(KTSG) - Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng năm 2022 TPHCM đã có 584 văn bản hỏi và bộ phải trả lời bằng 604 văn bản, và đáng nói là hầu hết các vấn đề thuộc thẩm quyền của TPHCM, đã có những ý kiến cho rằng TPHCM đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu nghĩ chậm một chút sẽ thấy vấn đề không đơn giản như vậy, mà ẩn sau đó là một vấn nạn lớn trong môi trường pháp lý của Việt Nam. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính khiến cho tình trạng cán bộ “không dám nghĩ” và cũng “không dám làm” đang lan rộng như hiện nay.
- Festival Hoa lan TPHCM tổ chức trở lại sau 4 năm dừng vì đại dịch Covid-19
- Vành đai 3 TPHCM, bồi thường cao nhất 73,3 triệu đồng/m2
Theo lẽ thông thường, cái gì không rõ thì phải hỏi, nhất là khi cái không rõ ở đây lại là pháp luật và cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, là tiền của cả người dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước. Chắc hẳn rằng, trước khi phải đi đến quyết định gửi văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan có trách nhiệm dự thảo các luật, nghị định và thông tư liên quan đến đầu tư, TPHCM đã có những cuộc họp nhưng không thể thống nhất được cách hiểu cũng như cách áp dụng một hoặc nhiều quy định của luật lệ hay cơ chế chính sách đầu tư nào đó.
Tình trạng hệ thống các văn bản pháp luật chồng chéo, quy định rắc rối và không tường minh, dẫn đến có nhiều cách hiểu và cách vận dụng khác nhau là một thực tế đã tồn tại từ nhiều năm nay. Vấn đề này cũng đã được gián tiếp thừa nhận trong dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhằm luật hóa Kết luận số 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cụ thể là quy định khuyến khích và bảo vệ những cán bộ có ý tưởng, cách làm mới tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp...
Cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách vận dụng và áp dụng luật khác nhau để giải quyết đã là một thực tế và cũng chính là những điểm nghẽn. Nhưng vấn đề là ở chỗ, khi phải đứng trước tòa án thì chỉ có một cách hiểu, một cách áp dụng được cho là đúng, còn tất cả các hướng vận dụng khác đều có thể bị quy kết thành tội cố ý làm trái... Với thực tế đó, thử hỏi có mấy ai dám đánh đổi rủi ro cho bản thân và gia đình mình để đưa ra các quyết định chỉ vì lợi ích chung!
Việc Chính phủ đang soạn thảo Nghị định để luật hóa Kết luận số 14 của Trung ương Đảng là để những cán bộ năng động yên tâm khi có ý tưởng sáng tạo để đột phá qua những trì trệ, khơi thông tiềm lực phát triển cho nước nhà, giống như tấm gương của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc hồi 60 năm trước. Sáng tạo và đột phá về pháp luật để mở đường cho phát triển là rất quan trọng. Nhưng với thực tế của Việt Nam hiện nay thì chỉ cần thực hiện được thông suốt những quy định hiện có đã là tốt lắm rồi.
Dự thảo nghị định nêu trên đã đưa vào một quy định mang tính đột phá bằng cụm từ “phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng”, hàm ý là cán bộ có thể chủ động hiểu và áp dụng pháp luật vì lợi ích chung, miễn là không trái Hiến pháp và Điều lệ Đảng.
Tuy nhiên, chừng đó có thể không đủ để cán bộ công chức yên tâm khi dám nghĩ, dám làm và dám đột phá. Sự không chắc chắn nằm ở việc hiểu thế nào về nội hàm câu “vì lợi ích chung” và ai là người có thẩm quyền kết luận hành động của một cán bộ là vì lợi ích chung hay không? Vì vậy, giải pháp căn cơ vẫn là rà soát, điều chỉnh để các quy định trong hệ thống văn bản pháp lý không còn chồng chéo và cũng không mập mờ, để cán bộ không cần nghĩ cũng có thể làm được.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có gì đâu mà phải bàn cãi nhiều. Cuộc sống hiện nay biết bao nhiêu con người vì mưu sinh, cày ải, để nuôi nấng con cái và gia đình, đều làm như vậy mà ? Tại sao công chức của ta, có học hành đàng hoàng, có trí tuệ, tài năng, lại phải sợ hãi ? Nếu vì sự phát triển của đất nước, thiết nghĩ không gì có thể cản trở ta muốn và cần phải làm điều đúng. Trước hết, đúng với lương tâm đạo đức. Sau đó là đúng với lợi ích của đại đa số nhân dân.
Trả lời tới Hoàng Sơn Phước: Bạn không biết sâu về qui định pháp luật VN nên bạn dũng cảm. Càng biết càng sợ bạn ạ!
Luật là hành lang pháp lý, do ta đặt ra. Không phải là cái gì bất biến. Cần thiết thì sửa đổi, thay thế cho phù hợp với thực tiễn. Mọi suy nghĩ và hành động, để dám nghĩ/ dám làm/ dám chịu trách nhiệm, thì phải luôn tôn trọng/ tôn thờ thực tiễn. Đó là yêu cầu đầu tiên.
Nếu luật rõ ràng, cụ thể, thì đâu cần đến Bộ KHĐT trả lời hơn 600 văn bản ? Riêng việc thỉnh thị ý kiến chỉ đạo thôi là đã mất bao nhiêu công sức và tiền bạc rồi.
Trả lời tới Mai Phúc: Quá khổ cho bộ ngành trung ương. Cả nước xin ý kiến thì biết đến bao giờ xong việc?