Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đã có 65/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ đàm phán giá điện

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến hết ngày 2-6, đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Ảnh minh họa: TL

Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương, đến hết ngày 2-6, đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết đã cùng chủ đầu tư hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án, trong đó có 40 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.

Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD) với 9 dự án/phần dự án có tổng công suất 472,62 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

19 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

EVN cũng công khai bảng biểu cập nhật chi tiết về tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chưa có giá của 85 dự án và bảng thông tin về việc chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) của 56 dự án đã đề xuất giá tạm. Cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến lãng phí nguồn điện tái tạo trong khi miền Bắc thiếu điện trầm trọng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cho biết điện gió, điện mặt trời có tiềm năng và đang phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp. Vì thế, muốn sử dụng nguồn năng lượng này phải đầu tư khá lớn cho hệ thống truyền tải hoặc lưu trữ điện.

Bên cạnh đó, điện gió, điện mặt trời phụ thuộc vào giá thành công nghệ và thiết bị. Công nghệ thế giới phát triển rất nhanh, vì thế giá thành thiết bị và công nghệ giảm đi hàng năm, trung bình từ 6-8% làm cho giá thành điện năng lượng tái tạo chưa tính phí truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian, Quochoi.vn đưa tin.

Về lâu dài, năng lượng tái tạo có thể là nguồn điện năng có giá rẻ nhất, nếu chưa tính các phí truyền tải và lưu trữ điện. Và để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, phải có một số nguồn điện nền ổn định, có khả năng phát liên tục 24/24 đủ bù đắp cho những khi không có nắng, gió.

Với 85 dự án năng lượng tái tạo không đủ điều kiện hưởng giá FIT, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, hầu hết chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đã chạy đua với thời gian, bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Để không lãng phí, song cũng không hợp thức hóa những vi phạm, rất cần có chủ trương của Quốc hội, Chính phủ cho cơ chế tháo gỡ để Bộ Công Thương, các bộ, ngành và địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề trên, tránh lãng phí nguồn lực, gây bức xúc cho xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới