Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá lúa mì biến động mạnh sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu qua Biển Đen

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá lúa mì trên thị trường quốc tế biến động mạnh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine. Động thái của Nga có thể khiến các nước dễ tổn thương ở châu Phi và nam bán cầu đối mặt cú sốc an ninh lương thực mới.

Công nhân làm việc tại cảng xuất khẩu ngũ cốc ở Izmail, Ukraine. Ảnh: AP

Hôm 17-7, giá lúa mì kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), được xem là thước đo chuẩn toàn cầu của mặt hàng lương thực này, có lúc tăng vọt hơn 7% sau khi thị trường đón nhận tin Nga không gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine. Tuy nhiên, vào cuối ngày, giá lúa mì đảo chiều, giảm hơn 1%.

Sáng 18-7, giá lúa mì tăng nhẹ 0,3%, lên 6,56 đô la Mỹ/bushel (1 bushel lúa mì tương đương 27,2 kg).

Tại cuộc họp báo hôm qua ở Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo, Nga đình chỉ sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen cho đến khi phương Tây đáp ứng yêu cầu của Moscow về việc dỡ bỏ các hạn chế để giúp Nga dễ dàng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

“Khi phần của thỏa thuận Biển Đen liên quan đến Nga được thực hiện, Nga sẽ ngay lập tức quay lại thực hiện thỏa thuận này”, ông Peskov nói.

Thỏa thuận ngũ cốc đảm bảo rằng các tàu hàng sẽ không bị Nga tấn công khi ra vào các cảng của Ukraine, đổi lại, Nga sẽ được tạo các điều kiện thuận lợi để xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây không áp dụng đối với các lô hàng nông sản của Moscow, nhưng một số công ty vận tải biển và bảo hiểm của châu Âu có thể cảnh giác khi làm ăn với Nga.

Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được thành lập cách đây một năm thông qua sự môi giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc. Sáng kiến này nhằm tránh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu do Nga chặn các tàu chở ngũ cốc của Ukraine ra khỏi các cảng trên Biển Đen kể từ sau cuộc xung đột ở Ukraine. Động thái phong tỏa Biển Đen của Nga nhanh chóng đẩy giá các mặt hàng ngũ cốc tăng vọt lên mức cao kỷ lục.

Kể từ khi thỏa thuận thiết lập hành lang xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen được ký kết, giá thực phẩm giảm hơn 23% so với mức đỉnh vào tháng 3-2022, theo Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Thỏa thuận đã cho phép Ukraine xuất khẩu hơn 35 triệu tấn các mặt hàng ngũ cốc quan trọng bao gồm lúa mì và bắp đến tới 45 nước ở ba lục địa.

Với việc các cảng Biển Đen bị phong tỏa trở lại, Ukraine có thể phải tăng cường sử dụng các tuyến thương mại thay thế để vận chuyển ngũ cốc thị trường quốc tế, bao gồm tuyến xuất khẩu qua sông Danube, bằng xe tải và tàu hỏa. Đó những hành trình mất nhiều thời gian hơn so với việc xuất khẩu bằng đường biển.

Theo Ủy ban châu Âu, Ukraine chiếm 10% thị trường lúa mì, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch của thế giới. Do vậy, nếu hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ, nguồn cung lương thực trên toàn cầu sẽ thắt chặt và có thể đẩy giá tăng mạnh trở lại.

Tuy nhiên, hiện tại, có một số yếu tố có thể ngăn giá lương thực tăng vọt. Chằng hạn, triển vọng giá cả hàng hóa toàn cầu suy yếu hơn so với một năm trước đây do đà phục hồi kinh tế đang chững lại ở Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, một phần do chi phí lương thực và nhiên liệu tăng cao sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, đang bào mòn nhu cầu nói chung trên toàn cầu.

Theo một phân tích của Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, những căng thẳng trong chuỗi cung ứng cũng đang dịu lại, và chi phí sản xuất đã hạ nhiệt. Dù vậy, giá lương thực có khả năng vẫn duy trì ở mức cao so với mức trước chiến tranh, công ty tư vấn này cho biết.

Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng hàng hóa tại Công ty dịch vụ tài chính StoneX, nhận định nguồn cung lúa mì sẽ không thiếu hụt vào thời điểm hiện tại do Nga vẫn đang ồ ạt xuất khẩu lúa mì với giá rẻ nhờ các vụ mùa bội thu.

Suderman cho rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có thể không lập tức dẫn đến mối đe dọa nạn đói trên thế giới, nhưng tình trạng leo thang căng thẳng liên tục mà không có giải pháp trước mắt có nghĩa là những rủi ro vẫn đang gia tăng.

Một ngày trước khi rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, Tổng thống Putin đã gửi một tín hiệu cảnh báo riêng tới châu Âu bằng cách bất ngờ ký lệnh tạm thời tịch thu tài sản tại Nga của hai công ty lớn châu Âu.

Danone, nhà sản xuất sữa toàn cầu có trụ sở tại Pháp, xác nhận Nga đã tạm thời tiếp quản các tài sản ở Nga của công ty này. Carlsberg, nhà sản xuất bia lớn thứ ba thế giới của Đan Mạch, cho biết đã nhận được tin nhà máy bia Baltika của công ty ở Nga đã được chuyển giao cho Cơ quan Quản lý tài sản nhà nước nước liên bang Nga quản lý tạm thời. Hơn một năm trước, Carlsberg tuyên bố sẽ rút khỏi Nga. Tháng trước, công ty cho biết sẽ đầu tư 40 triệu đô la vào các nhà máy ở Ukraine và đã tìm được người mua lại nhà máy ở Nga, nơi sử dụng 8.400 công nhân.

“Theo sắc lệnh mới nhất của Tổng thống Putin, triển vọng của quá trình mua bán này hiện không chắc chắn”, Carlsberg cho biết trong một tuyên bố hôm 16-7.

Theo NY Times, AP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới