(KTSG Online) – Để có thể đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, vấn đề quan trọng cần phải thực hiện là phải tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học lên 0,8% GDP thay vì chỉ 0,27% như hiện nay.
Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ” diễn ra vào hôm nay, 12-5, tại thành phố Cần Thơ.
Theo tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đến từ Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, việc chuyển đổi giáo dục là cần thiết, tuy nhiên, hiện tại đang vướng mắc và cần được tháo gỡ về chính sách lẫn tài chính.
Ông lấy ví dụ, ngành giáo dục có nhiều chính sách tốt để khuyến khích tự chủ nhưng việc tổ chức thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc. Thách thức tiếp theo là chưa chuyển động và nắm bắt kịp xu hướng thế giới. Đơn cử, thế giới đang chuyển dịch mạnh sang trí tuệ nhân tạo, nhưng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này ở mảng giáo dục còn chậm.
Bên cạnh đó, còn thiếu sự chú trọng và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu (R&D) trước khi xây dựng chính sách để từ đó có cơ sở đưa vào thực hiện.
Chẳng hạn, đối với chính sách giáo dục mở, theo ông Tiến, cách đây 10 năm Việt Nam đã đưa tư tưởng này vào nghị quyết và được thể chế hóa trong Luật Giáo dục, nhưng đến hiện nay, chủ trương này cũng chỉ dừng lại ở “tuyên ngôn” trong Luật Giáo dục.
“Cách đây mấy năm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn có chủ trì một cuộc hội thảo về dự kiến xây dựng đề án về tài nguyên giáo dục mở, nhưng đến nay vẫn chưa có”, ông Tiến cũng nói thêm rằng điều này đã tạo thành điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.
Đề cập đến thách thức về tài chính, ông Tiến dẫn chứng hai nghiên cứu, một của Ngân hàng Thế giới (WB) về giáo dục Việt Nam và một của Viện Nghiên cứu giáo dục về chiến lược giáo dục đều được công bố vào năm 2022 cho thấy, dù ngân sách nhà nước được quy định chi 20% cho giáo dục, nhưng trên thực tế khoản chi này chưa bao giờ đạt.
Trong khi đó, ở cấp trường, Luật Giáo dục 2018 quy định nguồn thu chủ yếu của các cơ sở giáo dục là thu ngoài ngân sách và từ ngân sách nhà nước cấp (nếu có). “Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta định hướng chuyển dần để tất cả các cơ sở giao dục tại Việt Nam tự bảo đảm mọi khoản chi, kể cả chi đầu tư. Đây là thách thức cực kỳ lớn”, ông nhấn mạnh.
“Làm thế nào để giải quyết được các thách thức đó?”, ông Tiến nêu câu hỏi và cho rằng, về mặt chính sách và tài chính cần xuất phát từ quan điểm rất cơ bản, đó là giáo dục đại học là lợi ích công.
Ở góc nhìn của nhà khoa học, ông Tiến cho rằng khi các nền kinh tế bắt đầu tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì tư trưởng “thị trường” giáo dục đại học đã phát sinh, tức giáo dục đại học là phải chia sẻ chi phí, cho nên, sau đó các trường trên thế giới (kể cả công lập) bắt đầu thu học phí.
Chính tư duy như trên, cho nên, cơ chế tài chính của các trường đại học hiện nay nằm giữa một phổ rộng của hai đầu cực. Trong đó, một đầu cực là các trường đại học hoàn toàn không thu học phí, phổ biến là ở châu Âu; đầu cực còn lại là các trường đại học hoàn toàn dựa vào thu học phí (kể cả công lập).
Tuy nhiên, giữa hai đầu cực nêu trên là một phạm vi rộng lớn các trường đại học với cơ chế thu học phí khác nhau, nhưng theo hướng tỷ lệ chi phí công giảm dần và chi phí tư tăng lên. “Đây là cơ chế tài chính phổ rộng ở các nước trên thế giới, trong đó, tư duy của các nước ngày càng hướng đến chỗ giảm dần chi phí công, tăng dần chi phí tư, đặc biệt là Việt Nam”, ông Tiến nhấn mạnh và cho rằng, điều này dẫn đến các rủi ro lớn.
Chính vì vậy, hội nghị thượng đỉnh về giáo dục đại học trên thế giới và hội nghị quốc tế về giáo dục đại học lần thứ 3 tổ chức vào năm ngoái đưa ra một số khuyến nghị mà ông Tiến cho rằng Việt Nam cần phải thực hiện đến cùng.
Cụ thể, cần nhìn nhận, chi tiêu giáo dục không phải là một khoản chi tiêu dùng giống như chi cho du lịch hay các dịch vụ khác, mà đó là khoản đầu tư quan trọng của quốc gia. “Hiện nay, Bộ Tài chính đang có tư duy chi cho giáo dục là “chi tiêu dùng” nên người học phải trả đúng, trả đủ, một tư duy không có lợi cho sự phát triển của giáo dục”, ông Tiến nói tại hội thảo.
Thứ hai, dù là cơ chế tài chính gì, tức cả công, tư hay như thế nào, thì cấp Chính phủ cần cung cấp tài chính nhiều hơn cho giáo dục đại học với tư cách là lợi ích công.
Thứ ba, là cần đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, thì cần chi 1% GDP cho giáo dục đại học (hiện nay chi cho giáo dục đại học chỉ ở mức 0,27% GDP). “Tôi cho rằng đây là những khuyến nghị của quốc tế mà Việt Nam tham gia thì phải chấp hành, chuyển thành thực tế”, ông Tiến nhấn mạnh.
Khuyến nghị nêu trên được đưa ra, bởi nghiên cứu của WB cho thấy, Việt Nam thuộc số ít nước chi tiêu gia đình cho mỗi sinh viên nhiều hơn so với Chính phủ, tức Việt Nam đã gia nhập số ít nước có chi phí tư lớn hơn chi phí công trong giáo dục đại học, kể từ năm 2016.
Ngoài ra, Việt Nam cũng thuộc số ít nước mà học phí chiếm hơn 50% chi phí giáo dục, trong khi chi ngân sách nhà nước cho giáo dục chưa tới 0,5% GDP (mới 0,27%).
Chính vì vậy, WB khuyến nghị cần tăng cấp tài chính cho giáo dục đại học từ 0,27% GDP như hiện tại lên ít nhất 0,8% GDP vào năm 2030. Bởi, nếu không Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, tức không tăng chi ngân sách cho giáo dục, thì mục tiêu đến 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao chỉ là tuyên bố “trên văn bản”.
“Để thực hiện được mục tiêu đến 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thì phải chi cho giáo dục đại học đạt mức 0,8% GDP”, ông Tiến nhấn mạnh.