(KTSG Online) – Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đang xem xét tiếp quản ngân hàng First Republic Bank (FRB), Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết hôm 28-4. Nếu đều này xảy ra, đây sẽ là ngân hàng thứ ba sụp đổ trong cơn khủng hoảng ngân hàng hiện tại của nước Mỹ sau khi FDIC tiếp quản Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) hồi tháng trước.
- Cơn hoảng loạn ngân hàng có thể khiến kinh tế Mỹ suy thoái
- Ngân hàng liên tiếp giải cứu, cuộc khủng hoảng niềm tin vẫn chưa chấm dứt
Nguồn tin cho biết FDIC đã kết luận rằng tình thế của FRB, có trụ sở ở bang California, ngày càng xấu và không còn thời gian để thiết kết một thỏa thuận giải cứu từ khu vực tư nhân.
Trong phiên giao dịch hôm 28-4, cổ phiếu của FRB có lúc giảm sâu gần 50% và nhiều lần dừng giao dịch do mức biến động giá quá mạnh. Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu của FRB ngay từ đầu tuần sau khi ngân hàng này báo cáo lợi nhuận giảm sâu đồng thời ghi nhận khách hàng rút hơn 100 tỉ đô la trong quí 1. Làn sóng bán tháo kéo dài gần như suốt tuần sau khi các thông tin cho thấy FRB dường như đã thất bại trong nỗ lực tìm giải pháp cứu vẫn tình hình tài chính. Vốn hóa thị trường của FRB giảm đến 97% trong năm nay. Kết thúc phiên giao dịch 28-4, giá cổ phiếu của FRB chỉ còn 3,51 đô la so với mức đỉnh hơn 206 đô la được thiết lập hồi tháng 10-2021.
Cũng giống như SVB, vấn đề của FRB nằm ở chỗ khách hàng rút tiền ồ ạt, dẫn đến rủi ro thanh khoản. FRB là một trong ba ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao nhất ở Mỹ. Nếu buộc phải bán các lô trái phiếu chính phủ Mỹ để củng cố dòng tiền mặt, FRB sẽ lỗ lớn vì giá tài sản này đang thấp hơn đáng kể so với giá mua ban đầu. Chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) trong suốt năm qua đã khiến giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh khi lợi suất tăng lên.
Một vấn đề lớn khác là FRB đã cho các khách hàng giàu có vay thế chấp với mức lãi suất thấp với các ưu đãi lớn, bao gồm hoãn trả nợ gốc trong 10 năm đầu tiên. Khi lãi suất của Fed tăng, giá trị các khoản cho vay này cũng bị bào mòn.
Tháng trước, 11 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, do JPMorgan dẫn đầu, đã bơm tổng cộng 30 tỉ đô la đô la tiền gửi vào FRB nhưng rốt cục, tình hình của ngân hàng này vẫn chưa ổn định.
FRB và các nhà tư vấn đang cố gắng dàn xếp một giải pháp để giúp FRB tránh bị FDIC tiếp quản, một kịch bản khiến cổ đông của ngân hàng này mất trắng.
Tiếp quản FRB là sự lựa chọn đường cùng vì chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tránh rủi ro lây lan sau cú sụp đổ của SVB. Mặt khác, hành động tiếp quản FRB cũng dẫn đến câu hỏi hóc búa khác về mặt chính trị là FDIC sẽ xử lý như thế nào đối với những khoản tiền gửi vượt ngưỡng tối đa được bảo hiềm 250.000 đô la, bao gồm khoản tiền gửi 30 tỉ đô la của 11 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Một đề xuất mà FRB đưa ra là các ngân hàng lớn mua lại một số lô trái phiếu chính phủ Mỹ có kỳ hạn dài mà FRB đang nắm giữ với giá cao hơn giá thị trường. Điều này sẽ giúp FRB tránh được một phần lỗ và dễ dàng huy động vốn mới hơn. Đồng thời, các bên mua có thể tránh tổn thất nếu giữ số trái phiếu này đến ngày đáo hạn và hưởng lợi khi giá cổ phiếu của FRB tăng trở lại. Các cố vấn của FRB cho rằng giải pháp này chỉ khiến các ngân hàng lớn thua lỗ tức thời trên sổ sách vài tỉ đô la. Nhưng trong trường hợp FRB bị tiếp quản, giá trị của danh mục trái phiếu của ngân hàng này có thể bút toán giảm gần 27 tỉ đô la. Khi đó, 11 ngân hàng đã gửi tiền để giải cứu FRB sẽ chịu tổn thất lớn hơn.
Dù vậy, hiện nay, các ngân hàng lớn không muốn gánh thêm rủi ro liên quan đến FRB. Hôm 28-4, CNBC cũng dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết kết cục có khả năng diễn ra nhất là FDIC tiếp quản FRB. Họ tiết lộ rằng FDIC đang kêu gọi các ngân hàng khác đấu giá mua tài sản của FRB trong trường hợp tiếp quản.
Financial Times, Reuters