(KTSG) - Một nhóm thanh niên gồm 16 người đệ đơn kiện chính quyền tiểu bang Montana, Mỹ, do đã không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân trước hiện tượng biến đổi khí hậu, trong khi vẫn duy trì những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuần trước, nhóm thanh niên này thắng kiện khi thẩm phán tuyên tiểu bang đã không xem xét đầy đủ tác động lên biến đổi khí hậu khi phê duyệt các dự án liên quan đến năng lượng hóa thạch.
- Canada ưu tiên hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu
- Cơn cuồng nộ của khí hậu đe dọa biến Athens thành sa mạc
Thoạt nhìn, tưởng đâu câu chuyện này chỉ mang tính biểu tượng, là một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người khi biến đổi khí hậu đang gây ra các vụ cháy rừng lan rộng khắp nơi, thời tiết cực đoan với các đợt nắng nóng kinh người, các trận lũ lụt tàn phá nhiều vùng, có nơi khô hạn gay gắt, có nơi mưa dầm dề gây ngập lụt. Vụ kiện xem như một yêu cầu chính thức từ thế hệ trẻ đặt ra cho những người có trách nhiệm, rằng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ quyền được sống trong yên bình của các thế hệ tương lai.
Thế nhưng trên thực tế, vụ kiện đặt lại một vấn đề rất quan trọng trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu: trách nhiệm của các địa phương đến đâu khi họ chỉ là một thành phần rất nhỏ so với quy mô toàn cầu của vấn đề. Văn phòng công tố Montana cho biết, họ sẽ kháng án lên Tòa án Tối cao của tiểu bang vì không thể đổ lỗi cho một mình Montana gây ra biến đổi khí hậu. Họ nói phán quyết của tòa cho rằng chính quyền Montana phải cân nhắc thiệt hại cho khí hậu khi phê duyệt các dự án đầu tư là rất chung chung, khó lòng áp dụng trong thực tế. Họ lập luận, nếu Montana ngưng phát thải, không còn chút khí CO2 nào cũng không thay đổi được tình hình.
Montana có 5.000 giếng khai thác khí đốt, 4.000 giếng khai thác dầu mỏ, bốn nhà máy lọc dầu và sáu mỏ than đá. Than đá cung cấp đến một phần ba năng lượng sử dụng ở tiểu bang này. Trong phán quyết, thẩm phán Kathy Seeley viết: Montana là “nguồn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả về số lượng tuyệt đối cũng như tính trên đầu người”. Nếu tính tổng cộng số lượng nhiên liệu hóa thạch đã khai thác, đốt cháy, xử lý và xuất khẩu tại tiểu bang thì Montana chịu trách nhiệm cho lượng khí carbon dioxide thải ra bằng cả Argentina, Hà Lan hay Pakistan. Tòa cho rằng phát thải của tiểu bang đóng vai trò là một yếu tố đáng kể tác động lên khí hậu, cho nên tiểu bang đặt ra các luật lệ hạn chế việc xem xét tác động lên khí hậu trong quá trình cấp phép là vi hiến.
Từ năm 2011, Montana thông qua các luật ngăn cản quan chức, khi đánh giá tác động lên môi trường của các dự án lớn, không được xem xét các tác động quy mô vùng, quốc gia hay toàn cầu. Tháng 5 năm nay, ngành lập pháp của tiểu bang đã cập nhật luật để nói rõ hơn: cấm tiểu bang đánh giá phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và các tác động liên quan lên khí hậu tại tiểu bang và bên ngoài ranh giới tiểu bang khi phê duyệt dự án mới. Phán quyết của tòa nay lật ngược tình hình, buộc Montana phải cân nhắc tác động lên khí hậu với mọi dự án đầu tư.
Vấn đề thứ nhì, vụ kiện đặt ra là sự khẳng định hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu, vì hiện nay vẫn còn một tỷ lệ lớn người dân cho rằng biến đổi khí hậu là chu kỳ hoạt động của trái đất, không liên quan đến con người. Trong quá trình xét xử, nhiều nhà khoa học về khí hậu đã ra làm chứng, trình bày các dữ liệu cho thấy hoạt động của con người tạo ra khí thải, từ đó gây ra biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan từ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc sống của con người. Các thanh niên đứng đơn kiện kể về các tác động họ chứng kiến, như khí hậu biến đổi đã đe dọa như thế nào tới trang trại của họ, sông suối nóng lên làm cá dần biến mất, cháy rừng làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn Họ cũng kể về tác động xấu của biến đổi khí hậu lên sức khỏe tinh thần cũng như sự bất an về một tương lai bất ổn do môi trường suy sụp.
Vụ kiện này thật ra chỉ là một phần trong một phong trào rộng khắp thế giới, khi nhiều tổ chức và cá nhân khởi kiện các doanh nghiệp dầu khí và chính quyền địa phương liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhiều nơi kiện các hãng Shell, Exxon, Chevron đòi bồi thường cho các thảm họa khí hậu khi cho rằng các hãng dầu khí đã biết từ nhiều thập niên nay sản phẩm của họ gây tình trạng trái đất nóng lên, nhưng không làm gì cả. Họ cũng kiện nhiều chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành năng lượng hóa thạch và không bảo vệ được người dân trước tác động của biến đổi khí hậu. Vụ kiện Montana là vụ đầu tiên được đưa ra xử, có thể trở thành tiền lệ cho hàng loạt vụ khác đang được thụ lý.