(KTSG Online) – Cơn hoảng loạn trong ngành ngân hàng hiện nay ở Mỹ có thể kích hoạt một dạng suy thoái đặc biệt, giới chuyên môn gọi là suy thoái bảng cân đối kế toán (balance sheet recession). Theo đó, mức nợ cao ở khu vực tư nhân buộc các cá nhân và doanh nghiệp tập trung tiết kiệm, trả nợ thay vì chi tiêu và đầu tư, khiến nền kinh tế trì trệ.
- Ngân hàng liên tiếp giải cứu, cuộc khủng hoảng niềm tin vẫn chưa chấm dứt
- Tổng thống Joe Biden yêu cầu phạt nặng lãnh đạo ngân hàng sụp đổ do quản lý kém
Hai tuần trước, nền kinh tế Mỹ đang bay cao với mức tăng trưởng trong quí đầu tiên đạt trên 3%. Tuy nhiên, cơn hỗn loạn ngân hàng, bắt đầu với cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) rồi lây lan sang Signature Bank và First Republic Bank có khả năng đánh dấu một sự phá vỡ xu hướng trong nền kinh tế Mỹ.
Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hỗn loạn này có thể khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng “hạ cánh cứng”, tức tăng trưởng giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Mức độ bất ổn của kinh tế hiện ở mức cao giống như sau khi đại dịch Covid-19 vừa ập đến.
Nhiều ý kiến lo ngại về việc, cơn hoảng loạn trong ngành ngân hàng hiện nay có thể kích hoạt một dạng suy thoái đặc biệt, gọi là “suy thoái bảng cân đối kế toán” vốn thường xảy ra sau một cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong cơn suy thoái dạng này, các lĩnh vực của nền kinh tế bị mặc kẹt trong đống tài sản xấu do bong bóng vỡ. Giải pháp quan trọng để tránh phá sản là doanh nghiệp phải bán hết, thanh lý bớt hoặc xử lý những tài sản đó.
Việc tập trung giảm tỷ lệ nắm giữ tài sản xấu khiến hoạt động vay ròng mới bị đình trệ. Vì vậy, dù lãi suất giảm về mức thấp, hiệu quả kích thích tăng trưởng sẽ bị hạn chế. Sự phục hồi từ cơn suy thoái bảng cân đối kế toán diễn ra chậm chạp, yếu ớt khi giới doanh nghiệp ưu tiên trả nợ. Nền kinh tế Mỹ đã bị kìm hãm trong kiểu giảm nợ này vào thập niên 2010 và Nhật Bản rõ ràng đã chịu tác động này kể từ năm 1990.
Cơn suy thoái kinh tế trong thời kỳ ban đầu đại dịch Covid-19 là do virus gây ra, không phải do vấn đề trong bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, chính sách tài khóa và tiền tệ khổng lồ mà Mỹ triển khai vào năm 2021 để ứng phó triển vọng phục hồi khó khăn sau đã góp phần tạo nên cơn suy thái này.
Do kích thích nền kinh tế nhiều hơn mức cần thiết, chính sách này đã đẩy lạm phát lên 9%, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải triển khai chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại.
“Có khả năng, chúng ta sẽ phải đối mặt với một chu kỳ giảm nợ tương tự, lần này bắt nguồn từ các ngân hàng nhỏ, hoạt động trong một khu vực nhất định ở Mỹ”, Stephen Miran, người đồng sáng lập Công quản lý tài sản Amberwave Partners và là cựu cố vấn cấp cao về chính sách kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ.
Cảnh giác với rủi ro của ở các ngân hàng như SVB, khách hàng đã rút tiền gửi để chuyển vào các quỹ thị trường tiền tệ có lợi suất cao hoặc trái phiếu chính phủ. Tình cảnh này sẽ khiến nhóm ngân hàng nhỏ phải tăng dần lãi suất tiền gửi.
Trong trường hợp của SVB, lãi suất cao hơn cũng không đủ để thuyết phục khách hàng dừng rút tiền. Những ngân hàng nhỏ, không có phòng ngừa rủi ro về tài sản sẽ không có lãi. Lý do đơn giản là ngân hàng phải trả lãi suất tiền gửi gần 5% để đầu tư vào những tài sản có lợi suất 2% mỗi năm.
Các ngân hàng phải rơi vào tình thế này buộc phải cắt giảm các khoản cho vay mới và tệ hơn nữa là bắt đầu thanh lý các tài sản. Câu hỏi đặt ra là vấn đề nghiêm trọng đến mức nào mức nào?
Trong vòng một năm qua, các ngân hàng nhỏ đã tạo ra 570 tỉ tín dụng mới, chiếm khoảng 1/3 tổng cho vay mới của hệ thống ngân hàng ở Mỹ.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tín dụng ngân hàng biến động theo thời gian. Tuy nhiên, nếu nhận xét một cách thận trọng thì hiệu ứng truyền dẫn có thể tương đương một nửa. Hay nói cách khác, việc giảm cho vay một đô la có thể kìm hãm nền kinh tế tới 0,5 đô la.
Nếu tăng trưởng cho vay của các ngân hàng nhỏ về 0 thì có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế khoảng một điểm phần trăm GDP. Lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm nửa điểm phần trăm không đủ để đưa lạm phát cốt lõi từ mức gần 6% hiện nay về mức mục tiêu 2% của Fed.
Các ngân hàng lớn có thể tăng cho vay để bù đắp cho các ngân hàng nhỏ hơn đang suy thoái. Ngược lại, những “ông lớn” này có thể giảm hoạt động cho vay để ứng phó với căng thẳng hệ thống. Nếu các ngân hàng lớn giảm cho vay tương đương một nửa mức giảm cho vay ở các ngân hàng nhỏ thì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng lên một điểm phần trăm.
Theo Stephen Miran, lịch sử cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tăng thường dẫn đến một cuộc suy thoái toàn diện và khiến số việc làm mất mát còn tăng cao hơn nữa. Hiệu ứng dây chuyền sẽ lan tỏa khắp nền kinh tế.
Hiệu ứng này thể hiện bằng việc các tập đoàn trở nên do dự hơn trong việc đầu tư, doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc tuyển dụng và nhanh chóng sa thải nhân viên còn các hộ gia đình thì hạn chế mua nhà và ô tô. Các điều kiện tài chính có khả năng thắt chặt đáng kể, làm giảm hoạt động kinh tế và lạm phát trong tương lai.
Stephen Miran nhận định, nếu tiền gửi vẫn ở trong các ngân hàng khu vực, không tháo chạy thì tình trạng hỗn loạn ngân hàng trong tuần qua có thể trôi qua nhanh và toàn bộ nền kinh tế sẽ tiếp tục lộ trình tăng trưởng. Tuy nhiên, bất chấp sự hỗ trợ của Fed dành cho với một số ngân hàng khu vực, tiền gửi vẫn có thể bị rút dẫn đến những cú “hãm phanh” đối với nền kinh tế.
Theo Barrons