Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba thay đổi gây áp lực chuyển đổi hệ thống giáo dục

Trần Hương Giang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Năm 2022, báo cáo Giáo dục để tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn. Trước đó, hệ thống giáo dục Việt Nam bước vào thời kỳ cải cách với nhiều gói chính sách khác nhau. Hoạt động đổi mới giáo dục vẫn chưa hoàn thiện thì nhu cầu nguồn nhân lực lại tiếp tục thay đổi, thách thức khả năng duy trì và phát triển kinh tế – xã hội.

Việt Nam rất cần đánh giá lại bối cảnh mới của thị trường lao động nhằm định hướng đào tạo phù hợp. Sự chần chừ chuyển đổi có thể khiến Việt Nam phải hy sinh một thế hệ người lao động lỗi thời với thị trường và một lần nữa làm cho khoảng cách tụt hậu trong nước so với thế giới bị khoét sâu thêm.

Trong thời gian qua, kinh tế – xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chịu ảnh hưởng bởi ba tác động chính: thứ nhất là những ảnh hưởng ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 kết hợp với xung đột vũ trang đang gây chia rẽ sâu sắc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; thứ hai là sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ, đặc biệt là sự hình thành ngày càng rõ rệt vai trò của trí tuệ nhân tạo gây áp lực dịch chuyển lao động lên phân khúc tạo giá trị cao hơn; cuối cùng, sự mất cân đối quá mức giữa phát triển kinh tế với các vấn đề về môi trường và xã hội đòi hỏi các hoạt động phải hướng đến phát triển bền vững.

Sự thay đổi chuỗi cung ứng đòi hỏi năng lực kết hợp giữa những kiến thức chuyên môn sâu với khả năng nhìn nhận vấn đề theo chiều rộng

Sau hai năm chịu nhiều tổn thương bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi đã phải chịu đựng cú sốc tiếp theo đến từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây ảnh hưởng tiêu cực lên chuỗi cung ứng hàng hóa và rủi ro lạm phát. Chiến sự leo thang tác động mạnh lên giá năng lượng và tạo hiệu ứng dây chuyền đến tất cả hàng hóa, sản phẩm dịch vụ khác. Khủng hoảng năng lượng và lương thực thách thức vai trò lãnh đạo ở các quốc gia và khiến một số khu vực rơi vào đói nghèo nghiêm trọng.

Bất ổn nhiều năm đủ để các doanh nghiệp hiểu việc thu hẹp quy mô chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ giúp họ tránh những tổn thương và dễ duy trì hoạt động kinh tế bất chấp khủng hoảng. Xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ hoặc làn sóng quay trở về các nước sở tại để tự chủ nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào khiến quy mô tuần hoàn của chuỗi cung ứng được thu hẹp lại. Kể cả khi nền kinh tế quay lại ổn định như trước đây, các doanh nghiệp vẫn sẽ duy trì chuỗi cung ứng mới này ở hàm lượng cao như một biện pháp quản trị rủi ro hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của họ.

Chuỗi cung ứng thu hẹp làm giảm tính chuyên môn hóa ở phạm vi quốc gia, kết nối các khâu chuỗi giá trị và phối hợp giữa các cụm ngành sẽ tăng lên. Thực trạng này đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức sâu về chuyên môn riêng mà còn phải mở rộng sự hiểu biết sang những ngành liên quan để kết hợp hoạt động hiệu quả. Thực trạng này đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ngoài đào tạo chuyên môn sâu còn cần giúp người học có cái nhìn rộng về bức tranh hoạt động kinh tế liên quan đến ngành nghề mà họ đang muốn theo đuổi.

Cuộc cách mạng công nghiệp và trí tuệ nhân tạo đang gây áp lực dịch chuyển nhân lực

Các nước đang phát triển thông thường sẽ nắm giữ những khâu sản xuất thâm dụng lao động cao nhưng tạo giá trị gia tăng ít và thu nhập thấp. Đặc điểm của các loại hình công việc này là tự động hóa cao, thiên về độ chính xác và khả năng lặp lại trên quy mô lớn hoặc có một quy trình, khuôn khổ rõ ràng để thực hiện. Tuy nhiên, loại hình công việc này rất phù hợp để được thay thế bởi các máy móc, thiết bị của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Mức độ thực hiện của máy móc và phần mềm được dự báo sẽ có thể tinh xảo và nhuần nhuyễn hơn con người gấp nhiều lần.

Việt Nam rất cần đánh giá lại bối cảnh mới của thị trường lao động nhằm định hướng đào tạo phù hợp. Sự chần chừ chuyển đổi có thể khiến Việt Nam phải hy sinh một thế hệ người lao động lỗi thời với thị trường…

Công nghệ và trí tuệ nhân tạo không chỉ thay thế công việc lao động chân tay hay các công việc chuyên môn hóa có tính lặp lại thường xuyên mà còn có thể thay các công việc lao động trí óc hay những hoạt động đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng cao như bác sĩ, giáo viên, nhân viên văn phòng, chuyên gia tư vấn, nghiên cứu…

Sự thay thế này gây áp lực cho hệ thống giáo dục đào tạo khiến các quốc gia phải xác định lại đặc điểm cần có của nguồn nhân lực trong bối cảnh mới. Vì mức độ thay thế khá lớn, chính những đất nước phát triển có khả năng nắm giữ những khâu sản xuất có giá trị cao trong quy trình chung cũng phải nhìn nhận và định hướng lại nhu cầu năng lực mới.

Việt Nam chủ yếu nắm những khâu sản xuất có giá trị gia tăng chưa cao, thâm dụng lao động và đem lại thu nhập thấp, việc dịch chuyển các hoạt động sản xuất cần thực hiện theo hai hướng: thứ nhất là dịch chuyển lên các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, ít bị thay thế bởi công nghệ hoặc trí tuệ nhân tạo; thứ hai là vẫn giữ vị trí cũ trên chuỗi giá trị sản xuất nhưng gia tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo, tạo ra đặc điểm sản phẩm mang tính dẫn dắt và duy nhất. Cả hai hướng trên đều đòi hỏi nguồn nhân lực phải có khả năng sáng tạo và đột phá trong việc tạo ra những mô thức, quy trình mới mẻ, chưa có tiền lệ trước đó.

Trục trặc về môi trường và xã hội đòi hỏi năng lực cân đối để phát triển bền vững

Sau thời gian bùng nổ và phát triển nền kinh tế đến mức cực đại, thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn đến từ việc mất cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Nhu cầu cắt giảm phát thải, đảm bảo nhiệt độ trái đất không bị tăng lên quá 1,5 độ đang là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết tại cuộc họp giữa các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, sự bất bình đẳng giữa các nhóm người và những vấn đề trục trặc trong giáo dục, y tế, chủ quyền lương thực,… đặt ra yêu cầu cân bằng xã hội như một biện pháp đảm bảo kiểm soát được các rủi ro trong hiện tại và tương lai.

Phát triển bền vững thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về chiến lược tăng trưởng kinh tế. Ngoài mục tiêu lợi nhuận, các doanh nghiệp còn cần hướng đến môi trường và xã hội. Một số chính sách và các công cụ điều tiết mới đã và đang được thiết lập nhanh chóng, giúp thay đổi hành vi của các đối tượng trong nền kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực phải có khả năng cân đối các yếu tố trên, nhìn nhận và giải quyết các vấn đề có tính chất xuyên ngành, liên ngành.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, hệ thống giáo dục Việt Nam từ cấp mầm non và phổ thông cho đến đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học phải có tính kế thừa để xây dựng tư duy sâu hơn về vấn đề môi trường và xã hội từ mức độ tổng quát cho đến đi vào cụ thể từng ngành nghề.

Bên cạnh đó, tư duy phản biện và khả năng tự lập luận trước các vấn đề trục trặc hoặc các tình huống phát sinh sẽ giúp người lao động có được nhận thức và hành vi đúng đắn, từ đó mới có thể cân bằng được các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững như đã cam kết.

(*) Chuyên gia cao cấp về kinh tế và chính sách, Công ty Tư vấn quốc tế enCity

1 BÌNH LUẬN

  1. Cho dù bối cảnh thời đại thay đổi như thế nào đi nữa thì giáo dục vẫn phải kiên định với mục tiêu giáo dục vì con người hoàn thiện chứ không phải giáo dục chung chung, hoặc tệ hơn là tìm kiếm lợi ích bằng mọi giá. Mọi mục tiêu giáo dục cần phải hướng đến các tiêu chuẩn tối hậu: Chất lượng tinh thần/ thể chất / Tăng cường kỷ cương/ kỹ năng. Giáo dục con người có ích cho xã hội luôn là mục tiêu vĩ đại nhất. Giáo dục con người có ích cho gia đình và bản thân chính là mục tiêu nhân văn nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới