Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ kêu gọi toàn dân tiết kiệm điện

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, 9 hồ thủy điện đang ở mực nước chết, 11 nhà máy điện buộc phải dừng phát điện, gây thiếu hụt cho miền Bắc khoảng 5.000 MW. Trước khó khăn về cung ứng điện, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân tiết kiệm điện, khuyến khích các hộ gia đình dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng.

Hồ thủy điện Sơn La đang ở dưới mực nước chết, buộc phải dừng phát điện – Ảnh: Cổng thông tin EVN

Theo cổng thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, 9 hồ thủy điện đã dưới mực nước chết. Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Để đảm bảo vận hành, các tổ máy tại 11 nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát. Dự báo, miền Bắc sẽ mưa to nhiều ngày tới nhưng mực nước trên các sông và hồ thủy điện tiếp tục thấp so với trung bình nhiều năm và vẫn gây khó khăn cho phát điện.

Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương thông tin, công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc, gồm cả điện nhập khẩu là 17.500-17.900 MW, đạt khoảng 59,2% công suất lắp đặt.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500-24.000 MW vào cao điểm nắng nóng. Ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. Miền Bắc có nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày. Cổng thông tin Bộ Công Thương cho biết.

Theo Baochinhphu.vn, trước khó khăn về cung ứng điện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng khuyến khích các hộ gia đình dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng. Người dân nên ưu tiên mua sắm thiết bị điện hiệu suất cao hoặc dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế dùng bóng đèn sợi đốt.

Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình được khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ nhu cầu tại chỗ; dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Chỉ thị của Thủ tướng xác định, mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% vào năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia.

Cả nước phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia); hết năm 2025 tất cả đèn đường sử dụng bóng LED.

Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, công sở phối hợp với công ty điện lực địa phương xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện, mỗi năm giảm 5% tổng điện năng tiêu thụ; ban hành nội quy tiết kiệm điện.

Người lao động của các cơ quan được kêu gọi tiết kiệm điện và đưa nội dung này vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, thi đua khen thưởng hàng năm.

Các đơn vị vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời phải dùng đèn tiết kiệm điện; điều khiển tự động; dùng năng lượng mặt trời; chiếu sáng theo khung thời gian.

Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư… tắt hoặc giảm nửa hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào buổi tối; phát động tiết kiệm điện trong cao điểm hè. Các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ phổ biến nội dung tiết kiệm điện đến khách hàng; khuyến khích dùng năng lượng tại chỗ, năng lượng tái tạo.

Các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia thỏa thuận tự nguyện tiết kiệm điện và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; huy động điện dự phòng khi thiếu điện; hạn chế dùng thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm. Những cơ sở tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.

Liên quan đến tình hình thiếu điện, cổng thông tin Bộ Công Thương đưa tin, bộ này được Thủ tướng yêu cầu rà soát, kiểm tra các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố, yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục, đưa vào vận hành sớm nhất.

Với các nhà máy nhiệt điện có thời gian sự cố kéo dài trên 2 năm và không thể vận hành trong tháng 6-2023, bộ cũng sẽ kiến nghị thanh tra để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

Trước mắt, yêu cầu EVN chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc tính toán, phân bổ công suất cho các công ty điện lực cấp tỉnh trên nguyên tắc phân nhóm, trong đó nhóm khách hàng thâm dụng năng lượng như sản xuất sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng hoặc đơn vị có nguồn điện dự phòng tại chỗ… sẽ bị giảm cấp điện.

Với khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình, yêu cầu không cắt điện quá 8h/ngày, hạn chế tiết giảm vào các khung giờ sinh hoạt và cuối tuần tại các khu du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới