Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Thập kỷ mất mát’ của Trung Quốc đang diễn ra

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - ‘Bóng ma’ giảm phát rình rập, lực lượng lao động suy giảm và già hóa. Bất động sản suy sụp với khối nợ lớn và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Những diễn biến này ở nền kinh tế Trung Quốc hiện tại rất giống với Nhật Bản ở thời kỳ đầu của ‘thập niên mất mát’, thuật ngữ đề cập đến thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản suốt thập niên 1990 sau khi bong bóng bất động sản bùng vỡ vào những năm 1990-1991.

Các vấn đề kinh tế hiện nay của Trung Quốc bao gồm cuộc khủng hoảng bất động sản rất giống với thời kỳ ban đầu của thập niên mất mát ởNhật Bản vào thập niên 1990. Ảnh: Financial Times

Giá cổ phiếu thấp hơn so với năm 2007

Các nhà đầu tư ở Trung Quốc đang trải qua một thập niên mất mát hoặc dài hơn thế nữa dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chưa rơi vào thời kỳ tăng trưởng gần như đứng im của Nhật Bản vào thập niên 1990. Chỉ số chứng khoán trong nước Shanghai Composite hiện nay thấp hơn so với năm 2007 và thu nhập trên mỗi cổ phiếu chỉ ngang bằng như năm 2013. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu của các công ty Trung Quốc được xem là rẻ nhất thế giới.

Câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng ảm đạm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, được phản ánh rõ mạnh bởi một loạt dữ liệu kinh tế yếu kém gần đây, có phải là quá trớn hay không. Có phải Trung Quốc đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình? Hay nước này có thể thoát ra khỏi cơn khủng hoảng bất động sản, với dân số được hưởng thụ nền giáo dục tốt và đổi mới để tiếp tục tăng trưởng ổn định sau khi tình trạng hỗn loạn sau đại dịch Covid-19 giảm bớt?

Để trả lời những câu hỏi, hãy quay lại những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế chỉ xuất hiện nếu có một trong ba yếu tố sau: dân số tăng lên, đầu tư vốn nhiều hơn hoặc sử dụng tốt lao động và vốn tốt hơn, tức năng suất cao hơn. Lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ không tăng vì dân số của nước này bắt đầu giảm vào năm ngoái. Việc đổ thêm vốn vào nền kinh tế đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mắc kẹt vào những vấn đề hiện tại, khi các công ty và các chính quyền địa phương vay mượn quá nhiều để xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng.

Yếu tố còn lại cần xem xét là năng suất. Số liệu cho thấy năng suất lao động của Trung Quốc suy giảm trong hơn một thập niên qua sau thời kỳ tăng trưởng ấn tượng kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.

Thu nhập doanh nghiệp suy yếu và giá cổ phiếu thấp là hệ quả tất nhiên của năng suất thấp.

Tình hình tăng trưởng trì trệ hiện tại cho thấy cải thiện năng suất là điều rất cần thiết. Tăng trưởng lạm phát của Trung Quốc trong tháng trước bằng 0 và số liệu lạm phát hàng tháng đã giảm trong 5 tháng liên tiếp, khoảng thời gian giảm  dài nhất kể từ năm 2003.

Lạm phát cơ bản hiện tại của Trung Quốc, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, đang giảm nhanh, chỉ thấp hơn các mức  trong đại dịch và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quí 2 chỉ cao hơn 0,8% so với quí 1. Các kỳ vọng kinh tế quay trở lại guồng tăng trưởng nhanh chóng ở thời kỳ hậu Covid-19 đều đã tan thành mây khói.

Là công xưởng của thế giới, Trung Quốc chứng kiến xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu hàng hóa suy yếu trên toàn cầu. Trong tháng 6, xuất khẩu của Trung Quốc giảm đến 12% so với cùng năm ngoái.

Kịch bản tích cực đối với nền kinh tế Trung Quốc là những mầm xanh chỉ mới bắt đầu nhú lên sau những tổn thương do tác động của đại dịch. Andy Rothman, nhà chiến lược đầu tư của Matthews Asia, chỉ ra rằng, sức chi tiêu tăng lên tại các quán bar và nhà hàng của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy đà phục hồi do người tiêu dùng dẫn dắt vẫn đang diễn ra.

Đầu tư quá nhiều vào các tài sản không hiệu quả

Nhưng điều đáng lo ngại hơn là những dấu hiệu yếu kém gần đây của Trung Quốc có thể chỉ mới là sự khởi đầu. Những bất ổn sau đại dịch của Trung Quốc xuất phát từ sự mất cân bằng lâu dài trong nền kinh tế. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đã vay mượn và đầu tư quá nhiều vào các tài sản không hiệu quả như nhà ở, đồng thời kìm hãm tiêu dùng.

Các con số tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc trong thời gian trước đây có sự đóng góp rất lớn từ cơn bùng nổ đầu cơ trong ngành xây dựng. Giờ đây, khi thời kỳ bùng nổ đó kết thúc, ngành xây dựng và các lĩnh liên quan, vốn chiếm đến 25- 30% nền GDP Trung Quốc, trở thành lực cản lớn đối với tăng trưởng.

Đây là điểm để đánh dấu Trung Quốc có thể biến thành Nhật Bản của thập niên 1990. Nếu tiếp tục cung cấp các khoản vay dành các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn tài chính như Evergrande, Bắc Kinh sẽ biến họ thành những công ty thây ma (zombie companies), lãng phí nguồn lực kinh tế.

Nếu những công ty bất động sản này buộc phải tái cấu trúc và đóng cửa, họ sẽ không trả được nợ, gây thiệt hại cho người cho vay và tạm thời làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, cú sốc đó sẽ giúp giải phóng người lao động và vốn để tái phân bổ vào các lĩnh vực khác, hiệu quả hơn. Bắc Kinh có thể cần chịu đựng nỗi đau ngắn hạn để đạt đạt được lợi ích lâu dài.

Thay vì chấp nhận một cú sốc mạnh và ngắn có thể dẫn đến sự phá hủy sáng tạo (creative destruction) và một mô hình kinh tế mới, hồi thập niên 1990, Nhật Bản đã chọn cách tiếp cận giải cứu ngành bất động sản với các ngân hàng giãn nợ hoặc tiếp tục cho vay đối với các công ty trong ngành này. Quyết định đó kéo dài tổn thương bong bóng tài sản, dẫn đến nền kinh tế trì trệ trong nhiều thập niên.

Chưa rút ra bài học từ Nhật Bản?

George Magnus, cựu nhà kinh tế trưởng của ngân hàng UBS chỉ ra rằng, Quốc có một số lợi thế. Chẳng hạn, các ngân hàng lớn thuộc sở hữu của nhà nước, vì vậy không giống như ở Nhật Bản, hệ thống ngân hàng sẽ không suy sụp. Dân số của Trung Quốc trẻ hơn nhiều so với Nhật Bản, dù lực lượng lao động nước này đang thu hẹp. Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ dân số đông vì nước này vẫn nghèo hơn nhiều so với Nhật Bản khi bong bóng tài bùng vỡ vào năm 1990.

Trung Quốc cũng có thể chiêm nghiệm từ bài học của Nhật Bản. Các nhà kinh tế của Trung Quốc đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về thập kỷ mất mát của Nhật Bản kể khi tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng một bài xã luận ẩn danh vào năm 2016 cảnh báo những rủi ro lặp lại sai lầm của Nhật Bản

Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa không hành động.

Stephen Roach, cựu chủ tịch phụ trách châu Á của ngân hàng Morgan Stanley, cho biết, Trung Quốc nói rất nhiều về việc xoay trục sang chiến lược tăng trưởng do người tiêu dùng dẫn dắt, nhưng thực hiện rất ít.

“Tác giả ẩn danh của bài xã luận vào năm 2016 đã bày tỏ mối lo ngại về mô hình tăng trưởng dựa vào nợ. 7 năm sau đó, khối nợ trong nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên đáng kể”, Roach nói.

Trung Quốc cần dừng vay nợ để giải quyết vấn đề, khuyến khích  người dân chi tiêu và thúc đẩy năng suất của người lao động. Nhưng nếu cho phép các công ty bất động sản sụp đổ, về mặt chính trị, giới chức trách rất khó để nói với người dân rằng, những căn hộ mà họ đã trả tiền trong thời kỳ bong bóng có thể không bao giờ được hoàn thiện. Những năm qua, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch chấn chỉnh khu vực kinh tế tư nhân, tập trung ở lĩnh vực gia sư và công nghệ. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ đã dẫn đến việc Washington áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ chip cao cấp sang Trung Quốc.

Những người lạc quan hy vọng, việc Bắc Kinh gần đây nới lỏng các hạn chế đối với Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba báo hiệu một bước lùi lớn hơn của chính phủ Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình đối với khu vực tư nhân. Lý do đơn giản là Bắc Kinh rốt cục muốn tăng năng suất và vực dậy tăng trưởng. Nhưng kinh nghiệm cho thấy giới đầu tư không nên quá kỳ vọng về sự thay đổi đột phá trong lập trường chính sách của Trung Quốc.

Theo WSJ

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới