(KTSG Online) - Hoạt động kinh doanh khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu và nguồn cung vé máy bay lớn hơn cầu nên thị trường vé máy bay rớt giá mạnh so với nhiều năm trước, dù các sân bay vẫn rất đông đúc trong dịp cao điểm hè.
- Giá vé máy bay dịp lễ giảm so với tuần trước, có chuyến giảm đến 30%
- Quốc hội thông qua Luật Giá, vẫn áp trần giá vé máy bay, sách giáo khoa
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, số lượng hành khách nội địa toàn thị trường tháng 6-2023 đạt hơn 4,14 triệu khách, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, số lượng tải cung ứng của các hãng hàng không còn tăng nhanh hơn, tăng tới 18,3% so với năm trước, đạt gần 5 triệu ghế.
Điều này dẫn tới số chỗ được cung ứng trong mùa cao điểm hè dồi dào, đồng thời giá vé các đường bay nội địa của các hãng đều có xu hướng giảm xuống.
Phía Vietnam Airlines cho biết, giá vé nội địa bình quân của hãng trong tháng 6-2023 đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Xét chung cả ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO, giá vé nội địa bình quân tháng 6 cũng đã giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Các hãng như Vietjet Air, Bamboo Airways cũng cạnh tranh mạnh với Vietnam Airlines về giá và giờ bay, tăng tải. Đơn cử, giá vé khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc khởi hành ngày 27-7 và quay về ngày 30-7, đặt tại thời điểm trước ngày khởi hành 10 ngày, cùng khung giờ đẹp buổi sáng (9-11 giờ), của Vietjet Air xấp xỉ 3 triệu đồng/người (bao gồm thuế phí), bằng một nửa giá vé của Vietnam Airlines; còn của Bamboo Airways vào khoảng 4,51 triệu đồng/người.
Giá vé giảm so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu kết hợp với nguồn cung tăng cao so với nhu cầu nên các chuyến bay đến những điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… mới chỉ được lấp đầy 60-70% trong tháng 7. Dự báo, con số này còn tiếp tục giảm trong các tháng thấp điểm tiếp theo.
Giá vé các đường bay quốc tế cũng rớt mạnh, thậm chí có nhiều đường bay đi Đông Nam Á giá vé quốc tế chỉ rẻ ngang vé máy bay trong nước cũng vì những lý do nêu trên. Thị trường hàng không quốc tế mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch, nhất là thị trường Trung Quốc - nơi chiếm 45% doanh thu quốc tế của các hãng nội địa mới chỉ phục hồi 9% và thị trường Nga đóng cửa hoàn toàn… Chính sách kích cầu du lịch nội địa tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc càng khiến lưu lượng hành khách đi du lịch qua Việt Nam và nhiều quốc gia mong muốn đón khách từ các thị trường trọng điểm này chưa tăng trưởng như kỳ vọng.
Đê thắt chặt chi tiêu, đối với những cung đường ngắn thì người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các phương tiện với giá “mềm” hơn như tàu lửa, đường bộ cao tốc, đường thủy cao tốc là đương nhiên.