Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

GS. Trần Văn Thọ: Cần chiến lược cho tài sản vô hình và nhân lực mới

Trịnh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nói chuyện tại buổi hội thảo “Nhân sự số - năng lực nào thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng?” ngày 12-4-2023 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Saigontimes Club và Công ty Le & Associates phối hợp tổ chức, Giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư danh dự, Đại học Waseda (Nhật Bản), trăn trở với vấn đề làm sao để Việt Nam phát huy tiềm năng và trở thành nước có vị trí cao hơn trên vũ đài quốc tế. Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, để phát huy tiềm năng, Việt Nam phải tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh ở cả hai bình diện quốc gia và doanh nghiệp. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu những chia sẻ của vị giáo sư về chủ đề này.

Giáo sư Trần Văn Thọ dẫn dắt vấn đề: Trong khi bất ổn địa chính trị, địa kinh tế đang diễn ra, một số nước vẫn lặng lẽ vươn lên như trường hợp của Ấn Độ. Năm 2022, lần đầu tiên nền kinh tế Ấn Độ vượt qua Anh - quốc gia từng đô hộ họ. Và theo các dự báo, chỉ 3-4 năm nữa nước này sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Đây là cách thế giới chuyển động...

Những trào lưu mới về thị trường và công nghệ

Thời đại công nghệ 4.0 với các trụ cột như công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT) và tự động hóa ngày càng ảnh hưởng đến năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp. Công nghệ 4.0 thúc đẩy khởi nghiệp trên bình diện rộng và đổi mới sáng tạo theo hướng nhảy vọt, khác với đổi mới sáng tạo có tính tuần tự như trong quá khứ. Giáo sư Trần Văn Thọ lưu ý, sự nhảy vọt diễn ra trong từng bộ phận khi lực lượng nhân tài có thể đi trước trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng trên bình diện quốc gia vẫn phải đi tuần tự.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cách mạng 4.0, sự phân ly giữa công nghiệp và dịch vụ dần lu mờ. Nhờ kỹ thuật số phát triển, dịch vụ hóa sản phẩm công nghiệp trở nên quan trọng. Sản phẩm phần cứng (hardware) sản xuất hàng loạt dễ dàng nên doanh nghiệp phải thêm dịch vụ phần mềm (software) vào mới tạo sự khác biệt. Tính chất của sản phẩm công nghiệp sẽ không phân biệt theo hàm lượng lao động, tư bản và công nghệ mà theo trình độ kỹ năng (skill) của lao động (kỹ năng thấp, kỹ năng trung bình, kỹ năng cao).

Địa chính trị, địa kinh tế ngày càng ảnh hưởng đến sự phân công quốc tế và thường xuyên mang lại sự bất định trong hoạt động kinh tế, kinh doanh. Đối đầu Mỹ - Trung, cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng đến cung cấp năng lượng, thực phẩm và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, tình hình này là cơ hội cho những nước trung lập nếu muốn nắm bắt thời cơ để củng cố nội lực và phát huy sức cạnh tranh trên thương trường thế giới. Ngành lương thực, thực phẩm của Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu trong việc có thể hưởng lợi trong bối cảnh này. Theo tính toán của nhóm Kumagai Satoru ở Viện Nghiên cứu các nền kinh tế phát triển (IDE, Tokyo), Việt Nam - nước thuộc nhóm trung lập sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trường hợp không có đối đầu Mỹ - Trung.

Các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh

Với trào lưu mới, yếu tố quyết định năng suất lao động nói riêng và năng lực cạnh tranh nói chung của quốc gia và doanh nghiệp là tài sản vô hình và nguồn nhân lực mới.

Tài sản vô hình gồm: tài sản đẩy mạnh cách tân công nghệ như nghiên cứu - phát triển (R&D), khả năng thiết kế; tài sản có thể thông tin hóa như phần mềm, cơ sở dữ liệu... và tài sản tổng hợp như năng lực quản lý, tổ chức và nguồn nhân lực mới. Nguồn nhân lực mới được định nghĩa là nguồn nhân lực đáp ứng ngay sự thay đổi của công nghệ.

Giáo sư Thọ phân tích tới trường hợp của Nhật Bản. Nền kinh tế Nhật trải qua giai đoạn phát triển thần kỳ (1955-1973) và giai đoạn củng cố vị trí cường quốc công nghiệp nhờ sự phát huy nội lực và tận dụng ngoại lực trong các thời đại cách mạng 2.0 và 3.0. Tuy nhiên, đất nước này đối mặt với suy thoái từ thập niên 1990 khi không đối phó hữu hiệu với trào lưu mới của cách mạng 4.0. Một trong những nguyên nhân là ít chú trọng đầu tư vào tài sản vô hình, nhất là đầu tư cho nguồn nhân lực mới. Tỷ lệ đầu tư vào tài sản vô hình trên GDP của Nhật Bản rất thấp.

Nhật Bản trên bình diện quốc gia là vậy nhưng theo vị giáo sư, không ít doanh nghiệp nước này lại thành công trong chiến lược tăng cường tài sản vô hình, nhất là xây dựng nguồn nhân lực mới, đặc thù thuộc từng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, kết nối vạn vật trong sản xuất, kinh doanh và đạt thành công như Hitachi, Sony, Ricoh, Itochu...

Trường hợp Hitachi, tập đoàn này có 36.000 nhân viên. Từ năm 2011, Hitachi đẩy mạnh cách tân công nghệ (innovations) mà tiền đề là nguồn nhân lực mới, lập dữ liệu của 25.000 nhân tài toàn cầu, trong đó có 500 người thuộc tốp toàn cầu để có kế hoạch thu hút nhân tài khi cần. Doanh nghiệp cũng thiết lập hệ thống học tập cho nhân viên với chương trình giáo dục kỹ thuật số nhằm tăng dần khả năng lĩnh hội và sử dụng công nghệ số (digital literacy) cho toàn nhân viên.

Đến đầu năm 2021, Hitachi đã đào tạo/thu hút 35.000 chuyên gia kỹ thuật số, trong đó kỹ sư về dữ liệu lên tới 3.000 người. Trên cơ sở nguồn nhân lực đó, Hitachi tiến hành đổi mới sáng tạo, kết nối vạn vật các cơ sở sản xuất và quản lý. Kết quả, doanh nghiệp giảm phí tổn trong công trình thiết kế 20%, trong điều động vật tư 20%, trong chế tạo 10% và giảm 50% thời gian từ sản xuất đến giao hàng của sản phẩm.

Nhiều công ty nhỏ và vừa cũng thành công trong đổi mới sáng tạo với công nghệ 4.0 trước những cơ hội mới của thị trường. Đặc biệt, tại Nhật Bản có một doanh nghiệp sáng tạo phần mềm dịch thuật sáng lập năm 2003 với bốn nhân viên, hiện nay đã tăng lên 300 người, với 90% là chuyên gia người Việt Nam. Nhân tài của Việt Nam đang được tận dụng ở Nhật Bản trong việc đổi mới sáng tạo.

Để năng suất lao động Việt Nam tăng

Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 15% năng suất của Nhật Bản, tương đương với năng suất của nước này năm 1960. Vị trí của Việt Nam ở dưới Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines... Năng suất lao động của Việt Nam mới tăng gần đây nhờ sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2010-2020 là 5,2% trong khi giai đoạn 1990-2010, con số này chỉ là 2,6%.

Trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần thúc đẩy công nghiệp hóa theo chiều sâu để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm công nghiệp. Với những cơ cấu lỗi thời, như cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu sản xuất kinh doanh, Việt Nam cần tiến hành “phá hủy sáng tạo” (creative destruction) để có thể đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, Chính phủ cần có chính sách, biện pháp chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức hiện chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, và có chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng để doanh nghiệp lớn mạnh mới có khả năng đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường giáo dục, đào tạo trong thời đại kỹ thuật số; tổ chức, lập các cơ sở tái đào tạo kỹ năng (reskilling) cho người lao động.

Như đã phân tích, các sản phẩm công nghiệp ngày nay chia theo hàm lượng kỹ năng lao động. Hình kèm theo đây biểu diễn tiến triển trong chỉ số năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam trong ba sản phẩm công nghiệp, phân theo hàm lượng lao động có kỹ năng thấp, kỹ năng trung bình và kỹ năng cao (trên đường zero là xuất siêu, dưới là nhập siêu). Việt Nam đang xuất siêu chủ yếu ở các ngành có kỹ năng thấp, các ngành kỹ năng trung bình gần đây chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Con đường lý tưởng cho Việt Nam trong tương lai là từng bước tăng năng lực cạnh tranh trong những ngành có hàm lượng kỹ năng cao.

Đối với cấp độ doanh nghiệp, hai từ khóa quan trọng với nhóm này là tài sản vô hình và đổi mới sáng tạo. Trong tài sản vô hình, hai yếu tố cơ bản là nghệ thuật về mặt tổ chức (organizational innovations) và nhân tài gắn với doanh nghiệp (firm-specific human capital).

Trước đây, innovations (đổi mới sáng tạo) có hai nội dung là process innovation (đổi mới quy trình sản xuất của những sản phẩm đã có) và product innovation (sáng tạo sản phẩm mới). Từ cuối thế kỷ 20, đổi mới sáng tạo có thêm hai nội dung là về marketing (tiếp thị) và organization (tổ chức). Nghệ thuật tổ chức là cách tân quan trọng nhất vì quyết định ba nội dung kia.

Doanh nghiệp cần xây dựng nhân tài gắn với đặc thù riêng doanh nghiệp mình, trong giai đoạn mới, hai loại đó là nhân tài kỹ thuật số và nhân tài tổng hợp (có năng lực cơ bản thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và công nghệ).

Nhân tài kỹ thuật số tăng nhanh nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Chiến lược để phát triển dạng nhân tài này là phải vừa thu hút vừa đào tạo. Doanh nghiệp phải có hệ thống và văn hóa đãi ngộ để giữ chân nhân tài. Trong khi đó, nhân tài tổng hợp thường khó phát hiện hơn. Doanh nghiệp cần thu dụng người có tiềm năng và nuôi dưỡng, đào tạo ngay trong chính công ty. Cuối cùng, các doanh nghiệp nên tổ chức các chương trình reskilling cho nhân viên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng tới việc bổ sung nguồn lực kinh doanh. Thực tế, nguồn lực (gồm cả tài sản vô hình) của một doanh nghiệp là hữu hạn trong khi cơ hội thị trường và công nghệ lại rất lớn. Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu hoặc sáng tạo ra các chuỗi mới... là rất lớn. Vì vậy, Giáo sư Thọ cho rằng cần liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước để tận dụng các cơ hội này. Ngoài việc quảng bá các nguồn lực kinh doanh, doanh nghiệp cần tạo chữ tín và xây dựng quan hệ lâu dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy chữ tín có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và ổn định các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong giai đoạn thế giới nhiều biến động như hiện nay. Ngoài ra, vai trò của nhân tài tổng hợp cũng quan trọng trong các thương lượng, quan hệ hợp tác quốc tế.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tài sản vô hình và nhân tài. Tuy hai mà một. Như vậy, chỉ cần chiến lược xây dựng nhân tài tốt thì số lượng/ chất lượng tài sản vô hình tất yếu sẽ tăng theo tốc độ cấp số nhân. Muốn có tài sản vô hình bền vững, ngoài nhân tài ra, thì uy tín thương hiệu của tố chức và quốc gia phải là bệ phóng quan trọng nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới