Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng quốc gia thống trị bảng xếp hạng về vốn hóa lớn nhất toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các ngân hàng quy mô quốc gia bên ngoài Mỹ và châu Âu chiếm phần lớn trong danh sách 100 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Cơ cấu thu nhập ổn định hơn và khả năng sinh lời tốt hơn đã giúp các ngân hàng quốc gia trỗi dậy.

Ngân hàng HDFC của Ấn Độ, ít được biết đến trên thị trường quốc tế, nằm trong nhóm 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Ảnh: Fortune India

Cổ phiếu của các ngân hàng lớn Mỹ (thường được xem là ngân hàng đa quốc gia vì có quy mô hoạt động trên toàn cầu) tăng giá mạnh trong tháng qua. Giới đầu tư mua cổ phiếu của họ vì lạc quan với các báo cáo lợi nhuận bội thụ và sự phục hồi niềm tin trong nền kinh tế và ngành tài chính Mỹ.

Sau cơn hỗn loạn của ngành do tác động lây lan từ cú súp sụp đổ Ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ), khủng hoảng dường như đã được ngăn chặn. Giá cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu trầm lắng hơn trong tháng qua nhưng cũng tăng 25% trong 12 tháng qua.

JPMorgan Chase (Mỹ) hiện xếp ở vị trị số một trong danh sách 100 ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất toàn cầu. Bank of America, Wells Fargo và Morgan Stanley (Mỹ) cũng nằm trong số 10 ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn chút, quá trình đảo ngược toàn cầu hóa trong vài năm đã thúc đẩy sự trỗi dậy của các ngân hàng quy mô quốc gia trên thế giới. Theo dữ liệu của Datastream, chỉ hơn 1/3 trong danh sách 100 ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường là của Mỹ hoặc châu Âu.

Với quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc, không có gì bất ngờ khi các ngân hàng của nước này nhằm trong nhóm đứng đầu danh sách. Trong 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất toàn gấp, Trung Quốc có 4 ngân hàng.

Nhưng hiện tượng đó không giới hạn ở Trung Quốc. Các ngân hàng quy mô quốc gia khác ở Canada, Úc, Nhật Bản, Trung Đông, Brazil, Ấn Độ, Singapore và Indonesia nằm trong số các  ngân hàng có giá trị nhất trên thế giới.

Ngân hàng HDFC của Ấn Độ, gần đây sáp nhập với Tập đoàn Tài chính phát triển nhà ở, hiện có vốn hóa thị trường khoảng 150 tỉ đô la. Con số này đưa HDFC vào nhóm 10 ngân hàng có giá trị lớn nhất thế giới và không nằm ở khoảng cách quá xa so với vốn hóa 167 tỉ đô la của ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC.

ICICI, ngân hàng hàng lớn thứ hai của Ấn Độ hiện có giá trị vốn hóa lớn hơn BNP, ngân hàng lớn nhất khu vực sử dụng đồng euro. Tương tự, ngân hàng Bank Central Asia của Indonesia và Al Rajhi, ngân hàng lớn nhất của Saudi Arabia, đều có vốn hóa chỉ thấp hơn một chút so với BNP.

Có nhiều lý do giải thích cho xu hướng trỗi dậy của các ngân hàng quy mô quốc gia. Đầu tiên là cơ cấu thu nhập của các ngân hàng này tốt hơn. Giới đầu tư đánh giá cao các khoản thu nhập định kỳ và ít biến động ở ngành ngân hàng. Các ngân hàng quốc gia có xu hướng ít tiếp xúc với mảng đầu tư và môi giới giao dịch vốn dễ biến động so với hầu hết các ngân hàng châu Âu và Mỹ.

Thứ hai, khả năng sinh lời của các ngân hàng quốc gia tốt hơn. Một ngân hàng có thể có giá trị hơn chỉ vì nó có bảng cân đối kế toán lớn hơn. Nhưng vốn hóa thị trường phản ánh sức mạnh thu nhập hiện tại và tương lai của các ngân hàng. Các ngân hàng châu Âu thường có bảng cân đối kế toán lớn nhưng biên lợi lợi nhuận và thu nhập thấp hơn, khiến việc định giá dựa trên giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu của họ giảm xuống trong thập niên qua. Mức định giá cao hơn của JPMorgan phản ánh tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng vượt trội so với với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ và châu Âu.

Tương tự, các ngân hàng lớn nhất ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Úc và Canada hưởng lợi từ việc tạo ra ROE cao dựa vào các hoạt động cho vay truyền thống. Các ngân hàng này gần như thống trị thị trường trong nước của họ

Các ngân hàng ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Ấn Độ hoặc Indonesia đang tận dụng nhu cầu tầng lớp trung lưu trong lĩnh vực quản lý tài sản. Họ cũng đang tăng cường thâm nhập vào các khu vực phi chính thức hơn của nền kinh tế. Ở Mỹ và châu Âu, áp lực quản lý ngày càng tăng. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chínhh toàn cầu năm 2009, các ngân hàng ở phương Tây bị giám sát ngày càng gắt gao. Cuộc khủng hoảng của các ngân hàng khu vực gần đây ở Mỹ có thể ngăn chặn bất kỳ sự nới lỏng nào đối với những áp lực này.

Đồng thời, các ngân hàng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các tổ chức tài chính “phi ngân hàng”, bao gồm các công ty cổ phần vốn tư nhân đang mở rộng mạnh mẽ trong lĩnh vực cho vay. Điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ và châu Âu. Tại Trung Quốc, hai tập đoàn công nghệ và tài chính khổng lồ Tencent và Alipay đang thâm nhập mạnh mẽ vào thế giới ngân hàng trong những năm gần đây. Nhưng nhìn chung, các công ty công nghệ tài chính (fintech) này không tạo ra nhiều tác động tiêu cực với các đối thủ ngân hàng truyền thống. Sự hào hứng trong lĩnh vực fintech không làm giảm sút niềm tin của cổ đông vào những ngân hàng truyền thống quy mô quốc gia. Tốc độ tăng vốn hóa thị trường của họ ổn định hơn hầu hết các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới