(KTSG Online) – Tối 20-7, Dubai Chambers chính thức khánh thành phòng thương mại Dubai tại TPHCM. Văn phòng được mở ra nhằm tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp Dubai và Việt Nam, đồng thời đóng vai trò là cửa ngõ khuyến khích thương mại và đầu tư song phương.
- Dubai trở thành trung tâm giao dịch nhà ở cao cấp lớn nhất thế giới
- Sau Dubai và London, TPHCM là điểm đến tiếp theo của bất động sản thương hiệu Elie Saab
Được biết, số lượng văn phòng đại diện của Dubai International Chamber có tổng cộng 22 điểm trên khắp Trung Đông, châu Phi, châu Âu, vùng Eurasia, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Mỹ Latinh. Văn phòng đại diện quốc tế ở Việt Nam nằm ngay trung tâm quận 1, TPHCM, sau các điểm khác tại Indonesia và Singapore trong khu vực.
Ông Salem Al Shamsi, Phó chủ tịch Thị trường toàn cầu tại Dubai Chambers cho biết mục đích của việc thành lập văn phòng là để thắt chặt giữa hai thị trường trong các lĩnh vực chính bao gồm công nghệ, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, Dubai Chambers cũng tạo những cơ hội cho các công ty có trụ sở tại Việt Nam muốn mở rộng sang đây, hỗ trợ các công ty tận dụng thị trường mới tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất làm ăn kinh doanh.
Chia sẻ với KTSG Online, ông Salem Al Shamsi nhấn mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại sẽ bắt đầu ngay sau khi khánh thành văn phòng. Bên cạnh đó, các thao tác, quy trình thực hiện, làm việc giữa doanh nghiệp Việt Nam mong muốn mở rộng vào thị trường Dubai thông qua cơ sở này sẽ diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.
Theo thống kê của hải quan Dubai, giá trị thương mại song phương giữa Việt Nam và Dubai đạt mức ấn tượng là 7,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Tính đến ngày 31-5-2023, đã có 170 công ty Việt Nam đăng ký làm thành viên của Đại hội đồng thương mại Dubai, trong đó có 22 doanh nghiệp gia nhập từ tháng 1 đến tháng 5-2023.
Năm ngoái, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Dubai bao gồm điện tử (5,15 tỉ đô la Mỹ), giày dép (564 triệu đô la Mỹ) và máy móc (375 triệu đô la Mỹ), còn mặt hàng Việt Nam mua nhiều từ Dubai là thuốc lá (92 triệu đô la Mỹ), thức ăn gia súc (38 triệu đô la Mỹ) và nhôm (33 triệu đô la Mỹ).
Theo đó, các lĩnh vực tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Dubai bao gồm cà phê, trái cây nhiệt đới, nội thất và hạt điều. Ngoài ra, đại hội đồng cũng đánh giá một số lĩnh vực các doanh nghiệp Dubai có thể quan tâm đầu tự tại Việt Nam như nông nghiệp, xây dựng, du lịch sinh thái, chế biến thực phẩm và năng lượng tái tạo.
Dubai International Chamber là một trong ba tổ chức hoạt động dưới sự quản lý của Dubai Chambers, được thành lập nhằm thúc đẩy Dubai trở thành trung tâm kinh doanh toàn cầu, thu hút các công ty đa quốc gia, mở rộng quan hệ thương mại của tiểu vương quốc này với các thị trường khác nhau.