Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Apple trở thành công ty đầu tiên đạt vốn hóa 3.000 tỉ đô la Mỹ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Apple đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt giá trị vốn hóa thị trường vượt 3.000 tỉ đô la Mỹ. Cột mốc này phản ánh sức mạnh bền bỉ của iPhone, một sản phẩm đơn lẻ giúp thay đổi cuộc sống và thương mại trên toàn thế giới.

Dưới sự chèo lái của CEO Tim Cook, Apple duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm và trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt giá trị 3.000 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Yahoo Finance

Chốt phiên giao dịch hôm 30-6, giá cổ phiếu Apple tăng 2,31%, lên mức 193,97 đô la Mỹ, giúp vốn hóa của nhà sản xuất iPhone đạt mức 3.050 tỉ đô la.

Ra đời từ một gara ở bang California với tư cách là một công ty máy tính vào năm 1976, Apple hiện có giá trị gấp đôi đối thủ lâu năm Google và gấp bảy lần Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí từng giữ ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới trong nhiều năm.

Apple đã xây dựng được chỗ đứng chắc trong cuộc sống của người tiêu dùng. Cổ phiếu của Apple là tài sản nắm giữ cốt lõi của các nhà đầu tư có niềm tin vào sự thống trị thị trường của "quả táo khuyết" ngay cả khi căng thẳng giữa phương Tây với Trung Quốc làm dấy lên lo ngại sự phụ thuộc của Apple vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Cupertino, California tăng giá bùng nổ trong năm nay nhờ nhu cầu mới từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ cùng việc phát hành sản phẩm mới đầu tiên sau gần một thập niên. Đó là, tai nghe trị giá 3.499 đô la kết hợp kính thực tế ảo tăng cường với khả năng chèn nội dung kỹ thuật số trong thế giới thực. CEO Apple Tim Cook gọi đó là một nền tảng cho “điện toán không gian”.

Cổ phiếu của Apple tăng giá gần 50% kể từ đầu năm. Apple mất 42 năm để đạt cột mốc vốn hóa 1.000 tỉ đô la vào năm 2018, và thêm hai năm nữa để đạt vố hóa 2.000 tỉ đô la vào năm 2020. Để đạt được mốc 3.000 tỉ đô la, Appe mất thêm gần ba năm.

Thực tế, Apple từng đạt giá trị thị trường 3.000 tỉ đô la trong một phiên giao dịch hồi tháng 1-2022 nhưng không giữ được mốc này vào thời điểm thị trường đóng cửa.

Dan Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư của Synovus Trust, cho biết, Apple là nơi trú bão cho các nhà đầu tư trong hầu hết mọi tình huống vì công ty có “dòng tiền và nền tảng khách hàng khổng lồ”.

“Đó là một công ty mà các nhà đầu tư mua cổ phiếu của nó ngay cả khi nền kinh tế xấu đi”, Morgan nói thêm.

Phần lớn sức mạnh hiện tại của Apple dựa vào iPhone, sản phẩm đóng góp một nửa doanh thu hàng năm của hãng. Công ty đã bán được hơn hai tỉ iPhone kể từ khi sản phẩm này được giới thiệu vào năm 2007. Dù doanh số iPhone không còn tăng nhanh nhưng quyết định tăng giá với dòng sản phẩm Pro vào năm 2019 đã thúc đẩy doanh số bán hàng tổng thể của Apple.

Apple cũng tiếp tục phát triển các hoạt động kinh doanh bổ trợ xung quanh iPhone để vừa tạo thêm doanh số bán hàng vừa giữ khách hàng gắn bó với hệ sinh thái của mình. Chẳng hạn, hãng cung cấp tài sản tiết kiệm lãi suất cao cho ứng dụng Apple Wallet.

Apple đã vượt qua đối thủ lâu năm Microsoft, công ty đạt mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la vào năm 2021 và sau đó, qua mặt Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Microsoft tăng giá hơn 40% trong năm nay, nhờ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đặc biệt với OpenAI, công ty sở hữu chatbot ChatGPT. Mức định giá của Microsoft hiện nay khoảng 2.500 tỉ đô la.

Hồi cuối năm ngoái, Apple đối mặt nhiều khó khăn. Vào tháng 11, hãng cảnh báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng kiểm soát Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn của hãng vào Trung Quốc để sản xuất phần cứng cho các sản phẩm. Khi bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, Apple đã không thể đáp ứng nhu cầu đối với các mẫu iPhone 14 cao cấp nhất. Trong năm 2022, giá cổ phiếu của Apple giảm gần 30%.

Trong quí 2 kết thúc vào ngày 1-4, Apple báo cáo doanh thu 94,8 tỉ đô la, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Apple cho biết hoạt động kinh doanh iPhone đang phát triển tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Mỹ Latinh và Trung Đông. Điều này thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

“iPhone thực sự là một sản phẩm toàn cầu và hiện tại chúng tôi đang hoạt động tốt ở các thị trường mới nổi. Điều đó đã giúp chúng tôi bù đắp một số thách thức kinh tế vĩ mô”, Giám đốc tài chính của Apple, Luca Maestri của Apple nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 5.

Apple cũng tăng tốc nỗ lực chuyển bớt chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đến những nơi như Ấn Độ và Việt Nam.

Với tai nghe thực tế ảo tăng cường Vision Pro ra mắt đầu tháng này, Apple đang bước vào một thị trường đông đúc đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là dòng sản phẩm tai nghe thực tế ảo Quest của Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook. Tuy nhiên, các bản demo tai nghe của Apple nhanh chóng được những người hâm mộ Apple và nhiều nhà phân tích đánh giá cao.

Vision Pro dự kiến chưa sớm mang lại bất kỳ lợi nhuận tài chính đáng kể nào. Mức giá cao khiến sản phẩm này khó trở thành sản phẩm của thị trường đại chúng. Apple đang nghiên cứu các phiên bản ít tốn kém, dự kiến ​​ra mắt vào năm 2025.

Theo WSJ, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới