(KTSG Online) – Còn hơn hai năm nữa (năm 2025) để ngành tôm đạt đến doanh thu xuất khẩu như chỉ đạo của Chính phủ. Thế nhưng, qua những diễn biến thực tế hiện nay, con số 10 tỉ đô la Mỹ là mục tiêu khó khả thi.
Tại hội nghị phát triển ngành hàng tôm Việt Nam diễn ra ở tỉnh Cà Mau vào đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm phải đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, tức sớm hơn 5 năm so với mục tiêu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó để hoàn thành...
Đường dài và gian nan đến mục tiêu doanh thu 10 tỉ đô la
Nếu so với kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào năm 2017 (tức trước khi Chính phủ có Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18-1-2018 về việc “Ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025-PV) là 3,85 tỉ đô la Mỹ, thì để hoàn thành mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, mỗi năm giá trị xuất khẩu tôm phải tăng thêm hơn 760 triệu đô la Mỹ (tương đương tăng 19,7% mỗi năm).
Tuy nhiên, nếu so với con số xuất khẩu tôm kỷ lục mà Việt Nam đã ghi nhận vào năm 2022 là 4,3 tỉ đô la Mỹ, thì con số này chỉ tăng 450 triệu đô la Mỹ so với kết quả của năm 2017 (là 3,85 tỉ đô la Mỹ - PV).
Nếu so sánh với kết quả xuất khẩu tôm trong nửa đầu năm 2023, thì càng thấp hơn. Bởi lẽ, thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ, đã giảm hơn 31% so với kết quả của nửa đầu năm 2022.
Còn so với kế hoạch hành động được ban hành tại Quyết định 79 năm 2018 của Chính phủ, thì kết quả xuất khẩu thực tế của ngành tôm Việt Nam đã không hoàn thành.
Cụ thể, quyết định nêu trên của Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó, tôm nước lợ đạt 4,5 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng, năm 2020, ngành tôm chỉ mang về cho Việt Nam 3,78 tỉ đô la Mỹ, tức thấp hơn mục tiêu đến 1,72 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, so với mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ đô la Mỹ, thì khả năng trong hơn hai năm tới ngành tôm cũng không thể đạt đến con số đó. Bởi lẽ, năm ngoái tuy ngành tôm đạt kim ngạch kỷ lục 4,3 tỉ đô la Mỹ, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu lên đến 5,7 tỉ đô la Mỹ (6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 31% so với cùng kỳ- PV).
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó phòng nuôi trồng thuỷ sản, Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sau khi đối chiếu kết quả xuất khẩu của năm 2022 với mục tiêu đề ra vào năm 2025, thì cho rằng đây là con số rất khó khăn cho ngành tôm.
Trong một báo cáo của VASEP được đưa ra hồi tháng 7 năm 2021, đơn vị này cũng chỉ kỳ vọng xuất khẩu tôm vào năm 2025 đạt con số 5,5 tỉ đô la Mỹ, tương đương đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 8%/năm cho cả giai đoạn 2021-2025, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đưa ra 4,5 tỉ đô la Mỹ.
Còn ở khía cạnh sản xuất, ông Hữu cho biết, diện tích và sản lượng nuôi tôm trong 13 năm qua, từ 2010 đến 2023, không có sự đột biến đáng kể nào hay nói cách khác được duy trì ở mức ổn định.
Theo đó, tổng diện tích sản xuất tôm nước lợ đạt khoảng 750.000 héc ta, với sản lượng trên dưới 750.000 tấn. Trong đó, diện tích tôm sú đạt trên dưới 600.00 héc ta với sản lượng khoảng 250.000 tấn và tôm thẻ chân trắng có diện tích nuôi đạt khoảng 121.000 héc ta với sản lượng đạt 600.000 tấn.
Theo ông Hữu, so với mục tiêu Chính phủ giao tại Quyết định 79, thì về diện tích đạt yêu cầu so với mục tiêu đến năm 2025, tuy nhiên, sản lượng nuôi vẫn còn thấp hơn khá nhiều. “Đến năm 2022, về diện tích chúng ta tiệm cận với mục tiêu Thủ tướng chính phủ giao, nhưng sản lượng vẫn thấp hơn khoảng 355.000 tấn”, ông dẫn chứng.
“Nút thắt” vẫn…. còn đó!
Để đạt mục tiêu, Chính phủ cũng đề ra các nhiệm vụ để thực thi, trong đó, đối với nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh yêu cầu: rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi tôm công nghiệp, tôm công nghệ cao, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và duyên hải miền Trung; đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới phục vụ vùng sản xuất cũng như nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước để chủ động phục vụ phát triển ngành công nghiệp tôm; sản xuất đủ giống chất lượng cao (sạch bệnh, tăng trưởng nhanh) phục vụ phát triển công nghiệp; nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tôm bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới…
Trong khi đó, với chế biến và xuất khẩu, Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, phát triển công suất và công nghệ chế biến tôm phù hợp với năng lực sản xuất tôm nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ; áp dụng quy trình quản lý tiên tiến và công nghệ mới vào khâu thu hoạch, vận chuyển, chế biến và bảo quản các sản phẩm tôm để tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành và tăng tỷ trọng mặt hàng giá trị gia tăng…
Tuy nhiên, đứng ở góc độ của người nông dân, việc phát triển nuôi tôm thời điểm hiện nay không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn hơn trước.
Ông Phạm Văn Chu, Nông dân nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, người có khoảng 20 năm gắn bó với con tôm thừa nhận, hiện trình độ kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng để phát triển mô hình nuôi công nghệ cao ngày càng nhiều. Tuy nhiên, điều này khiến môi trường để con tôm phát triển ngày càng đi xuống.
Ông Đặng Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản 30-4 cũng cho rằng, trước đây nuôi tôm rất dễ vì môi trường sạch, nhưng khi nuôi công nghiệp phát triển và mật độ nuôi cao đã tạo áp lực lớn cho môi trường, nhất là về chất thải con tôm thải ra. “Điều này, khiến việc nuôi tôm rất khó khăn, tỷ lệ thành công thấp”, ông cho biết.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú dẫn chứng, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 30% (thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh đến từ Ấn Độ và Ecuador- PV), làm giá thành nuôi tôm Việt Nam cao gấp đôi so với Ecuador và hơn 30% so với Ấn Độ, khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh được so với đối thủ.
Chính vì vậy, để tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu tôm Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải kéo giảm giá thành sản xuất, tức phải nâng tỷ lệ nuôi thành công lên. Đây là một bài toán tổng thể.
Theo đó, bên cạnh cải thiện “nút thắt” về môi trường nuôi như nêu ở trên, thì yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng tôm giống như định hướng đặt ra của Chính phủ.
Tại một hội nghị ngành tôm mới đây, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Rynan Technologies Việt Nam cho rằng, cái gốc vấn đề không phải ở việc nâng cấp hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, mà phải làm sao nước thải đầu ra sạch hơn nước đầu vào, thì mới bền vững.
“Chúng ta cứ tiếp tục thải ra, thì dù anh có làm thuỷ lợi cỡ nào cũng không phát triển được”, ông Mỹ nói và cho rằng, nếu 1.000 trang trại nuôi tôm đều xử lý và tái sử dụng 100% nước thải ra, thì lúc đó sẽ không cần đến hệ thống thuỷ lợi nữa.
Trong khi đó, đối với vấn đề con giống, vốn là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của ngành nuôi tôm, ông Mỹ cho rằng, con giống đứng trước thách thức rất lớn về việc nhiễm bệnh vi bào tử trùng do ký sinh trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP) gây ra.
Theo ông, nhiều đơn vị cung cấp giống có giấy chứng nhận sạch bệnh do các Chi cục thú y xác nhận, nhưng đây chỉ là “hình thức” vì qua một số công nghệ xét nghiệm hiện đại và làm đúng cách vẫn phát hiện tôm giống bị nhiễm bệnh.
Chính vì vậy, quy trình mua tôm giống của Rynan Technologies Việt Nam thay đổi, tức trước khi mua phải cử người đến trại giống để lấy mẫu xét nghiệm. "Chúng tôi có 14 ao, nhưng chỉ thả nuôi được 4-5 ao vì không có giống tôm sạch bệnh", ông nói.
Để bảo vệ người nông dân nuôi tôm, vốn là đối tượng nghèo, không có điều kiện để kiểm tra con giống, ông Mỹ đề nghị, các nhà cung cấp giống cần minh bạch hơn, cơ quan kiểm dịch cần trách nhiệm hơn, nhà khoa học nhập cuộc nhanh hơn và nhà nước cần giám sát tích cực hơn.
Theo ông Quang của Minh Phú, khi tỷ lệ nuôi tôm thành công được nâng lên, thì câu chuyện người nông dân tiếp cận giá thức ăn với chi phí cao sẽ được hoá giải. Bởi lẽ, hiện nông dân không có đảm bảo trả được tiền mua thiếu thức ăn, trong khi rủi ro nuôi tôm rất lớn nên phải mua qua trung gian, khiến giá bán đẩy lên rất cao. “Họ (đại lý bán thứa ăn- PV) dự phòng khả năng có lấy được tiền bán hàng hay không nên giá mới bị đẩy lên 30.000-40.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá chúng tôi tiếp cận”, ông Quang giải thích.
Rõ ràng, khi giá thức ăn nuôi tôm được kéo giảm, tức chi phí sản xuất sẽ giảm. Khi đó, khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam sẽ tốt hơn, đặc biệt là khi trình độ chế biến sâu của các doanh nghiệp tôm Việt Nam vốn đã rất tốt.
Khi các “nút thắt” trong ngành được giải quyết, thì con tôm Việt Nam sẽ từng bước khẳng định được vị thế. Qua đó, sẽ “chinh phục” được mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ như chỉ đạo của Chính phủ trong tương lai.