây cổ thụ, cánh rừng cần rất nhiều năm mới có được tầng vượt tán.

Cây cối là một tài sản đặc biệt không thể sản xuất đại trà, thay thế nhanh gọn. Vì thế những người dân luôn mong mỏi mỗi khi quyết định đốn bỏ một hàng cây, cơ quan quản lý cần đánh giá cân nhắc cho thật kỹ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Phường tôi không có 1 cái cây nào hết ,bao nhiêu đất tìm mọi cách chiếm dụng ! Còn cái công viên bé tẹo cho cả phường mà đất thuộc về cư dân quanh đó ,(không phải đất công ) thế mà họ cũng bày đủ mưu kế để lấy ,đường cùng tôi và bà con khu phố phải nhào ra đánh lộn với UB ….Trên đời này những kẻ gian tham còn đó ,họ chả cần cây xanh ,bao giờ họ có tư duy cộng đồng nhỉ

  2. Cây cũng có hồn. Một nghiên cứu thực tế đã cho thấy rằng, khi bị người ta chửi rủa, ứng xử tàn tệ thì trước sau gì cây cũng héo, chết. Nhưng khi được nâng niu, nói lời đường mật, cây cối luôn tốt tươi. Bóng mát của một hàng cây có giá trị hơn vạn lần những chiếc máy lạnh chạy ầm ĩ suốt ngày khi trời nóng bức. Ngày nay, con người rất lạ. Họ muốn mang rừng về nhà, có thể bỏ ra hàng tỷ đồng để chăm bẳm cho chậu cây trước cửa biệt thự, nhưng sẵn sàng chặt bỏ không thương tiếc hàng loạt cây cổ thụ, đại thụ.. nơi rừng xanh, nơi công cộng. Sự ích kỷ đã lên đến đỉnh điểm rồi. Khi tình yêu cây cỏ không còn, thì mọi thứ sẽ dần mất đi thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới