(KTSG Online) - Từ đầu năm đến nay đã có ít nhất bốn văn bản pháp luật của các cơ quan cấp bộ đã hoặc sắp ban hành phải điều chỉnh, cập nhật theo yêu cầu Chính phủ. Điều đáng nói là các văn bản này trong quá trình từ dự thảo đến ban hành đã nhận được nhiều kiến nghị sửa đổi nhưng không được giải quyết, chỉ đến khi cộng đồng doanh nghiệp "cầu cứu" lên Chính phủ thì mới có kết quả.
- Doanh nghiệp đuối sức vì những tiêu chuẩn ‘cao hơn thế giới’
- Ba năm, bốn lần thay đổi quy chuẩn PCCC, làm sao doanh nghiệp trở tay?
Mới đây nhất, tối ngày 23-8, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9-2023.
Việc ngưng áp dụng Thông tư 06 khi chỉ còn vài ngày là có hiệu lực (1-9-2023) diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành văn bản số 756/TTg-KTTH vào chiều ngày 23-8, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư 06.
Theo văn bản nói trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trước ngày 26-8 phải rà soát, sửa đổi Thông tư số 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân và không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau(1). Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng trong Thông tư 06 có một số quy định bất hợp lý, chưa sát thực tế, chưa đồng bộ với một số quy định pháp luật khiến doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà rất khó tiếp cận được tín dụng.
Hồi tháng 5 năm nay, Bộ Xây dựng cũng đã phải ban hành quyết định hỏa tốc về việc sửa đổi và ban hành Quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) thay thế cho QCVN 06:2022/BXD dù bộ quy chuẩn này mới ban hành và có hiệu lực từ đầu năm 2023. Đây cũng là kết quả từ việc doanh nghiệp kêu cứu đến Chính phủ và Quốc hội phải tiến hành giám sát việc triển khai QCVN 06.
Quá trình lấy ý kiến sửa đổi cho thấy, dù đã sửa đổi đến lần thứ ba trong ba năm liên tiếp, bộ quy chuẩn này vẫn còn quá phức tạp, khó hiểu và còn một số tiêu chuẩn đòi hỏi quá cao, còn nhiều điểm không thực tế. Hệ luỵ phát sinh là tình trạng có nhiều cách hiểu khi áp dụng và làm phát sinh bất đồng ý kiến giữa doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của Nhà nước.
Còn vào giữa tháng 8 này, Bộ Khoa học và Công nghệ bị doanh nghiệp phản đối và khiếu nại lên Chính phủ vì các góp ý, kiến nghị của họ không được lắng nghe và báo cáo đầy đủ. Trước đó, hồi giữa tháng 7, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cuộc đối thoại với 33 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép không gỉ (inox) để tháo gỡ những kiến nghị liên quan những bất cập của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019.
Theo các doanh nghiệp, do áp dụng Quy chuẩn 20:2019 từ đầu năm 2023 họ bị sụt giảm sản lượng, kinh doanh khó khăn này vì các quy định mà theo họ là bất hợp lý. Trong khi nhiều câu hỏi của doanh nghiệp nêu ra tại cuộc họp chưa được trả lời thì báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Chính phủ đã không thể hiện điều này dẫn đến việc doanh nghiệp lại phải "gõ cửa" Chính phủ(2).
Ngoài ba văn bản trên thì trong năm nay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành dự thảo về định mức chi phí tái chế (Fs), cộng đồng doanh nghiệp cũng liên tục lên tiếng đề nghị sửa đổi cho phù hợp thực tế. Đầu tuần này, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã đồng loạt kiến nghị vì theo họ là Fs quá cao. Theo các hiệp hội này, một số định mức thậm chí còn cao hơn cả mức bình quân thế giới đến mấy lần. Doanh nghiệp cho biết họ ủng hộ việc tái chế bao bì để bảo vệ môi trường nhưng cần điều chỉnh định mức Fs cho phù hợp thực tế(3).
Tình trạng ban hành các quy định, quy chuẩn không phù hợp thực tế, gây khó khăn cản trở cho công việc kinh doanh hay thậm chí gây thiệt hại cho doanh nghiệp như các văn bản nói trên cần sớm chấm dứt. Việc doanh nghiệp liên tục "cầu cứu" Chính phủ cho thấy các cơ quan cấp bộ chưa hoàn thành tốt công việc trong phạm vi chuyên môn của mình.
Các cơ quan quản lý cấp bộ cần lắng nghe và cầu thị hơn trong quá trình lấy ý kiến khi soạn thảo văn bản thông qua đối thoại với doanh nghiệp. Không thể cứ ban hành rồi lại thu hồi chỉnh sửa khi Chính phủ "thổi còi", vì quá trình thay đổi thông qua kiến nghị vẫn làm tốn kém công sức, tiền bạc của doanh nghiệp, gây ra những lãng phí không đáng có cho nền kinh tế đất nước.
--------------------
(1) https://www.vietnamplus.vn/tam-ngung-mot-so-khoan-tai-thong-tu-06-ve-hoat-dong-cho-vay/890776.vnp
(2) https://tuoitre.vn/ky-la-mot-cuoc-doi-thoai-dung-de-doanh-nghiep-chet-dung-2023081008462715.htm
(3) https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-duoi-suc-vi-nhung-tieu-chuan-cao-hon-the-gioi/
Cách làm lâu nay vẫn là, văn bản/ quyết sách thì cứ ban hành, kiến nghị/ kêu cứu cứ việc tự nhiên. Trừ khi có ý kiến lãnh đạo cấp cao một cách quyết liệt thì may ra mới có động tĩnh xem xét giải quyết vấn đề. Mọi thứ đều rối ren và chậm chạp. Kiểu làm này xem ra chả có tính pháp quyền/ dân chủ/ văn minh chút nào. Cần thiết phải có một định chế trung lập, như một cơ quan trọng tài/ tòa án có đủ thẩm quyền, xem xét hậu quả/ lợi hại, đưa ra phán quyết chung cuộc, kể cả phải có hình thức đền bù/ cải chính/ xin lỗi công khai… Khi đó, người tham mưu ban hành/ ký văn bản, cũng như người chấp hành cơ chế chính sách, đều thực sự bình đẳng trước pháp luật, công quyền.