Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đuối sức vì những tiêu chuẩn ‘cao hơn thế giới’

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các kiến nghị của doanh nghiệp về tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) quá cao, không thực tế chưa được giải quyết xong thì gần đây lại xuất hiện tình trạng tương tự. Góp ý cho dự thảo về chi phí tái chế, nhiều doanh nghiệp cho rằng mức trong dự thảo này cao hơn cả mức đang được các nước phát triển áp dụng.

Cơ quan quản lý đưa ra tiêu chuẩn quá cao rồi phải thay đổi liên tục là điều phải tránh để không làm hao tốn vô ích nguồn lực doanh nghiệp và người dân. Trong ảnh: đăng kiểm xe tại một trung tâm ở TPHCM.

Cuối tuần qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo về định mức chi phí tái chế (Fs) và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) để góp ý cho dự thảo đề xuất Fs và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ xử lý chất thải do Văn phòng EPR (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) biên soạn.

Phản hồi chung của các doanh nghiệp đối với dự thảo của Văn phòng EPR là Fs quá cao, một số định mức thậm chí còn cao hơn cả mức bình quân thế giới đến mấy lần. Doanh nghiệp cho biết họ ủng hộ việc tái chế bao bì để bảo vệ môi trường nhưng cần điều chỉnh định mức Fs cho phù hợp thực tế.

Định mức chi phí tái chế ở Việt Nam cao hơn thế giới

Trong văn bản đưa ra tại hội thảo, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) nhận định, nhiều đề xuất Fs ở mức rất cao và bất hợp lý. Cụ thể như Fs đề xuất cho bao bì giấy hỗn hợp đang cao hơn 4,3 lần và nhôm cao gấp 4,9 lần Fs trung bình của các nước khác.

Trước đó, Amcham Việt Nam cũng đã có góp ý chi tiết về Fs trong văn bản của 14 hiệp hội gởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã được trình bày tại một hội thảo về EPR hồi tháng 5 vừa qua.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng Fs cao bất hợp lý có một nguyên nhân chính vì chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được và cần theo sát thực tế hơn.

Đối với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi được lớn hơn chi phí tái chế như bao bì nhôm, sắt thép, giấy carton, bao bì nhựa cứng, phương tiện giao thông... nhà tái chế đã có lãi thì cần điều chỉnh hệ số điều chỉnh của Fs = 0.

Điều này phù hợp với thực tế thu gom và tái chế ở Việt Nam hiện nay khi các bao bì, sản phẩm loại này về cơ bản đã được thu hồi hết, hầu như không làm nguy hại tới môi trường, việc hỗ trợ thêm cho nhà tái chế đang có lãi là không hợp lý.

Còn với các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì ni lon, bao bì giấy hỗn hợp, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp để hỗ trợ cho nhà tái chế, nhưng mức Fs cần hợp lý, không cao hơn so với mức trung bình của thế giới.

Góp ý cho hội thảo, các doanh nghiệp còn đề nghị phải bỏ chi phí quản lý hành chính 3% khỏi đề xuất Fs, vì 3% tương ứng với số tiền vài trăm tỉ đồng. Theo số liệu do các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra, chỉ riêng ba loại bao bì chính là giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng phí tái chế ước tính là hơn 6.000 tỉ đồng/năm, chưa kể phí tái chế các vật liệu khác.

Đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt là trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay. Theo tính toán của Hiệp hội Nhựa, với mức phí Fs như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này.

Trong khi đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi phí quản lý hành chính lấy từ tiền lãi ngân hàng từ khoản thu phí tái chế do doanh nghiệp đóng. Ước tính số tiền lãi này cũng lên tới hàng trăm tỉ đồng, hoàn toàn đủ cho hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR.

Bài học từ tiêu chuẩn PCCC và kiểm định ô tô

Từ năm ngoái đến nay, không ít doanh nghiệp đã nhiều lần phải kêu cứu tới Chính phủ và Quốc hội vì quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) liên tục thay đổi khiến họ không thể nào trở tay kịp. Ngoài ra, một số quy chuẩn được đưa ra quá cao, khó thực hiện, khiến các dự án kinh doanh bị đình trệ.

Đơn cử một tiêu chuẩn là việc yêu cầu nhà xưởng phải dùng sơn chống cháy tiêu chuẩn châu Âu nhưng nguồn cung cấp lại không có. Doanh nghiệp không sử dụng loại sơn này thì bị xem là vi phạm về PCCC và không thể sản xuất, việc kinh doanh bị ngưng trệ.

Từ tháng 4-2020 đến tháng 11-2022, chỉ trong hơn ba năm, Bộ Xây dựng đã sửa đổi tới bốn lần quy chuẩn PCCC bằng việc ban hành liên tiếp ba bộ quy chuẩn là QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD và sẽ còn có thêm bộ quy chuẩn mới sắp ban hành trong năm nay.

Việc sửa đổi liên tục quy chuẩn PCCC như vậy là do qua thực tế áp dụng cho thấy có một số điểm chưa phù hợp. Hồi tháng 5 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội sau khi giám sát cũng nhận định, việc đưa ra các quy chuẩn PCCC mới là động thái tốt song có những quy chuẩn thiếu thực tế, có các quy định “trên trời”.

Một việc khác cũng áp dụng tiêu chuẩn “cao hơn thế giới” bất chấp thực tế để rồi phải sửa là kiểm định ô tô. Các điểm bất hợp lý trong đăng kiểm ô tô đã được nói từ lâu nhưng chỉ sau khi xảy ra vụ án bê bối đăng kiểm thì đến tháng 5 năm nay mới được sửa triệt để.

Đầu tiên là việc bắt buộc xe mới xuất xưởng phải vào kiểm định, trong khi ở các nước phát triển xe mới chỉ kiểm định lần đầu sau 3-4 năm. Việc áp dụng tiêu chuẩn đăng kiểm như vậy dù hết sức bất hợp lý nhưng đã tồn tại trong suốt gần 30 năm mới được thay đổi.

Tương tự, trong suốt thời gian nói trên, chu kỳ kiểm định của ô tô ở Việt Nam cũng ngắn hơn rất nhiều so với các nước, đặc biệt là chu kỳ kiểm định lần đầu tiên ngắn hơn các nước phát triển đến 1-2 năm.

Việc cơ quan quản lý đưa ra tiêu chuẩn quá cao rồi phải thay đổi liên tục là điều phải tránh để không làm hao tốn vô ích nguồn lực doanh nghiệp và người dân. Cần hạn chế đến mức thấp nhất các rào cản, tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp, không cản trở phát triển bằng những quy định thiếu thực tế hay đặt ra yêu cầu cao hơn mức cần thiết như đã diễn ra như quy chuẩn PCCC hay kiểm định xe cơ giới trong thời gian qua.

Fs là định mức chi phí tái chế mà doanh nghiệp phải đóng để tái chế bao bì. Ví dụ, chi phí tái chế nhôm là 10.000 đồng/kg và Fs là 0,3 thì doanh nghiệp phải đóng 0,3 x 10.000 = 3.000 đồng cho mỗi ki lô gam bao bì nhôm sử dụng.

EPR (Extended Producer Responsibility - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) là chính sách môi trường đòi hỏi nhà sản xuất hoặc nhập khẩu chịu trách nhiệm cho các sản phẩm của mình trong suốt vòng đời sản phẩm. Với EPR, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Các sản phẩm bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, bao bì giấy, bao bì nhựa, thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng, ô tô, pin và bình ắc quy…

Văn phòng EPR là tổ chức giúp Hội đồng EPR quốc gia (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong việc tổ chức quản lý, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới