Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kỷ nguyên vàng của vốn cổ phần tư nhân đã kết thúc?

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore, một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới, đang quản lý hơn 700 tỉ đô la tài sản, cảnh báo kỷ nguyên vàng của các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) đã kết thúc. GIC cho rằng nhiều yếu tố thuận lợi đối với vốn đầu tư PE (chuyên đầu tư vào các công ty chưa niêm yết cổ phiếu) đã biến mất và thay vào đó là các điều kiện thị trường thách thức hơn.

Văn phòng của GIC ở Singapore. GIC đang phân bổ vốn đầu tư cho lĩnh vực hậu cần, cơ sở hạ tầng và các tài sản phòng thủ lạm phát khác trong bối cảnh các điều kiện trên thị trường đầu tư vốn PE trở nên thách thức hơn. Ảnh: Bloomberg

GIC, một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các quỹ thâu tóm, nhận định, kỷ nguyên mới của lãi suất cao hơn sẽ gây ra những biến động và thách thức trong môi trường đầu tư vốn PE. Tuy nhiên, GIC tin rằng các cơ hội vẫn có sẵn trên thị trường của các công ty chưa niêm yết.

Trao đổi với  Financial Times, GIC tiết lộ đang phân bổ vốn đầu tư  cho lĩnh vực hậu cần, cơ sở hạ tầng và các tài sản phòng thủ lạm phát khác, đồng thời nắm bắt cơ hội thâu tóm tài sản giảm giá khi một số nhà đầu tư tìm cách thoái vốn.

“Nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành đầu tư vốn PE phần tư nhân đã kết thúc . Và tôi không nghĩ chúng sẽ sớm quay trở lại”, Jeffrey Jaensubhakij, Giám đốc đầu tư của GIC, nói khi đề cập đến sự kết hợp hấp dẫn giữa mức định giá cao của các công ty tư nhân, chi phí đòn bẩy thấp và lãi suất thấp trong vài năm qua.

“Thật không may, hiện nay, cả cung và cầu trên thị trường đầu tư vốn PE đều có vấn đề”, ông nói thêm khi ám chỉ đến số lượng tài sản có sẵn với mức giá hợp lý và số lượng nhà đầu tư muốn rót tiền vào các tài sản này.

Báo cáo thường niên của GIC, công bố hôm 26-7,  cho thấy GIC đạt lợi nhuận trung bình hàng năm trên mức lạm phát trong 20 năm qua,  thước đo hiệu suất chính của quỹ này. Lợi nhuận trung bình hàng năm tính trên cơ sở 20 năm của GIC trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 đạt 4,6%, tăng từ 4,2% một năm trước đó và là mức cao nhất kể từ năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận danh nghĩa hàng năm trung bình của GIC trong 5 năm qua chỉ đạt 3,7%, mức thấp nhất trong bảy năm.

GIC, nơi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long giữ ghế chủ tịch, có nhiệm vụ mang lại lợi nhuận vượt qua lạm phát trong dài hạn và tăng sức mua của dự trữ ngoại hối của Singapore.

Quỹ không công bố tài sản đang quản lý nhưng đã tăng phân bổ cho vốn PE lên 17% trong danh mục đầu tư từ 9% vào năm 2017. Quỹ này đã trở thành tổ chức đầu tư hàng đầu toàn cầu trong mọi lĩnh vực từ khởi nghiệp đến đường xá có thu phí.

Trong năm vừa qua, sự biến động của thị trường với lãi suất cao hơn và mức định giá của các công ty khởi nghiệp suy giảm, khiến ngành đầu tư vốn PE gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

GIC cho biết có thể tăng mức độ tiếp xúc với thị trường tư nhân trong năm tới nếu có các khoản đầu tư phù hợp.

Lim Chow Kiat, CEO của GIC, nói: “Thị trường vốn PE thực sự có lợi cho nhà đầu tư dài hạn như chúng tôi. Nếu thị trường mang lại nhiều cơ hội hơn, chắc chắn chúng tôi sẽ điều lượng vốn phân bổ”.

GIC cho rằng,nguồn vốn khô hạn trên thị trường vốn tư nhân đang tạo ra nhiều cơ hội. Báo cáo của Bain & Co. dự báo, trong năm nay, vốn huy động từ các thị trường PE, sẽ giảm gần 30% so với năm 2022

Jaensubhakij cho biết, các nhà đầu tư ở nhiều công ty khởi nghiệp, đang chịu áp lực thoái vốn với giá hợp lý hơn nhiều. Ông nói thêm, một số nhà đầu tư cũng đã cam kết quá mức với thị trường khởi nghiệp và đang cố gắng bán bớt cổ phần với mức chiết khấu lên tới 20%.

“Gần đây chúng tôi đã có một vài giao dịch với quy mô khá lớn”, Jaensubhakij nói.

Tuy nhiên, GIC nhận định triển vọng chung trong 12 tháng tới tiếp tục đầy thách thức, với lãi suất toàn cầu vẫn tăng cao, khả năng xảy ra suy thoái tương đối cao và “rủi ro địa chính trị kéo dài dai dẳng”.

Trong năm qua, mức phân bổ vốn của GIC cho châu Âu và Mỹ đã tăng 1 điểm phần trăm, lên mức tương ứng là 38% và 9%, trong khi giảm xuống 23% từ 25% ở khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản. GIC cũng thu hẹp các khoản đầu tư vào Trung Quốc trong những năm gần đây khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu tác động trong đại dịch Covid-19 và từ cơn hỗn loạn của thị trường bất động sản cũng như chiến dịch chấn chỉnh khu vực kinh tế tư nhân.

GIC cho biết ,đà phục hồi của Trung Quốc đã bị đình trệ và nền kinh tế nước này khó có thể nhận được mức độ kích thích như trong các cơn suy thoái trước đó.

GIC đang nhắm đến cơ hội ở các khu vực khác của châu Á khi các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ để cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Ấn Độ là một ví dụ điển hình mà chúng tôi cho rằng sẽ phải xây dựng hệ thống hậu cần hiện đại hơn” Jaensubhakij nói, đồng thời cho biết thêm Đông Nam Á cũng sẽ được hưởng lợi từ động thái tái sắp xếp chuỗi cung ứng này.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới