Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khởi nghiệp từ… rác vải!

Cáp Kim - Lệ Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Với ý tưởng tận dụng phế liệu ngành may để sáng tạo ra các phụ kiện thời trang, chị Trần Thị Kim Soi đã quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Gian hàng phụ kiện Soi handmade luôn là điểm đến yêu thích của các du khách khi tới chợ phiên.

Xuất thân là sinh viên cao đẳng ngành thiết kế thời trang, cô gái gốc Phú Yên sinh năm 1989 – Trần Thị Kim Soi lại đem lòng yêu mến mảnh đất Hội An, nên đã cùng chồng quyết định sống và lập nghiệp tại đây.

Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) được biết đến là “thiên đường may nhanh chuyên nghiệp”, nên hàng ngày, lượng vải vụn thải ra là một vấn đề nhức nhối cho việc xử lý rác thải. Từ những mớ vải vụn thải loại, chị Soi đã miệt mài thử nghiệm và sáng tạo các dòng phụ kiện thời trang cho phái đẹp. Cùng với đó là kế hoạch chuyển giao mô hình biến rác vải thành đồ lưu niệm thủ công độc lạ tới cộng đồng tái chế vải vụn.

Từ đam mê đến khởi nghiệp

Chị Soi kể vào những ngày đầu sống ở Hội An, chị gắn bó với nơi ấy bằng những công việc trong các nhà hàng, khách sạn. Nhưng vốn có niềm đam mê với sản phẩm thủ công, chị vẫn thường tự mình làm ra những phụ kiện từ giấy, các sản phẩm vẽ từ lụa và tranh. Một lần tình cờ, sản phẩm của chị được đồng nghiệp và mọi người xung quanh thích thú đặt mua.

Đến năm 2013, chị bắt đầu tạo lập thương hiệu “Soi handmade” với đa dạng sản phẩm, mẫu mã, chất liệu, tuy nhiên, vẫn chưa mảy may có ý tưởng về vải vụn. Mãi đến năm 2017, trong một lần dạo phố Hội An, chị bắt gặp những bao tải vải vụn từ nhiều xưởng may bỏ đi thì mới nảy sinh ý tưởng chế tác vải vụn thành những phụ kiện thời trang, bán với giá từ 15.000 đồng/chiếc.

Cũng như nhiều cá nhân khởi nghiệp khác, chị Soi gặp nhiều khó khăn trong khoảng thời gian đầu. Chị bộc bạch: “Lúc đầu, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Vải vụn rất lộn xộn, chưa biết ứng dụng ra sao. Tôi phải tính toán với những chất liệu vải khác nhau, xem nó phù hợp vào những sản phẩm nào. Mặt khác còn phải cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp vừa rẻ vừa bắt mắt. Hầu như các sản phẩm tận dụng vải vụn đều khó tạo dáng hoặc những bản mẫu chuẩn để sản xuất hàng loạt, mà chủ yếu dựa vào khả năng ngẫu hứng của người thợ. Việc tìm “đồng đội” và đào tạo một vài người có khả năng làm hàng với độ thẩm mỹ cao là rất khó. Có rất nhiều “bài toán” đặt ra cho tôi…”.

Phải loay hoay với nhiều đề bài, nhưng chị Soi may mắn có sự đồng hành của chồng chị. Anh là một người học về mỹ thuật, đã hỗ trợ chị, cùng chị từng bước đưa thương hiệu Soi handmade đến gần hơn với người tiêu dùng.

Những ngày đầu, sản phẩm của Soi handmade chỉ bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram… Đến năm 2019, khi thương hiệu đã được nhiều người biết đến hơn, chị Soi đầu tư mạnh hơn và chuyên tâm vào sản phẩm từ vải phế liệu. Từ đó đến nay, nguồn nguyên liệu chính của Soi handmade là “rác vải” được chị thu mua từ hầu hết các xưởng may trong thành phố Hội An. Soi handmade có trên 30 dòng sản phẩm với hình thức phong phú, từ cài tóc, băng đô, mấn, kẹp tóc, dây buộc tóc…, cho tới khăn choàng cổ, khăn turban, khăn chéo tam giác, túi ví vải…, được xử lý từ hầu hết các loại chất liệu cũng như các kích thước vải thừa khác nhau.

Với chị Soi, đây không những là cuộc khởi nghiệp xuất phát từ niềm đam mê với hàng handmade, mà còn minh chứng cho định hướng, tâm niệm của chị: “Khởi nghiệp xanh – khởi nghiệp bền vững”.

Đau đáu với “thương hiệu xanh”

Nói đến hàng phụ kiện thời trang, phải thừa nhận đây là một thị trường rất cạnh tranh cùng với sự tham gia của nhiều người, trong đó có cả những nhà sản xuất lớn. Nhưng sự độc đáo của Soi handmade đó là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, và chuyện tận dụng tối đa các loại, các kiểu vải phế liệu của chị Soi là câu chuyện “một mũi tên trúng hai đích”: sản xuất xanh – bảo vệ môi trường, và gần như mỗi mẫu mã chỉ có một sản phẩm duy nhất.

Ví dụ cùng một dòng phụ kiện, nhưng do không có nguyên liệu cùng loại nên mỗi sản phẩm đều có họa tiết, màu sắc khác nhau với vẻ đẹp rất riêng biệt. Chính vì thế, khi khách hàng sở hữu một sản phẩm Soi handmade là họ đang sở hữu một sản phẩm giới hạn, cũng là sản phẩm từ một câu chuyện gìn giữ môi trường. Đó chính là cách mà chị Soi tạo nên sự khác biệt cũng như sức thu hút riêng cho thương hiệu của mình.

Không những riêng biệt, Soi handmade luôn từng bước nâng cao chất lượng và độ phong phú của mẫu mã sản phẩm; từng bước hoàn thiện hình ảnh nhận diện thương hiệu, từ bao bì, nhãn mác cho đến fanpage đều chỉn chu để đạt sự nhất quán và ấn tượng với khách hàng. Việc đưa ra mức giá hợp lý và niêm yết giá sản phẩm giúp khách hàng chủ động trong việc lựa chọn sản phẩm cũng là một yếu tố khiến cho khách hàng tìm đến sản phẩm của chị Soi.

Hiện tại, thông qua các kênh bán hàng trực tuyến như Facebook, Shopee…, thương hiệu Soi handmade dần tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Đặc biệt, những phụ kiện tái chế này được “phủ sóng” hầu hết các chợ phiên Tân Thành, chợ phiên Hội An và các chợ phiên khác.

Ngoài ra, chị Soi cũng bỏ hàng sỉ cho các cửa hàng thời trang ở nhiều địa phương, đó là đầu ra khá ổn định. Thương hiệu Soi handmade còn là gương mặt tiêu biểu xuất hiện tại các hội thảo và lớp tập huấn khởi nghiệp do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức hay trong các cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Theo xu hướng sống xanh hiện nay, thương hiệu Soi handmade cũng được nhiều người tiêu dùng đón nhận hơn. Chị Huỳnh Hoài Thanh, một hướng dẫn viên du lịch là khách hàng “ruột” của Soi handmade đã chia sẻ: “Tôi là khách hàng thân thiết, đặt khá nhiều sản phẩm bên chị Soi để tặng khách đi tour, hỗ trợ khách có nhu cầu đặt may đo trực tuyến hoặc muốn mua các sản phẩm đặc sắc bản địa. Hầu hết khách của tôi đều thích thú khi nghe kể về câu chuyện khởi nghiệp thú vị của chị Soi”.

Hay như chị Kaur Aadhya, một du khách Ấn Độ mà chúng tôi được gặp khi chị đang mải mê lựa chọn những sản phẩm Soi handmade tại phiên chợ Khởi nghiệp – Tiêu dùng xanh Hội An, đã hứng thú cho biết: “Tôi rất thích những phụ kiện ở đây. Chúng không chỉ rất đẹp mà còn được làm ra trong ý hướng góp phần bảo vệ môi trường. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời của tôi khi đến Hội An”.

Soi handmade đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực như thế, bao gồm cả sự ngạc nhiên của không ít người đối với câu chuyện khởi nghiệp gập ghềnh của chị Soi. Sự thành công của Soi handmade còn được đánh dấu bằng việc thương hiệu này được lựa chọn tham dự Hội thảo Du lịch xanh do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UNESCO tổ chức hồi năm 2022.

Chị Soi chia sẻ trong thời gian tới, Soi handmade sẽ có các chương trình gặp gỡ, chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình với học sinh lớp 12, từ Hà Nội vào Hội An. Đây cũng là mục tiêu, là mong ước mà chị Soi từng tâm sự: “Với mong muốn nhân rộng mô hình khởi nghiệp này, tôi hướng tới việc truyền lửa và truyền nghề cho những người trẻ, nhất là những phụ nữ khó khăn, yếm thế, vừa giúp họ có thêm thu nhập, vừa khích lệ việc tận dụng ngày càng nhiều vải vụn thải loại để tạo thêm nhiều hơn nữa những phụ kiện thời trang đẹp. Tôi cũng mong muốn xây dựng được cho mình một cửa hàng lớn để trưng bày sản phẩm Soi handmade…”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới