Chủ Nhật, 18/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Linh hoạt lựa chọn đường đi

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Buổi sáng, bên bàn cà phê, người bạn kể chuyện sở nội vụ một tỉnh nọ ra thông báo tuyển dụng 20 sinh viên tốt nghiệp đại học. Số hồ sơ ứng viên gửi vào lên đến con số 217 mà hầu hết đã qua bậc cao học, nghĩa là ở giai đoạn “hậu trung học”, các ứng viên này đã phải học thêm ít nhất sáu năm.

Liên tưởng đến con số 360.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay không tham gia xét tuyển đại học 35,5%, liệu con đường nào sẽ dẫn các em đến một cuộc sống ổn định ở tương lai, liệu các em có tìm thấy lối đi riêng cho mình giữa bối cảnh bộn bề của thị trường lao động mà nhiều vị trí việc làm vẫn ưa chuộng bằng cấp?

Vì sao giảng đường đại học, từ bậc thang ao ước của bao thế hệ trước, thì nay là cánh cổng khá xa trong quan niệm của nhiều học sinh vừa học xong lớp 12? Quan niệm ấy có thể bắt đầu bằng nhiều lý do: học phí đại học mỗi năm một cao hơn, vượt ngoài tầm với; do thời gian học khá dài khiến vòng quay kiếm tiền trang trải cuộc sống lâu hơn; do lực học không phù hợp; và cả do thực trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn rơi vào cảnh thất nghiệp…

Không khó để nghe một số bạn đã tốt nghiệp đại học bày tỏ sự trăn trở trước cuộc đời rộng lớn. Có người đang lao động trên cánh đồng làng; có người làm việc trong quán ăn; lại có bạn đang sống một cuộc sống gắn với vòng quay của chiếc “xe máy công nghệ”… Nỗi trăn trở chung có thể thấy nơi các bạn ấy là họ đã tiêu tốn của gia đình quá nhiều (có người được gia đình gần như vét sạch tiền cho họ đeo đuổi việc học), nhưng rồi mãi vẫn chưa tìm được việc làm. Người thì đành phải về quê phụ giúp gia đình; người thì lao vào thành phố mưu sinh bằng cách này, cách khác, để ít nhất tự lo được cho bản thân.

Đối chiếu số lượng đào tạo sinh viên đại học cùng chi phí của mỗi sinh viên suốt bốn năm học ít cũng vài ba trăm triệu đồng (chi phí học tập, tiền ăn ở) với tình trạng thất nghiệp, là đã có thể hình dung phần nào lý do vì sao hàng trăm ngàn học sinh từ chối con đường học đại học.

Trên thực tế, có một tỷ lệ khá lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chọn vào các trường cao đẳng để học nghề, ngoài một số chọn con đường xuất khẩu lao động hay đi du học. Đây là một xu hướng lựa chọn ngày càng phổ biến trong vài năm trở lại, bởi thời gian học ngắn hơn, học phí “dễ chịu” hơn và khi ra trường cũng dễ có việc làm hơn. Sự lựa chọn ấy, không thể nói là “chẳng đặng đừng”. Nó xuất phát từ thực tế, phù hợp với hoàn cảnh của một giai đoạn kinh tế khó khăn đang có chiều hướng ảnh hưởng đời sống của rất nhiều gia đình.

Điều đáng chú ý hơn là sự thay đổi quan niệm của xã hội về vấn đề trình độ và năng lực tự thân của mỗi con người. Một khi loại bỏ cách nhìn nhận cũ mòn – phân biệt bằng cấp thái quá (như giữa bậc đại học và bậc cao đẳng) thì sẽ tạo ra một hình thái phân bổ lao động hợp lý hơn, sẽ linh hoạt hơn trong yêu cầu về bằng cấp đối với các hồ sơ tuyển dụng.

Học, suy cho cùng là để “hành”. Người biết nghề, nhiệt tâm với công việc, có tinh thần cầu tiến, cầu thị bền bỉ thì dù ở bất cứ vị trí nào cũng sẽ thành công!

1 BÌNH LUẬN

  1. Đây là trách nhiệm của ai ? Có khi nào những người có trách nhiệm thống kê mỗi năm bao nhiêu người tốt nghiệp đại học, bao nhiêu người tốt nghiệp trường dạy nghề, tỉ lệ là bao nhiêu. Tôi chỉ biết trong các công ty xí nghiệp, cần người có bằng đại học làm đúng nghề đã học và người công nhân có nghề trung cấp này tỉ lệ chênh lệch rất cao, đa số là cần công nhân lành nghề , một trăm người chỉ cần chừng mười người có bằng đại học . Chưa kể trong các trường Đại học, sinh viên học ngành quản trị kinh doanh chiếm tỉ lệ rất cao, tôi có mấy đứa cháu tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh rồi làm nhân viên bán hàng ở siêu thị, địa ốc, bảo hiểm v.v. Sao lại cho phép các trường đại học đào tạo số lượng lớn sinh viên ngành quản trị kinh doanh dù nhu cầu ngành này không có nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới