Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Những người khởi nghiệp vì đam mê

Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có những người không trẻ cũng chưa già đang lọ mọ khởi nghiệp vì nỗi khát khao muốn làm ra sản phẩm chất lượng tốt từ nguồn nguyên vật liệu sẵn có trong nước, dành cho những người có cùng sở thích. Họ cũng tự nhận mình là những người “khởi nghiệp” vì đam mê.

Thỏi son Môi Em được thiết kế tỉ mỉ với hình hoa sen in nổi.

Nhiều người bước vào con đường khởi nghiệp nhằm khẳng định bản thân, muốn được làm chủ thay vì làm công ăn lương, nhiều người khác chọn khởi nghiệp ở một lĩnh vực mới keng không liên quan gì đến chuyên môn đã học hay doanh nghiệp đang làm việc… chỉ vì niềm đam mê thuở thiếu thời. Họ khởi nghiệp sau khi công việc kinh doanh chính đã ổn định, gia đình đã yên ấm và cũng không còn lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Họ khởi nghiệp vì muốn làm cho bằng được sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu của bản thân họ - một người sử dụng khắt khe, sau đó đưa sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng - những người cũng có cùng sở thích, yêu cầu về chất lượng, kiểu dáng sản phẩm.

Quỳnh Hương, trong mắt mọi người và những gì cô ấy thể hiện mình trên mạng xã hội thì cô thuộc tuýp người năng động, hướng ngoại nên sẽ có suy nghĩ rằng cô phù hợp với công việc trong lĩnh vực truyền thông, đối ngoại. Đúng, đó là một phần con người Hương, như cô tự nhận với người viết. Nhưng khi đã tạo dựng được chỗ đứng và có những thành công nhất định trong doanh nghiệp gia đình, cô lại quay sang “khởi nghiệp” ở một lĩnh vực mà bản thân yêu thích nhưng không được đào tạo bài bản: sản xuất son môi.

Quỳnh Hương thừa nhận, bản thân đã sẵn sàng một nguồn tài chính để “không phải lo đến vấn đề tài chính cá nhân hay gia đình nên có thể thích làm gì thì làm, và nếu không thành công thì có thể làm lại mà không lo nhiều về kinh tế”. Tuy nhiên, không vì có tiềm lực tài chính mà cô “chơi tất tay” để đầu tư vào sản xuất son môi mà không có sự dày công tìm hiểu, chuẩn bị.

“Hương muốn sản xuất những thỏi son môi bắt đầu từ nhu cầu của bản thân: tìm kiếm một loại son môi an toàn và phù hợp với mình. Và tự xem mình là khách hàng đầu tiên đánh giá sản phẩm một cách khắt khe nhất”, Quỳnh Hương chia sẻ. Hỗ trợ cho việc sản xuất son môi này là một đội gồm những chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm và cùng với đó là nguồn nguyên liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng. Và những thỏi son môi tên Môi Em nói “Không” với hóa chất đã được ra mắt thị trường trong bộ bao bì họa bức tranh cô gái và hoa sen nền nã.

Hương cho biết cô đặt mục tiêu sẽ sản xuất 100% cây son thuần bằng các nguyên vật liệu sẵn có trong nước. Ở hiện tại, thành phần thỏi son Môi Em có khoảng 70% nguyên vật liệu trong nước, 30% còn lại là nhập khẩu. Cây son được đựng trong chiếc túi giấy nhỏ, có cả bảng ghi thông tin thành phần son và cả phần hướng dẫn sử dụng. Lối ghi cũng được trình bày một cách tỉ mỉ như lời nhắn nhủ dành cho người bạn sẽ dùng thỏi son.

“Tôi muốn làm ra những cây son thuần Việt Nam vì mỗi thỏi son là một đại sứ thương hiệu cho văn hóa Việt. Đó cũng là một trong những lý do hình lá sen được chọn khảm lên vỏ son. Tôi hy vọng một ngày nào đó hình ảnh trên vỏ son được khảm bằng sơn mài Việt Nam”, Hương khẳng định.

Sau khi giải quyết ổn thỏa khâu sản xuất thì cô bắt đầu đi tiếp thị bán hàng, vì xác định sản phẩm của mình là kể về câu chuyện của một sản phẩm được làm từ tình yêu văn hóa của người Việt Nam nên Hương cũng dễ dàng biết khách hàng của mình là ai. Cũng may, nhờ có lợi thế về giao tiếp và thái độ làm việc chân thành mà chỉ sau một thời gian ngắn, những thỏi son Môi Em vỏ hình lá sen đã nằm trên các kệ hàng của nhiều cửa hàng trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM và trung tâm thương mại. Với Hương, đó đã là một thành công bước đầu trong hành trình khởi nghiệp của mình. Còn chuyện lời lỗ theo cô là chưa cần bàn vào thời điểm này.

Cũng có suy nghĩ như Hương, Thanh Tuyền cũng xuất thân từ lĩnh vực truyền thông nhưng thành công ở lĩnh vực thẩm mỹ. Nhiều năm nay, cô lại mày mò làm dầu gội từ bồ kết - một loại dầu gội khá phổ biến với khá nhiều nhãn hàng thành danh trên thị trường. Tuyền chia sẻ, sau nhiều năm thử dùng nhiều loại dầu gội khác nhau nhưng tóc cô phù hợp nhất với dầu gội bồ kết nhưng cô vẫn chưa ưng ý với các nhãn hàng dầu bồ kết hiện có.

Tương tự Hương, Tuyền trước khi bắt đầu cô cũng không có kinh nghiệm hay kiến thức gì về sản xuất dầu gội đầu nhưng điều đó không có nghĩa là không làm được. Cái khó của Tuyền không phải là hoàn thành công thức dầu gội mà là tìm nhà máy để sản xuất.

Thông qua một người bạn, cô được giới thiệu với một giám đốc một nhà máy gia công sản xuất mỹ phẩm cho Hàn Quốc, EU… và sau buổi gặp đầu tiên, nỗi lo về khâu sản xuất đã được giải quyết. Nhờ hợp tác với đơn vị gia công nên những khâu như đăng ký sản phẩm, thiết kế hình ảnh… không còn gặp khó khăn gì đáng kể. Công việc còn lại của cô là lấy bản thân mình làm người kiểm chứng loại dầu gội phù hợp đến đâu, lo các khâu tiếp thị, mang hàng lên kệ…

Câu chuyện “khởi nghiệp” của hai cá nhân trên nếu chiếu theo Tháp nhu cầu Maslow thì ở một góc độ nào đó, họ đang ở bậc cao nhất là nhu cầu tự thể hiện (self-actualization), tức là những cá nhân không phải vướng bận về nhu cầu sinh lý - cơm áo gạo tiền mà muốn được sống với đam mê, theo đuổi sở thích nhưng lại mang đến những giá trị, lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Dĩ nhiên, những gì mà hai cô ấy đang làm chỉ mới là chương đầu trong hành trình “khởi nghiệp vì đam mê” của mình, song có thể thấy, đâu đó ngoài kia vẫn còn không ít cá nhân luôn âm ỉ một ngọn lửa muốn sản xuất một cái gì đó từ chính nhu cầu của mình, không quá đặt nặng sự cạnh tranh vì bản thân họ chính là đối thủ của mình.

Như Quỳnh Hương đã hơn một lần nhắc lại người viết rằng, Hương mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để làm ra một cây son thuần Việt, đầu tiên là cho chính mình rồi mới nghĩ đến bán cho khách dùng. Khởi nghiệp và phát triển sản phẩm, chinh phục thị trường với Thanh Tuyền hay Quỳnh Hương vẫn còn là một con đường dài ở phía trước. Nhưng họ khiến tôi suy nghĩ về phần ý chí vươn lên của những người Việt Nam - những người mong muốn có sự thay đổi tốt hơn cho cộng đồng, như cách họ làm sản phẩm tốt, đẹp, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Với họ, nếu thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm thì tìm học, mối quan hệ trong công việc còn ít thì bươn ra ngoài tìm kiếm, gõ vào những cánh cửa đang đóng, biết đâu chúng chỉ khép hờ! Tinh thần học hỏi, làm việc của họ đáng ngưỡng mộ.

1 BÌNH LUẬN

  1. Phương châm để khởi nghiệp bền vững : KHÔNG CÓ THẤT BẠI, CHỈ CÓ CHƯA THÀNH CÔNG/ KHÔNG CÓ THÀNH CÔNG, CHỈ CÓ MỚI BẮT ĐẦU THÀNH TỰU/ KHÔNG CÓ ĐÍCH ĐẾN, CHỈ CÓ HÀNH TRÌNH BỀN BỈ. Chúc các bạn trẻ và mọi người luôn nuôi dưỡng đam mê/ khát vọng/ kiên trì.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới