Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản Đông Nam bộ và ĐBSCL trước nguy cơ thiếu nhân lực

N.N

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chất lượng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL nhìn chung còn thấp, điều này được thể hiện khi tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ dưới 10%. Hai khu vực này đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực có tay nghề làm việc cho lĩnh vực nông nghiệp.

Nhân lực có tay nghề trong ngành nông lâm thuỷ sản tại Đông Nam bộ và ĐBSCL theo Bộ NN&PTNT có xu hướng giảm trong những năm qua. Ảnh minh họa: TL

Ngày 4-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức “Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những nội dung chưa làm tốt để đưa ra những giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành NN&PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, hai khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL nguồn lực cho ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng Đông Nam bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778.000 vào năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46.700 người/năm, tính ra tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm. Còn khu vực ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người, mức giảm 7,2% tương ứng với 729.400 người.

Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác. Một lý do khác được Bộ NN&PTN chỉ ra là do thu nhập và điều kiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp kém hấp dẫn hơn so với các ngành khác nên khiến cho số học viên đăng ký theo học các ngành nông nghiệp bị giảm sút.

Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông, lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể là chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL.

“Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao” báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết.

Bên cạnh đó, lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỷ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.

Sau khi chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan, Bộ NN&PTNT đã đạt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới