Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt gồm CBBank, OceanBank, GP Bank và DongABank.

DongAbank là 1 trong 4 ngân hàng yếu kém được kiểm soát đặc biệt và bắt buộc chuyển giao - Ảnh minh họa: TL

TTXVN đưa tin, Ngân hàng Nhà nước có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Theo đó, sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á - DongABank và 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank;

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đánh giá tổng thể thực trạng các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Tiến hành định giá 3 ngân hàng bị mua 0 đồng và quyền lợi của các cổ đông các ngân hàng này xem như đã chấm dứt. Quyền lợi của cổ đông DongABank cũng sẽ chấm dứt nếu vốn chủ sở hữu của ngân hàng này bị âm tại thời điểm chuyển giao bắt buộc. Từ đó các ngân hàng thương mại được chỉ định quản lý, giám sát có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc.

Theo cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước, ngoài công việc xử lý ngân hàng yếu kém, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã làm việc trực tiếp với một số tổ chức tín dụng để nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ xấu, cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và có lộ trình giảm dần tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhằm ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 4-2023, các ngân hàng Vietcombank, VPBank, MB, BIDV cũng thông tin đang tiếp tục các bước nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Các phương án nhận chuyển giao đã được trình và chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Đối với trường hợp SCB được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022, Ngân hàng Nhà nước đangphối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng có vốn nhà nước được giao giám sát các ngân hàng yếu kém thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật gây hoang mang dư luận, không để xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới