(KTSG) - Các nhà đầu tư đang rót tiền tỉ vào các công ty cung cấp dịch vụ thử máu, phân tích DNA để sớm phát hiện ung thư. Nhưng nhiều nhà khoa học nghi ngờ hiệu quả của phương pháp này.
- Bộ Y tế sẽ thành lập 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm
- Nhật Bản bàn giao thiết bị y tế viện trợ cho 4 bệnh viện Trung ương Việt Nam
Tờ Financial Times kể Valerie Caro tự xem mình là may mắn; năm ngoái cô tốn 950 đô la để được xét nghiệm máu, một xét nghiệm mang tên Galleri và nhờ đó phát hiện cô bị ung thư túi mật giai đoạn sớm. Sau các tầm soát khác để xác minh, cô được phẫu thuật để cắt bỏ khối u rồi làm hóa trị. Nay cô đang bình phục. Caro là một trong những người đầu tiên ở Mỹ và Anh đồng ý tham gia một dạng tầm soát ung thư mới gọi tắt là MCED (xét nghiệm phát hiện sớm nhiều loại ung thư).
Xét nghiệm này dùng giải trình tự gen và các công nghệ mới khác để phát hiện các mảnh DNA do tế bào ung thư loại thải vào máu của người bệnh, nhờ đó có thể nhận diện nhiều loại ung thư từ chỉ một lần thử máu. Nhiều chuyên gia y tế đánh giá công nghệ này mang tính “cách mạng”.
Các cơ quan y tế của Anh và Mỹ cho phép thử nghiệm lâm sàng phương pháp MCED với kỳ vọng sẽ áp dụng rộng rãi cho dân chúng. Bộ Y tế Anh đang tham gia một cuộc thử nghiệm xét nghiệm Galleri trên 140.000 người.
Nếu cuộc thử nghiệm thành công, Bộ này có thể sẽ mua 1 triệu xét nghiệm từ Grail, công ty Mỹ phát triển xét nghiệm này. Trên thực tế Grail và một công ty Ấn Độ, Data Cancer Genetics, đã bán xét nghiệm MCED ra bên ngoài, giá mỗi xét nghiệm là trên 1.000 bảng Anh. Tại Mỹ, xét nghiệm Galleri bán dưới nhãn “do phòng thí nghiệm phát triển” vì chưa được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA phê duyệt chính thức.
Hiện có ít nhất cả chục công ty đang cạnh tranh với Grail để phát triển các sản phẩm tương tự trong một lĩnh vực được cho là có khả năng tăng trưởng từ 1,5 tỉ đô la Mỹ doanh thu trong năm này lên 23 tỉ đô la vào năm 2031. Sau các chiến dịch vận động hành lang của doanh nghiệp, các nhà lập pháp Mỹ đã biên soạn các đạo luật nhằm cung cấp tài trợ cho các xét nghiệm cho người dân nằm trong các chương trình y tế như Medicare.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia y tế đều tin vào khả năng phát hiện ung thư của xét nghiệm. Một số chuyên gia được Financial Times phỏng vấn bày tỏ mối lo ngại xét nghiệm có hại hơn có lợi vì các rủi ro như chẩn đoán sai, chẩn đoán quá mức và điều trị quá mức. Ngoài chi phí cao, việc xét nghiệm cũng gây ra lo lắng không cần thiết ở nhiều bệnh nhân. Những người phê bình loại xét nghiệm MCED cho rằng xét nghiệm đại trà sẽ tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế hiện đã quá tải.
Một chương trình tầm soát thí điểm ở Arizona cho lính cứu hỏa đã bỏ sót rất nhiều ca ung thư, làm người ta nghi ngờ về độ chính xác của xét nghiệm. Họ còn cho là các công ty hiện coi trọng lợi nhuận hơn lợi ích của người bệnh khi bán xét nghiệm ra bên ngoài trong lúc chưa hoàn tất các thử nghiệm ngẫu nhiên cần thiết nhằm chứng minh xét nghiệm có hiệu quả và thật sự cứu người.
Giáo sư Paul Pharoah, một chuyên gia về ung thư nhận định: “Dương tính giả là vấn đề. Âm tính giả cũng là vấn đề. Chúng ta chưa biết các vấn đề này lớn hay nhỏ và chúng ta cũng chưa biết liệu các xét nghiệm này có tạo ra sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do ung thư hay không”.
Đột phá khoa học dẫn đến sự ra đời xét nghiệm Galleri xảy ra cách đây một thập niên khi Meredith Halks-Miller, cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại Công ty giải trình tự gen Illumina phát hiện các mảnh DNA bất thường trong máu của các phụ nữ mang thai. Bà linh cảm chỉ có ung thư mới gây ra hiện tượng này và bắt đầu theo dõi nhóm phụ nữ khỏe mạnh này. Sau đó những phụ nữ được tiên đoán có thể mắc ung thư được chẩn đoán chính xác là bị ung thư sau khi sinh con.
Phát hiện của Halks-Miller dẫn tới cuộc đua phát triển loại xét nghiệm mang tính chẩn đoán ung thư sớm. Illumina cho ra đời Công ty Grail để chuyên tâm vào lĩnh vực này, được rót hơn 2 tỉ đô la từ các nhà đầu tư như Bill Gates, Jeff Bezos và Công ty Tencent của Trung Quốc.
Năm ngoái Grail xuất bản một nghiên cứu với chừng 6.700 bệnh nhân trên 50 tuổi. Trong số 92 người được ghi nhận có dấu hiệu ung thư, chừng 35 người sau đó được chẩn đoán mắc ung thư thật; 57 trường hợp dương tính giả, trong số đó có một phần ba phải trải qua các thủ thuật xâm lấn để loại trừ ung thư.
Cạnh tranh với Grail ở Mỹ là Công ty Data Cancer Genetics, năm ngoái có ký kết hợp tác với Công ty Artemis DNA để tài trợ cho các cuộc thử nghiệm MCED mang tên TruCheck ở Mỹ và ở Việt Nam. Các đối thủ khác như Exact Sciences, trụ sở đóng ở Wisconsin hay Freenom ở San Francisco, một công ty khởi nghiệp được Roche hỗ trợ cũng đang nỗ lực đưa ra các xét nghiệm của riêng mình.