Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đấu giá băng tần 4G và 5G: giá khởi điểm hơn 5.700 tỉ đồng

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thông tin từ Bộ Thông  tin và Truyền thông ngày 19-4 cho biết mức giá khởi điểm đấu giá băng tần 4G và 5G là 5.798 tỉ đồng với 15 năm sử dụng. Hiện các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ để tham gia đấu giá băng tần này. Đây cũng là lần đầu tiên băng tần viễn thông được đưa ra đấu giá tại Việt Nam, thay cho phương thức cấp phép thông qua cấp phát miễn phí hoặc thi tuyển.

Nhà mạng cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G tại Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Viettel

Được biết, sau ngày hôm nay 19-4, Cục Tần số Vô tuyến điện và các cơ quan của Bộ Thông  tin và Truyền thông sẽ tiến hành chấm các hồ sơ tham gia đấu thầu của các doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp trúng thầu sẽ được Bộ này cấp phép sử dụng băng tần 4G và 5G.

Bộ Thông  tin và Truyền thông cho biết, đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz) và khối băng tần A2 (2330 – 2360 Mhz) cũng như khối băng tần A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm là 5.798 tỉ đồng và có thời hạn sử dụng là 15 năm.

Được biết, lần tham gia đấu giá tần số này không chỉ có các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ di động mà có thể có thêm nhiều doanh nghiệp viễn thông khác tham gia đấu thầu (nếu có đủ điều kiện).

Được biết, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết dự thảo luật quy định 3 phương thức cấp phép là trực tiếp, thi tuyển và đấu giá.

Về khi nào đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp, ông Hùng cho hay dự thảo luật quy định: đấu giá tần số có giá trị thương mại cao với một mục tiêu chính là tài chính. Việc thi tuyển được triển khai khi Chính phủ có đa mục tiêu, như khuyến khích công nghệ mới, phủ sóng rộng, vùng sâu, vùng xa, phủ sóng nhanh hoặc khuyến khích cạnh tranh. Còn việc cấp trực tiếp sẽ tiến hành đối với các tần số không có giá trị thương mại cao hoặc khi cấp lại, cấp thử nghiệm hoặc khi đấu giá, thi tuyển không khả thi.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ vì sao 13 năm qua chưa tổ chức đấu giá tần số, ông Hùng cho biết năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện bắt đầu có hiệu lực; năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định của về đấu giá; năm 2014 Thủ tướng ban hành quyết định về các băng tần mang ra đấu giá; năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập hội đồng đấu giá để triển khai.

Đến năm 2018, Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực. Theo luật, mức thu và phương thức thu phải do nghị định của Chính phủ quy định. Bởi vậy, việc đấu giá băng tần bị dừng lại vì phải chờ nghị định. Đến cuối năm 2021, Chính phủ ban hành nghị định về đấu giá tần số và hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai các bước tiếp theo.

Về điều kiện tham gia đấu giá, có ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá. Ông Hùng cho biết, Luật Viễn thông, Luật Đầu tư và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định kinh doanh viễn thông là kinh doanh có điều kiện. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá băng tần thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và giới hạn tỉ lệ góp vốn không vượt quá 49%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới