Chủ Nhật, 28/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiết kiệm điện không đơn giản là chỉ tắt đi vài công tắc

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Báo VnExpress ngày 4-6-2023 đăng đoạn clip ghi lại cảnh các nhân viên điện lực mang theo chiếc loa thùng đi qua những con phố ở Hà Nội để kêu gọi người dân tiết kiệm điện. Kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm là cần thiết, nhưng việc các nhân viên điện lực làm trong đoạn clip trên dường như chưa trúng vào đối tượng chính, vì sản xuất công nghiệp mới là nhóm khách hàng sử dụng nhiều điện nhất và cũng là kém hiệu quả nhất so với các ngành kinh tế khác.

Với người sử dụng điện sinh hoạt và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hóa đơn tiền điện hàng tháng chính là biện pháp tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả nhất. Nhưng với các ngành công nghiệp, vận động sử dụng điện tiết kiệm không chỉ đơn giản là kêu gọi tắt đi vài cái công tắc, mà xét trên bình diện quốc gia, việc này liên quan đến tầm nhìn chiến lược phát triển ngành; còn trong phạm vi của từng doanh nghiệp thì đó là sự lựa chọn đánh đổi giữa tiết kiệm năng lượng và tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Kinh tế Việt Nam cho đến nay vẫn là nền kinh tế thâm dụng năng lượng, nhất là điện năng, hay nói cách khác chúng ta đã và đang đánh đổi hiệu quả sử dụng năng lượng để lấy tăng trưởng. Điều này được phản ánh qua cường độ sử dụng điện – là số ki lô wat giờ (kWh) điện cần sử dụng để tạo ra một đơn vị GDP. Số liệu năm 2020 cho thấy, để tạo ra 1.000 đô la Mỹ GDP Việt Nam cần tới 1.049 kWh điện, kém xa con số ở các nước đang phát triển trong khu vực tại thời điểm năm 2017 như Trung Quốc (632 kWh), Malaysia (415 kWh), Thái Lan (475 kWh) và còn xa hơn nữa so với các nền kinh tế phát triển khác.

Các số liệu thống kê đều chỉ ra ngành công nghiệp là “thủ phạm” chính làm cho hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế Việt Nam kém. Tại thời điểm năm 2012, ngành công nghiệp tiêu thụ tới 52,5% tổng lượng điện thương phẩm của cả nước, nhưng chỉ tạo ra được 32,5% GDP. Mười năm sau công nghiệp vẫn là khách hàng tiêu thụ hơn 47% tổng lượng điện, nhưng chỉ đóng góp được khoảng 28% trong GDP.

Có một điểm rất đáng chú ý là hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam đã có một giai đoạn lao dốc rất nhanh và đây cũng là thời kỳ phát triển bùng nổ của ngành sản xuất xi măng và luyện cán thép. Cụ thể, vào năm 2004 Việt Nam chỉ cần sử dụng 900 kWh điện để tạo ta 1.000 đô la GDP, nhưng đến năm 2014 con số này đã tăng vọt lên thành hơn 1.500 kWh. Đây cũng là giai đoạn năng lực sản xuất xi măng và thép của Việt Nam tăng rất mạnh và vượt xa so với quy hoạch.

Rõ ràng, việc lựa chọn phát triển những ngành thâm dụng năng lượng, như luyện cán thép, xi măng… trong những năm qua, lại thêm được tiếp sức bởi chính sách giá điện khá hấp dẫn, đã tạo ra áp lực quá lớn không chỉ trong việc bảo đảm nguồn điện cho nền kinh tế, mà còn là sức ép về môi trường.

Để sửa chữa khiếm khuyết này, kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm thôi thì chưa đủ, mà cần phải xem lại chiến lược phát triển đối với những ngành thâm dụng năng lượng. Một vấn đề quan trọng khác là chính sách giá điện áp dụng cho các ngành công nghiệp. Từ hàng chục năm nay, các tổ chức tài chính quốc tế đã liên tục thúc giục Việt Nam điều chỉnh giá điện. Đây là điều cần xem xét nghiêm túc để trong tương lai gần giá điện không trở thành yếu tố khuyến khích du nhập vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu, rẻ tiền nhưng lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới