Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Moody’s hạ tín nhiệm hệ thống ngân hàng Mỹ xuống mức tiêu cực

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Moody’s Investors Service hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ xuống mức tiêu cực từ mức ổn định với lý do rủi ro gia tăng sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).

Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ xuống mức tiêu cực do các rủi ro gia tăng sau cú sụp đổ của SVB. Ảnh: Editorji News

Trong thông báo vào cuối ngày 13-3, Moody’s, một trong ba hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới, giải thích hãng tiến hành động thái đó khi các vụ sụp đổ liên tiếp của ba ngân hàng khiến rủi ro gia tăng ở các tổ chức tài chính khác.

“Chúng tôi đã thay đổi từ triển vọng ổn định sang tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng Mỹ để phản ánh sự xuống cấp nhanh chóng trong môi trường hoạt động sau làn sóng rút tiền gửi tại SVB, Silvergate Bank và Signature Bank (SNB)”. SVB và SNB hiện được đặt dưới sự tiếp quản của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), còn Silvergate Bank đã tuyên bố giải thể và trả tiền lại cho khách hàng.

Các đánh giá về triển vọng tín nhiệm của Moody’s rất quan trọng vì đây là bước đầu tiên để xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, ảnh hưởng đến chi phí đi vay của ngành ngân hàng.

Moody’s cũng cảnh báo hạ bậc tín nhiệm đối với sáu ngân hàng khu vực gồm First Republic Bank, Intrust Financial, UMB Financial, Zions Bancorp, Western Alliance Bank và Comerica “để phản ánh các điều kiện huy động vốn cực kỳ bất ổn đối với một số ngân hàng Mỹ đối mặt rủi ro khách hàng rút tiền hàng loạt”.

Moody’s đánh giá cao hành động nhanh chóng của chính phủ Mỹ để hỗ trợ ngân hàng bị ảnh hưởng. Nhưng hãng cho biết ngân hàng khác vẫn đang nắm giữ các khoản lỗ trên sổ sách ở danh mục đầu tư chứng khoán thu nhập cố định, gồm trái phiếu chính phủ Mỹ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thành lập một chương trình cho vay ngắn hạn để đảm bảo các tổ chức tài chính gặp vấn đề về thanh khoản có thể tiếp cận tiền mặt. Bộ Tài chính Mỹ cung cấp 25 tỉ đô la Mỹ cho chương trình này. Giới chức trách cũng cam kết người gửi tiền ở SVB và SNB có thể rút đầy đủ tiền của họ.

Nhưng Moody’s cho rằng mối lo ngại vẫn chưa biến mất và người gửi tiền không được bảo hiểm ở các ngân hàng khác vẫn có thể gặp rủi ro.

Báo cáo của Moody’s cho hay: “Các ngân hàng có khoản lỗ trái phiếu lớn và nắm giữ lượng tiền gửi không được bảo hiểm lớn có thể nhạy cảm hơn với sự cạnh tranh thu hút khách gửi tiền hoặc rủi ro rút tiền hàng loạt. Điều này có thể tác động bất lợi đối với thanh khoản, thu nhập và vốn”.

Theo Moody’s, khách hàng có thể không yên tâm với khoản tiền mà họ đang gửi ở những ngân hàng bất ổn, vì vậy, họ sẽ rút để tìm những nơi an toàn hơn.

Khách hàng gửi tiền ở ngân hàng thành viên của FDIC được bảo hiểm tối đa 250.000 đô la. Phần tiền gửi vượt ngoài mức này trên mỗi tài khoản sẽ không được bảo hiểm. Đa số khách hàng của SVB là doanh nghiệp nên khoản tiền gửi của họ thường lớn hơn ngưỡng đó. Trong vụ việc của SVB, chính Mỹ cam kết sẽ trả cả phần tiền gửi không có bảo hiểm.

Moody’s lưu ý thời kỳ lãi suất thấp kéo dài trước đây, kết hợp với gói kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ liên quan đến đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động của ngành ngân hàng trở nên phức tạp.

Chẳng hạn, SVB có khoản lỗ trên sổ sách 16 tỉ đô la ở danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn. Khi lợi suất trái phiếu tăng lên, giá các trái phiếu giảm xuống, gây ra vấn đề về thanh khoản cho SVB.

Do thất bại trong nỗ lực huy động vốn, SVB đã phải bán lỗ một phần danh mục trái phiếu đó để duy trì thanh khoản.

Moody’s dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, thay vì tạm dừng như thị trường kỳ vọng. Lãi suất cao sẽ gây sức ép lớn hơn nữa đối với những ngân hàng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ với khối lượng lớn.

Moody’s nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng áp lực đối với ngành ngân hàng sẽ kéo dài và trở nên trầm trọng hơn do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn cho đến khi lạm phát trở lại trong phạm vi mục tiêu 2% của Fed”.

Bên cạnh đó, các ngân hàng Mỹ đang đối mặt với chi phí huy động tiền gửi tăng mạnh do lãi suất tăng. Điều này sẽ làm giảm thu nhập của ngành ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ tài sản cao ở danh mục đầu tư chứng khoán thu nhập cố định.

Moody’s dự báo nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay và sẽ gây áp lực hơn nữa đối với ngành ngân hàng.

Dù vậy, hãng đánh giá nhìn chung, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh, có đủ tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao để ứng phó suy thoái. Nhưng tin xấu là các cơ quan quản lý của Mỹ có thể ban hành quy định mới, yêu cầu họ nắm giữ vốn nhiều hơn sau cú sụp đổ chóng vánh của SVB.

Theo CNBC, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới