(KTSG Online) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2023 khi Việt Nam phấn đấu GDP cả năm tăng 6-6,5%.
- TPHCM tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng
- Thách thức giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
Theo Baochinhphu.vn, GDP quí 2 đã tăng 4,14%, tính chung nửa đầu năm là 3,72%. Dự báo bối cảnh, tình hình nửa cuối năm và kết quả đạt được 6 tháng qua, để phấn đấu GDP cả năm tăng 6-6,5%, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đã cập nhật lại hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm.
Kịch bản 1, GDP cả năm dự kiến tăng 6%, thì tăng trưởng quí 3 phải đạt 6,8%, quí 4 là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2, GDP năm 2023 tăng 6,5%. Tức là, hai quí cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%. Các mức tăng này lần lượt cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm là 0,9 và 3,2 điểm phần trăm. Tính chung, tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt 8,9%.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra tăng trưởng thấp của khu vực công nghiệp - xây dựng, hơn 1,1%, là nguyên nhân khiến GDP nửa đầu năm tăng thấp, đạt 60% kế hoạch. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19 còn yếu, nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm quí 2 là 2,06%; cắt giảm lao động tập trung tại một số địa phương nhiều khu công nghiệp, khu chế chế xuất, như Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương.
TTXVN đưa tin, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay là thách thức rất lớn. Do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các bộ, địa phương cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, đầu tư (gồm khu vực tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công) và xuất khẩu.
Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động phải được theo dõi chặt chẽ, xử lý vướng mắc... để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với tăng phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Dự kiến sau phiên họp, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Bối cảnh hiện nay cho thấy thay đổi tư duy tăng trưởng quan trọng hơn cố giữ lấy tốc độ tăng trưởng. Kịch bản tốt nhất không phải là tăng trưởng cao hay thấp nữa. Tốt nhất phải là tăng trưởng sao cho hợp lý. Cần chuyển đổi tư duy tăng trưởng theo kiểu đại trà, xếp hàng để tiến, sang tăng trưởng trọng tâm, trọng điểm, phát huy tiềm năng lợi thế so sánh mới. Quan trọng là phải có tư duy đột phá để thay đổi cách tiếp cận theo định hướng sâu sắc và bền vững.