Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế toàn cầu cứ mờ ảo như bức tranh nàng Mona Lisa bí ẩn

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tờ Economist đã dùng bức tranh Mona Lisa để minh họa cho sự bế tắc của giới kinh tế khi không thể dự báo được điều gì cho chính xác. Mới nhìn qua, tưởng đâu nàng Mona Lisa đang mỉm cười, nhìn lại thì nụ cười đã biến mất, nhìn kỹ thêm một lần nữa, lần này nụ cười mang ý nghĩa khác hẳn lần đầu.

Khách hàng mua sắm trong một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Getty

Nền kinh tế thế giới hậu đại dịch cũng như bức tranh Mona Lisa: mỗi lần nhìn vào các số liệu, các nhà kinh tế lại thấy những điều khác nhau. Chẳng hạn sau vụ rối loạn các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, nhiều nhà kinh tế nay tin chắc kinh tế thế giới sẽ đi đến chỗ “hạ cánh cứng” tức lâm vào cảnh suy thoái. Trước đó chỉ vài ba tuần, đại đa số lại tin rằng nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao; trước đó nữa vào cuối năm 2022 quan điểm được chia sẻ rộng rãi là một mức suy thoái nhẹ là không tránh khỏi.

Nói cách khác, dự báo kinh tế trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong năm rồi con số tăng trưởng GDP mà các nhà phân tích dự báo cho nền kinh tế Mỹ chênh nhau gấp đôi so với mức khác biệt vào năm 2019. Trong báo cáo gần đây nhất của IMF, từ “bất định” được sử dụng đến 60 lần, nhiều gấp đôi báo cáo vào tháng 4 và tháng 10-2022.

Khi bùng phát cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, không nhà kinh tế nào có thể đoan chắc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm gì: có người nói Fed vẫn sẽ tăng lãi suất, có người bảo không tăng không giảm, và vẫn có người nói Fed sẽ giảm lãi suất. Ngay cả Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde cũng phải thừa nhận về vai trò của ngân hàng này: “Không thể xác định vào thời điểm này con đường phía trước sẽ như thế nào”.

Các nhà thống kê chính thức đang vật lộn để hiểu được bức tranh toàn cảnh. Dĩ nhiên họ liên tục cập nhật các dự báo cho mọi thứ, từ tăng trưởng GDP đến tỷ lệ thất nghiệp dựa vào các dữ liệu mới họ thu thập được. Nhưng bức tranh chung đang thay đổi; chẳng hạn, mức điều chỉnh tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro cao gấp bốn lần bình thường.

Hồi tháng 3, cơ quan thống kê Anh công bố những điều chỉnh lớn. Số liệu mới cho thấy đầu tư của doanh nghiệp vẫn tương đương mức trước đại dịch chứ không phải thấp hơn 8% như từng dự báo. Còn tháng trước các nhà thống kê Úc phải cắt hơn một nửa mức dự báo tăng trưởng năng suất trong quí 3-2022.

Tờ Economist đặt câu hỏi, liệu chuyện gì đang xảy ra, phải chăng thế giới đang bất ổn hơn bao giờ hết? Dù sao lần đầu tiên trong vòng 70 năm châu Âu mới chứng kiến một cuộc chiến trên đất liền với quy mô lớn như thế rồi trước đó là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và gần đây là sự xáo động trong ngành ngân hàng.

Tuy nhiên cũng có những thay đổi về cấu trúc sâu rộng hơn; đầu tiên là đại dịch Covid-19 tạo ra các đợt cách ly phong tỏa và nền kinh tế cũng phập phù theo các đợt này. Điều đó đã vô hiệu hóa cách “điều chỉnh theo mùa” mà các nhà thống kê thường sử dụng. Thứ đến là cỡ mẫu dùng để đo lường. Đại dịch làm nhiều người ngần ngại không tham gia các cuộc khảo sát, mà sự tham gia đầy đủ của họ là rất cần thiết để đưa ra dự báo chính xác.

Ví dụ ở Mỹ, mức độ hồi đáp các khảo sát chỗ làm đang trống giảm từ 60% trước đại dịch còn chừng 30%. Ở Anh khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ hồi đáp các khảo sát về lao động giảm còn một nửa. Mọi người không còn muốn điền các bảng trả lời câu hỏi, làm các nhà thống kê cũng bó tay.

Tỷ lệ hồi đáp giảm sẽ dẫn tới biến động dữ liệu nhiều hơn cũng như tạo ra sự thiên lệch. Những người ngưng hồi đáp các cuộc khảo sát thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn người vẫn chịu trả lời; vì thế có thể dẫn đến sai lệch về mức thu nhập khai báo. Đại diện Cục Thống kê dân số Mỹ cho rằng mức tăng thu nhập hộ gia đình trung vị từ năm 2019-2020 thực ra là 4,1% chứ không phải 6,8% như công bố ban đầu sau khi điều chỉnh số liệu từ những người không hồi đáp. Từ năm 2020, hiện tượng không hồi đáp cũng làm tăng thống kê thu nhập thêm 2%.

Lý do thứ ba là sự cách biệt giữa dữ liệu “cứng” và dữ liệu “mềm” hay nói cách khác là các con số khách quan như mức độ thất nghiệp và con số chủ quan như kỳ vọng của mọi người. Thông thường hai loại số liệu này tương quan với nhau nhưng hiện nay chúng ngày càng xa nhau. Con số “mềm” xem chừng bi quan, nghiêng về suy thoái; còn số “cứng” lại cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Sự cách biệt này có thể phản ánh sự bất bình của người dân về lạm phát, sự mất giá của đồng lương họ nhận được.

Dù sao số liệu chưa chuẩn thì rất khó cho chính phủ và doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác. Còn người dân thì đừng ngạc nhiên thấy dưới mắt các kinh tế, nền kinh tế toàn cầu cứ mờ ảo như bức tranh vẽ nàng Mona Lisa bí ẩn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới