Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức của ngành điện Trung Quốc khi bước vào giai đoạn dư thừa

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong hơn 20 năm qua kể từ thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đã tiến hành ba đợt cải cách ngành điện trong các năm 2002, 2015 và 2023. Tuy vậy, tình trạng thiếu điện và cắt điện vẫn xảy ra thường xuyên theo biến động thời tiết các mùa trong năm và trồi sụt của sản xuất công nghiệp. Nhưng ngay lúc này, xuất hiện thách thức mới khi sản xuất điện năng ở một số tỉnh Trung Quốc có dấu hiệu dư thừa.

Mỏ khai thác than do Huawei điều hành ở thành phố Du Lâm thuộc tỉnh Thiểm Tây. Dư thừa sản lượng điện cục bộ đang diễn ra ở các tỉnh thành Trung Quốc do sự kém linh hoạt của điện than và yếu kém của mạng lưới truyền tải. Ảnh: Reuters

Nhiều giải pháp được đưa ra: xây thêm nhiều nhà máy lưu trữ năng lượng và đã đến lúc phải tính đến thị trường giao ngay ở giá âm (negative spot price).

Ba đợt cải cách

Năm 1986, Trung Quốc đã có ý tưởng về lộ trình cải cách ngành điện khi nền kinh tế kế hoạch tập trung đang tập những bước đầu tiên của nền kinh tế thị trường mang bản sắc Trung Hoa. Năm 2002, một năm sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc tiến hành cải cách đầu tiên nhằm tạo ra sức cạnh tranh mới.

Tập đoàn Điện lực Trung Quốc State Grid được chia nhỏ thành hai công ty lưới điện State Grid Corp of China và China Southern Power Grid, năm công ty phát điện và bốn công ty kinh doanh phụ trợ. Thị trường còn có thêm sự tồn tại của một công ty lưới điện khác thành lập năm 1965 - Inner Mongolia Power Group. Tuy vậy, theo Bloomberg, giữa ba công ty lưới điện, State Grid hầu như chiếm thế độc quyền khi cáng đáng đến 80% năng lực truyền tải của mạng lưới điện lớn nhất thế giới.

Trung Quốc lâm vào khủng hoảng thiếu điện trầm trọng trong năm 2003 khi đất nước này trở thành “công xưởng sản xuất của thế giới” bởi sản xuất công nghiệp tiêu thụ hơn hai phần ba sản lượng điện. Chính phủ nước này buộc phải tiến hành cắt điện luân phiên. State Grid lỗ đến 1.000 tỉ nhân dân tệ trong giai đoạn 2002-2005.

Mô hình nhà máy thủy điện tích năng. Đồ họa: Seho

Các nhà phân tích đã nhiều lần kêu gọi phá vỡ thế độc quyền của State Grid khi tập đoàn này trở thành gã khổng lồ trong ngành điện Trung Quốc từ năm 2014 và là công ty đứng thứ năm trên thế giới về giá trị kể từ năm 2019. Quy mô của tập đoàn này hiện lên đến 1 triệu nhân viên, hơn 1 tỉ khách hàng, doanh số khoảng 400 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, và mở rộng đầu tư khắp các châu lục.

Năm 2015, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) một lần nữa công bố sẽ chấm dứt tình trạng độc quyền trong ngành điện lực bằng cách cho phép người dùng tự thương lượng với nhà cung cấp. Nhà máy phát điện có thể bán điện cho khách hàng thông qua hệ thống giao dịch từng vùng. Họ có thể thương lượng trực tiếp giá cả với nhà cung cấp và các công ty sẽ thiết lập hệ thống mạng lưới vận chuyển và thu về mức phí theo quy định của nhà nước.

“Việc cho phép mua bán điện trực tiếp sẽ thể hiện chính giá trị của loại hàng hóa đặc biệt này. Đây là một bước quan trọng nhằm mở cửa hoàn toàn thị trường điện tại Trung Quốc. Đồng thời, mua bán điện trực tiếp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”, NDRC nhấn mạnh vào thời điểm đó.

Những bước đi của NDRC cũng là cam kết cải cách mà Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố thực hiện. Đó là giảm bớt sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước trong mạng lưới sản xuất, truyền tải và phân phối điện, và tuân theo quy luật cung cầu của thị trường.

Công nhân và kỹ sư State Grid đang kiểm tra mạng lưới truyền tải điện ở thành phố Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông. Thị trường giao ngay điện với giá âm đã hình thành ở Sơn Đông vào đầu tháng 5 vừa rồi, gây nhiều tranh luận ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Từ tháng 9-2015, như cam kết, Trung Quốc đã mở rộng khu vực bán điện trực tiếp tại bảy thành phố, và hiện nay cơ chế này có mặt ở hầu hết các thành phố. Một trung tâm mua bán điện giữa các doanh nghiệp và tỉnh thành được thành lập ở Bắc Kinh do State Grid điều hành, một trung tâm mua bán khác ở Quảng Châu do China Power Southern Grid quản lý. Chính phủ cũng xây dựng, lắp đặt hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bán điện trực tiếp.

“Nếu kế hoạch trên được thực hiện một cách chính xác, những người sử dụng điện sẽ được mua điện ở mức giá thấp hơn khi có một số nhà cung cấp khác tham gia vào thị trường”, theo lời Shi Yan, chuyên gia phân tích tại liên doanh UOB - Kay Hian Ltd tại Thượng Hải.

Tuy vậy, trong khi mảng thượng nguồn - sản xuất điện - có sự tham gia của cả khu vực công lẫn tư, thì các mảng trung lưu và hạ nguồn - truyền tải và phân phối điện năng - lại hầu như do các công ty quốc doanh nắm giữ. Chính vì thế rất khó xác định giá thành điện bán cho hộ dân và doanh nghiệp. NDRC phải mất tám năm (2015-2023) để đưa công thức mới “phí truyền tải + lợi nhuận hợp lý” cho ngành điện (xem bài Trung Quốc áp dụng mô hình giá điện “chi phí cộng lợi nhuận hợp lý”của Ricky Hồ, tr.64).

Tuy vậy, tình trạng kiểm soát gần như tuyệt đối mạng lưới của State Grid khiến các công ty phân phối điện công lẫn tư khó lòng tham gia thị trường, tạo cạnh tranh để hạ giá điện. Trừ phi tình trạng độc quyền của State Grid bị phá vỡ hoặc State Grid sẵn lòng cho các công ty phân phối điện đối thủ sử dụng mạng lưới của State Grid để bán điện cho người dùng như ở các nước phương Tây.

Nhà máy tích trữ năng lượng

Với các nhà nghiên cứu, hướng ra dễ nhận thấy thời điểm này là Trung Quốc sẽ cải thiện mạng lưới truyền tải, xây dựng các trạm thủy điện tích năng và trạm lưu trữ năng lượng tái tạo.

Thủy điện tích năng là nhà máy thủy điện kiểu bơm tích lũy, sử dụng điện năng của các nhà máy điện phát non tải trong hệ thống điện vào những giờ thấp điểm phụ tải đêm để bơm nước từ bể nước thấp lên bể cao. Khi nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn hơn, nước sẽ được xả từ hồ chứa cao xuống hồ chứa thấp hơn để turbin phát điện hòa lưới. Tương tự như vậy đối với các trạm lưu trữ điện mặt trời hay điện gió.

State Grid có kế hoạch đầu tư kỷ lục 77 tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng truyền tải và hệ thống lưu trữ năng lượng trong năm 2023, tăng 4% so với tổng đầu tư 75 tỉ đô la trong năm ngoái. Năm nay cũng là năm thứ tư State Grid liên tục tăng vốn đầu tư.

Khoản tiền đầu tư này, theo China Daily, sẽ chi trả cho việc cải thiện truyền tải điện giữa các tỉnh và khu vực, với mục tiêu truyền tải 300GW vào năm 2025 và 370GW vào năm 2030, trong đó nguồn điện tái tạo chiếm hơn một nửa tổng số. State Grid cũng sẽ vận hành bốn trạm thủy điện tích năng trong năm nay và có kế hoạch xây thêm năm trạm nữa.

Bước chuyển tiếp từ thiếu sang thừa năng lượng

Trong khi đó, theo một báo cáo của hãng tư vấn tài chính S&P Global, thị trường điện giao ngay ở tỉnh Sơn Đông là một trong những thị trường đầu tiên ra mắt tại Trung Quốc. Đầu tháng 5 vừa rồi, Sơn Đông đã có 22 giờ liên tục giá điện ở mức âm do sản lượng dư thừa từ hai nguồn chính là than và năng lượng tái tạo. Bởi từ năm 2022, Sơn Đông đứng đầu về sản xuất điện mặt trời và điện than ở Trung Quốc. Bloomberg bổ sung thêm nguyên nhân khác là sản xuất ở Trung Quốc bắt đầu suy giảm trong ba tháng qua.

Sự dư dôi là quá trình chuyển tiếp mà ngành năng lượng nhiều nước phương Tây như Mỹ, Úc hoặc châu Âu gặp phải. Đó là khi điện xuống giá âm - tức người dùng sẽ được miễn phí và cộng thêm điểm tín dụng khi sử dụng năng lượng.

Hiện tượng giá âm này nhấn mạnh những thách thức chuyển đổi năng lượng quan trọng mà ngành điện toàn cầu phải đối mặt: Đó là tình trạng kém linh hoạt của điện than do không thể điều chỉnh theo biến động nhu cầu của lưới, lưới điện rệu rã và thiếu kết nối với các tỉnh lân cận để bán điện dư thừa, cấu trúc hợp đồng điện lỗi thời và thị trường giao ngay không hiệu quả dẫn đến không thể cung cấp năng lượng tái tạo giá rẻ và giá âm.

Giá điện âm của Sơn Đông cũng báo hiệu tầm quan trọng trong việc tái cấu trúc thị trường điện quốc gia và cơ sở hạ tầng lưới điện tại Trung Quốc. Sự cải tổ này là cần thiết để hấp thụ năng lượng dư thừa khi mảng năng lượng tái tạo được mở rộng. Điều này cũng mở đường cho việc sử dụng năng lượng sản xuất từ khí hóa lỏng và hệ thống pin lưu trữ năng lượng điện tái tạo.

Cải cách cấu trúc thị trường điện là cần thiết vì giá điện âm gửi tín hiệu sai đến công chúng, tức người tiêu thụ.

Giá điện âm tại Sơn Đông đã khiến cả Trung Quốc sôi sục với nhiều câu hỏi. Tại sao các nhà phát điện phải trả tiền cho người dùng để xử lý tình trạng điện dư thừa? Liệu giá âm có thể trở thành tiêu chuẩn mới cho các nhà sản xuất điện hay không? Và hệ quả là liệu giá âm như vậy có khiến các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo không còn động cơ bỏ vốn kiếm lời nữa?

Tuy nhiên, giá âm không đại diện cho toàn bộ thị trường.

Sơn Đông đã yêu cầu các khách hàng lớn đảm bảo xài ít nhất 90% lượng điện cam kết trong các hợp đồng trung và dài hạn - theo nhà phân tích cấp cao Qin Weixiao của S&P Global Commodity Insights. Ông Qin ước tính rằng chưa đến 5% được tiêu thụ với mức giá âm.

Nhà phân tích này nhận định rằng giá âm có thể mang lại lợi ích cho các nhà bán lẻ và người dùng lớn, nhưng quy mô bị hạn chế. Hầu hết thị trường điện bán lẻ hoạt động trên nền tảng là các hợp đồng có giá cố định và phần lớn người dùng điện không phải ai cũng được “ưu đãi” với cái giá quá hời như vậy, nhất là điện gia đình.

“Tuy nhiên, khi giá giao ngay thường xuyên rõ ràng ở mức âm, độ tin cậy của mạng lưới điện và đầu tư phát điện dài hạn có thể gặp nguy hiểm. Bởi những người tham gia thị trường, nhà điều hành hệ thống và nhà đầu tư tiềm năng có thể có cảm giác không đúng về an ninh năng lượng. Mọi người sẽ e ngại quá mức về rủi ro lợi nhuận khi đầu tư vào ngành điện”, nhà phân tích nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới