Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

EU, Nhật Bản hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng chip

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản nhất trí thắt chặt hợp tác ở một số công nghệ quan trọng như chip bán dẫn, điện toán hiệu suất cao, trí tuệ nhân tạo (AI), cáp quang biển. Động thái này diễn ra khi EU tìm cách giảm rủi ro phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Cao ủy thị trường nội khối EU, Thierry Breton (phải) và Bộ trưởng Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản, Matsumoto Takeaki ký kết các văn kiện hợp tác về công nghệ số sau cuộc họp Hội đồng Đối tác số Nhật Bản-EU ở Tokyo hôm 3-7. Ảnh: Twitter

Tại cuộc họp của Hội đồng Đối tác số Nhật Bản-EU ở Tokyo hôm 3-7, hai bên đã nhất trí hợp tác về hàng loạt công nghệ số bao gồm nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn cũng như xây dựng chuỗi cung ứng chip, các quy định quản lý AI, kết nối cáp ngầm dưới biển, đầu tư điện toán hiệu suất cao và lượng tử.

Đại diện cho EU tại cuộc họp là Thierry Breton, Cao ủy thị trường nội khối EU. Các đại diện của Nhật Bản bao gồm Bộ trưởng Chuyển đổi số Kono Taro, Bộ trưởng Truyền thông và Nội vụ Matsumoto Takeaki và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Ota Fusae.

Một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc họp là xây dựng mạng lưới truyền thông dữ liệu đáng tin cậy xuyên biên giới doanh nghiệp và các tổ chức khác của EU và Nhật Bản. Bộ trưởng Chuyển đổi số Kono Taro ghi nhận, hai bên có sự khác biệt về hệ thống quản lý dữ liệu nhưng sẽ tiếp tục đàm phán và thúc đẩy các dự án thiết lập dòng chảy dữ liệu đáng tin cậy.

Trong một diễn biến liên quan, Nhật Bản và EU nhất trí đề xuất kết nối mạng lưới cáp ngầm dưới biển không đi qua Nga. Hai bên đồng ý xem xét xây dựng một tuyến cáp mới chạy xuyên qua lòng biển Bắc Cực.

Cáp quang biển đảm nhận 99% thông tin liên lạc giữa Nhật Bản và phần còn lại của thế giới. Vai trò an ninh-kinh tế của các tuyến cáp quang biển ngày càng trở nên quan trọng, vì chúng được xem là hạ tầng quan trọng để duy trì các kênh liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Nhật Bản và EU cũng nhất trí hợp tác xây dựng năng lực chống chịu của chuỗi cung ứng trong lĩnh vực chip bán dẫn

“EU và Nhật Bản sẽ làm việc cùng nhau để giám sát chuỗi cung ứng chip và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các nhà nghiên cứu và kỹ sư chip. Chúng tôi tin rằng bảo vệ an toàn cho chuỗi cung ứng chip bán dẫn là điều cực kỳ quan trọng”, ông Thierry Breton nói với các phóng viên tại Tokyo.

Ông cho biết thêm EU cũng sẽ ủng hộ các công ty chip bán dẫn của Nhật Bản đang xem xét thiết lập hoạt động trong khối này.

Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Tokyo và EU đang tìm cách củng số sức mạnh của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước thông qua các gói đầu tư hàng tỉ đô la vào ngành công nghiệp chip trong nước

Tuần trước, JSR, công ty chip có trụ sở ở Tokyo, đã chấp nhận lời đề xuất mua lại của JIC, quỹ đầu tư nằm dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, với giá khoảng 903,9 tỉ yen (6,3 tỉ đô la Mỹ). JSR chiếm 30% thị phần toàn cầu về chất cản quang chuyên dụng cho quá trình in thiết kế mạch trên tấm bán dẫn silicon. Khách hàng của JSR bao gồm các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới như Samsung, TSMC và Intel. Các nguồn tin cho biết thương vụ trên phù hợp với tham vọng của Nhật Bản nhằm củng cố và kiểm soát ngành công nghiệp vật liệu bán dẫn trong nước.

Hồi tháng 4, chính phủ Nhật Bản cam kết đầu tư 532 triệu đô la cho các dự án phát triển và sản xuất chip thế hệ tiếp theo tại nước này, bao gồm thỏa thuận với Rapidus để sản xuất chip kích cỡ 2 nanometer tại Nhật Bản vào năm 2025.

Rapidus là liên doanh chip của Toyota, Sony cùng sáu công ty khác gồm hãng chip Kioxia, hãng điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Tập đoàn đầu tư SoftBank, Công ty phụ tùng ô tô Denso, hãng viễn thông NTT, Tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử NEC.

Cũng trong tháng 4, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đã đồng ý đầu tư 3,6 tỉ đô la vào các quỹ của EU để xây dựng năng lực sản xuất bán dẫn của lục địa này. Họ đặt mục tiêu thu hút thêm 43,7 tỉ đô la đầu tư tư nhân vào lĩnh vực bán dẫn. Các khoản đầu tư có thể giúp tránh được rủi ro chuỗi cung chip ở Đài Loan bị gián đoạn nếu xung đột xảy ra với Trung Quốc, nước xem Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất.

Ngành công nghiệp bán dẫn được coi là chiến lược trong cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia đồng minh phương Tây với Trung Quốc. Chip bán dẫn là thành phần quan trọng được sử dụng ở mọi sản phẩm công nghệ, từ ô tô đến điện thoại thông minh và có các ứng dụng quân sự tiềm năng. Chip bán dẫn cao cấp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện các mô hình (AI), một lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai.

Các cường quốc trên thế giới đang đánh giá lại chuỗi cung ứng bán dẫn của họ. Mỹ đang nỗ lực đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở lại đất nước để tránh phụ thuộc quá lớn vào châu Á, đồng thời thắt chặt các hạn chế xuất khẩu chip và công nghệ chip sang Trung Quốc.

Theo CNBC, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới