Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nông dân Đà Lạt trồng thành công khoai tây trong nhà kính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân Đà Lạt trồng thành công khoai tây trong nhà kính

Cao Nguyên

(TBKTSG Online) - Việc trồng thành công khoai tây trong nhà kính cho năng suất cao gấp nhiều lần so với trồng ngoài trời đã mở ra một mô hình trồng khoai tây mới cho nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng) trong thời gian tới.

Nông dân Đà Lạt trồng thành công khoai tây trong nhà kính
Gốc khoai tây chuẩn bị cho thu hoạch được trồng trong nhà kính này ông Nguyễn Đăng Hiến ước tính sẽ cho trên 10 kg củ. Ảnh: Cao Nguyên

Một gốc khoai tây cho 9,7kg củ

Cách đây gần một năm, anh Nguyễn Đăng Viết Huỳnh (25 tuổi) trú tại phường 4, TP Đà Lạt thay cha là ông Nguyễn Đăng Hiến (47 tuổi) - chủ một vườn nuôi cấy mô nổi tiếng tại địa phương - đi dự cuộc hội thảo về cách trồng, chăm sóc khoai tây đúng kỹ thuật để khoai tây có thể cho năng suất củ cao nhất do một đơn vị tổ chức ngay tại TP Đà Lạt.

Tại cuộc hội thảo này, một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp nhận định: cho đến nay vẫn chưa có mô hình nào chứng minh trồng khoai tây trong nhà kính cho năng suất bằng trồng ngoài trời, thậm chí trồng trong nhà kính sẽ dẫn đến việc khoai không có củ vì thiếu các điều kiện về vật lý, hóa sinh…

Câu chuyện này được anh Nguyễn Đăng Viết Huỳnh đem về kể cho ông Nguyễn Đăng Hiến nghe. Là chủ một vườn ươm nuôi cấy mô lại có nhiều kinh nghiệm trong việc nhân giống khoai tây bằng phương pháp vô tính tại Đà Lạt, ông Nguyễn Đăng Hiến quyết tâm chứng minh rằng trồng khoai tây trong nhà kính sẽ cho năng suất củ cao hơn ngoài trời, hoặc ít nhất là bằng.

Nói là làm, sau một thời gian tìm hiểu, nghiêm cứu tỉ mỉ những đặc điểm sinh học của loài khoai tây, ông Nguyễn Đăng Hiến đã từng bước xây dựng nên các bước kỹ thuật chăm sóc khoai tây đối với từng thời kỳ cây sinh trưởng và phát triển khi được trồng trong nhà kính để khoai có thể cho năng suất củ cao nhất.

Cuối tháng 7-2011, ông Nguyễn Đăng Hiến bắt tay vào trồng thử nghiệm hai gốc khoai tây O7 trong nhà kính do chính ông nhân giống bằng phương pháp vô tính tại vườn ươm của gia đình.

Sau 5 tháng chăm sóc theo đúng khung kỹ thuật đã được ông xây dựng sẵn, mới đây ông Hiến đã đào gốc khoai tây đầu tiên trồng trong nhà kính. Thật bất ngờ, gốc khoai tây này cho tới 9,7kg củ, cao gấp 10 lần so với mỗi gốc khoai tây cùng loại được trồng ngoài trời. Điều đặc biệt, khoai tây được trồng trong nhà kính cho củ to, đều, vỏ mỏng, căng tròn. Hình thức và chất lượng cao hơn hẳn so với giống khoai cùng loại được trồng ngoài trời.

Gốc khoai tây trồng trong nhà kính cho tới 9,7kg củ của ông Nguyễn Đăng Hiến. Ảnh: Cao Nguyên

Hướng đi mới cho người trồng khoai tây

Việc trồng thử nghiệm thành công giống khoai tây O7 trong nhà kính của ông Nguyễn Đăng Hiến đã bước đầu mở ra hướng đi mới cho người trồng khoai tây tại Đà Lạt. Ông Hiến cho biết, muốn trồng thành công khoai tây trong nhà kính người trồng phải tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật chính xác, không thể áp dụng khung kỹ thuật trồng khoai tây ngoài trời để trồng trong nhà kính.

Nếu như trồng ngoài trời, mỗi sào đất sẽ trồng từ 3.000 – 3.500 gốc khoai tây thì trong nhà kính chỉ cho phép trồng từ 1.000 – 1.200 gốc. Trước khi trồng, mỗi sào đất cần 10 – 15 khối sơ dừa trộn lẫn với một số loại phân hữu cơ ủ với 30% đất đỏ phủ đều lên mặt đất đã lên luống. Do khoai tây trồng trong nhà kính có chiều cao lên tới trên 2m nên mỗi gốc khoai tây phải cắm một cây đỡ cho thân cây khoai tây không bị gãy đổ.

Trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển, người trồng phải thường xuyên theo dõi chăm sóc, vun gốc và phun nước cho cây. Vào thời kỳ khoai tây bắt đầu ra củ (khoảng 2 tháng sau khi trồng) nhà vườn phải thắp bóng điện vào ban đêm theo tỉ lệ 8 mét vuông/3 bóng điện với mục đích cho cây đẩy mạnh quang hợp để nuôi củ, và dừng thắp điện một tháng trước khi thu hoạch cho củ đủ già.

Theo tính toán của ông Nguyễn Đăng Hiến, với việc trồng khoai tây trong nhà kính đúng kỹ thuật, trung bình mỗi gốc khoai tây ít nhất sẽ cho thu về 5 kg củ. Như vậy, khoai tây trồng trong nhà kính mỗi sào sẽ đạt khoảng 5 tấn củ, cao gấp đôi so với trung bình sản lượng khoai tây cùng loại được trồng ngoài trời.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương pháp trồng khoai tây trong nhà kính là từ thời gian trồng cho tới khi thu hoạch có thể kéo dài gấp đôi thời gian khoai tây được trồng ngoài trời (hơn 3 tháng ngoài trời và gần 5 tháng nếu trồng trong nhà kính).

“Tôi đang cố gắng nghiên cứu để giảm bớt thời gian sinh trưởng và phát triển của cây khoai tây được trồng trong nhà kính. Với thời gian hiện nay thì thực sự là hơi dài” - ông Hiến nói.

Tin rằng, với việc trồng thử nghiệm thành công khoai tây trong nhà kính của ông Nguyễn Đăng Hiến cho năng suất củ vượt trội, trong thời gian tới mô hình này sẽ được phổ biến để người trồng khoai tây phố núi nhân rộng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới