Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những con số đẹp, đẹp đến… nghi ngờ?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những con số về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp do các trường đại học đưa ra gần đây không khỏi khiến công luận phải đặt dấu hỏi về tính chính xác, độ trung thực của số liệu được công bố.

Cách đây không lâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT và thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 13-6 tới. Trong thông tư số 10 có quy định chỉ tiêu tuyển sinh đại học của các ngành đào tạo không được tăng nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành đó có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng đạt dưới 80%.

Để đáp ứng quy định này, một loạt các trường đại học đã công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm với những con số đẹp như trong mơ. Báo Tuổi Trẻ ngày 5-6-2023 dẫn số liệu báo cáo cho thấy tỷ lệ công bố của một số trường như sau: Đại học Hoa Sen 94-98,8%; Đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM hơn 94%; Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM hơn 94%; Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM hơn 97,31%; Đại học Tài chính – Marketing gần 93%; Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) gần 93%.

Đặc biệt có hai trường là Đại học Giao thông vận tải TPHCM và Đại học Kiến trúc TPHCM, tỷ lệ này rất tròn trĩnh: 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm, tính trên số sinh viên trả lời khảo sát.

Nhìn vào thực tế thị trường lao động hiện nay, con số lại không đẹp, không tròn trĩnh như vậy. Tình hình làm ăn của các doanh nghiệp rất khó khăn, nhu cầu tuyển dụng không nhiều trong hai năm gần đây.

Không cần đi đâu xa, chỉ cần hỏi các shipper chạy xe ôm công nghệ chở khách, giao hàng hay các nhân viên phục vụ bàn trong các quán ăn, quán cà phê hiện nay sẽ biết, trong số này có không ít sinh viên đã ra trường đang phải làm tạm vì chưa tìm được việc đúng chuyên môn, phù hợp ngành học. Những trường hợp này đâu thể tính là “có việc làm” được?

Ai cũng biết, kết quả khảo sát phụ thuộc rất nhiều vào cách lấy mẫu và đặt câu hỏi. Một cuộc khảo sát phải bảo đảm tính khoa học về số người tham gia và chất lượng câu hỏi. Vì vậy, khi đọc những con số đẹp như mơ do các trường đại học tự công bố, thắc mắc đầu tiên là: Các trường đã tổ chức khảo sát trên bao nhiêu sinh viên? Tỷ lệ sinh viên được khảo sát là bao nhiêu phần trăm so với tổng số sinh viên đã ra trường? Có bao nhiêu phần trăm sinh viên phản hồi khi được liên hệ khảo sát?

Thắc mắc tiếp theo là những thông tin chi tiết còn thiếu về việc làm trong khảo sát: Người trả lời khảo sát có việc làm nhưng họ đang làm công việc gì? Việc làm có đúng chuyên môn đã học hay không? Thời gian họ có việc làm là bao lâu? Thu nhập từ công việc đang làm như thế nào?

Thiếu hàng loạt chi tiết như đã nêu trên thì kết quả khảo sát khó thuyết phục được về độ chính xác, độ tin cậy. Một cựu lãnh đạo trường đại học nói thẳng: “khi nào mà báo cáo việc làm có địa chỉ làm việc của từng sinh viên thì mới hy vọng có số liệu thực”(1).

Việc dựa vào số liệu các trường công bố để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường vừa không thực tế, không chính xác. Đầu vào tuyển sinh đã không chính xác thì hậu quả tất yếu là đào tạo ra khó tìm được việc làm, gây thiệt hại cho người học và tốn kém cho xã hội.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định chặt chẽ về việc khảo sát để tránh những kết quả không chính xác. Thay vì để cho các trường “tự biên tự diễn”, cần có các đơn vị độc lập thực hiện khảo sát để bảo đảm tính khoa học, độ chính xác.

————–

(1) https://tuoitre.vn/sinh-vien-co-viec-lam-dat-100-vi-tinh-ca-chay-xe-om-bung-be-o-quan-20230604223511954.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới