(KTSG) - Xét một cách tổng thể, các doanh nghiệp mía đường trong nước đang có vị thế thuận lợi nhất định để đón nhận cơ hội từ diễn biến tăng của giá đường thế giới sau thông tin Ấn Độ có thể cấm xuất khẩu mặt hàng này.
- Tương lai mờ mịt cho ngành mía đường miền Tây
- ‘Ông lớn’ ngành mía đường miền Tây lỗ kỷ lục sau gần 20 năm cổ phần hóa
Thông tin hỗ trợ bất ngờ
Trong tuần giao dịch trước, một trong những nhóm cổ phiếu giao dịch nổi bật nhất là mía đường, đặc biệt vào phiên sáng 24-8-2023 khi nhóm cổ phiếu ngành này đua nhau tăng tốc với sắc tím bao phủ. Nổi bật nhất là SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC-BH) - cổ phiếu ngành mía đường có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, khi bất ngờ tăng hết biên độ với dư mua trần lên tới 1,2 triệu đơn vị, thanh khoản cũng tăng vọt hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ sau hơn một tiếng giao dịch. Cổ phiếu LSS của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) và KTS của Công ty cổ phần Đường Kon Tum cũng đồng loạt tăng lên mức giá trần, trắng bên bán. SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La và QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi không nằm ngoài xu hướng tăng khi cùng bứt phá 6,9%.
Sự bùng nổ của cổ phiếu ngành đường diễn ra sau thông tin Ấn Độ dự kiến cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10-2023. Động thái tạm dừng xuất khẩu này của Ấn Độ diễn ra lần đầu tiên sau bảy năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía. Trọng tâm chính của New Delhi là đáp ứng nhu cầu đường trong nước và sản xuất ethanol từ mía dư thừa. Trong niên vụ sắp tới, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu. Theo đó, Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại tính đến ngày 30-9-2023, sau khi cho phép các doanh nghiệp bán kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ trước. Năm 2016, Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với xuất khẩu đường để hạn chế doanh số bán ra nước ngoài.
Mặc dù đang được hưởng lợi từ những thông tin ngắn hạn gần đây nhưng xét lại niên độ tài chính vừa qua (bắt đầu từ ngày 1-7 năm trước và kết thúc vào ngày 30-6 năm sau) thì có thể thấy bức tranh kinh doanh ngành mía đường đang khá phân hóa.
Lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu khiến giá đường tiếp tục neo ở mức cao nhất 11 năm. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá đường thô thế giới hiện đạt khoảng 25 US cent/pound, tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm nay. Giá bán đường thế giới duy trì mức cao là một trong những luồng thông tin tích cực góp phần giúp cổ phiếu nhóm mía đường bùng nổ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước dự kiến đạt khoảng 871.000 tấn, tăng 16,6% cho niên độ 2022-2023. Cùng với đó, giá đường trong nước được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm hai phần ba nguồn cung đường của Việt Nam.
Kỳ vọng ở niên độ tài chính mới
Mặc dù đang được hưởng lợi từ những thông tin ngắn hạn nêu trên nhưng xét lại niên độ tài chính vừa qua (bắt đầu từ ngày 1-7 năm trước và kết thúc vào ngày 30-6 năm sau) thì có thể thấy bức tranh kinh doanh ngành mía đường đang khá phân hóa.
Điển hình như tại Lasuco, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quí 4 niên độ 2022-2023 là 721 tỉ đồng và 5,2 tỉ đồng, giảm 5,9% và 78% so với cùng kỳ niên độ trước. Lý do khiến lợi nhuận của Lasuco giảm mạnh là do giá vốn giảm ít hơn mức giảm của doanh thu (3,2% so với 5,9%), khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 49,6 tỉ đồng, giảm 31%. Trong khi đó, chi phí quản lý tăng 25,3%. Lũy kế cả niên độ 2022-2023, Lasuco đạt doanh thu 1.807 tỉ đồng, giảm 11,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỉ đồng, giảm 50,6%.
Tương tự, TTC-BH cho hay, lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quí 4 niên độ 2022-2023 giảm 66%, dù doanh thu hợp nhất tăng 24% so với cùng kỳ niên độ trước. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, Đường Quảng Ngãi ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao. Trong sáu tháng đầu năm 2023, công ty đạt doanh thu 5.298 tỉ đồng, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế 1.028 tỉ đồng, tăng 90%. Theo Đường Quảng Ngãi, sản lượng tiêu thụ sản phẩm sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo giảm nhẹ, nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí nên lợi nhuận các sản phẩm này tương đương cùng kỳ. Trong khi đó, không ít sản phẩm khác có diễn biến khả quan như đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%; điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35%, doanh thu tăng 39%; nha có sản lượng tiêu thụ tăng 13%, doanh thu tăng 14%.
Hai doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao là Mía đường Sơn La và Đường Kon Tum. Cụ thể, quí 4 niên độ 2022-2023, Mía đường Sơn La đạt doanh thu 550 tỉ đồng, tăng 152%; lợi nhuận sau thuế 225 tỉ đồng, tăng 261%. Lũy kế toàn niên độ 2022-2023, công ty đạt doanh thu hơn 1.676 tỉ đồng, tăng 93%; lợi nhuận sau thuế 523 tỉ đồng, tăng 179%. Đây là mức lãi kỷ lục của Mía đường Sơn La nhờ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động chế biến nông sản tại tỉnh Sơn La (địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Còn Đường Kon Tum đạt doanh thu gần 289 tỉ đồng, lợi nhuận 24 tỉ đồng trong quí 4 niên độ 2022-2023, lần lượt gấp 6 lần và 7 lần so với cùng kỳ niên độ trước. Lũy kế cả niên độ 2022-2023, công ty đạt doanh thu 548 tỉ đồng, tăng 210%; lợi nhuận sau thuế 38 tỉ đồng, tăng 377%.
Về việc có thể hưởng lợi từ diễn biến tăng của giá đường thế giới sau thông tin Ấn Độ có thể cấm xuất khẩu mặt hàng này, xét một cách tổng thể, các doanh nghiệp mía đường trong nước đang có vị thế thuận lợi nhất định để đón nhận cơ hội này.
Cụ thể, Đường Quảng Ngãi hiện có Nhà máy đường An Khê, công suất ép mía đạt 18.000 tấn/ngày, dây chuyền sản xuất đường tinh luyện có công suất 1.000 tấn đường/ngày. Công ty này có diện tích mía đường lớn thứ hai (30.000 héc ta) và chiếm 13% thị phần đường cả nước. Trong khi đó, Đường Sơn La có công suất chế biến 5.000 tấn đường/ngày, cung cấp ra thị trường khoảng 60.000 tấn đường/năm, diện tích mía đường 9.000 héc ta. Tỷ lệ chuyển đổi mía sang đường của công ty cao nhất cả nước, ở mức 114 ki lô gam đường/tấn mía (các công ty khác là 100 ki lô gam đường/tấn mía), giúp hạ giá thành sản xuất. Tại Lasuco, công ty có quy mô sản xuất đứng thứ ba cả nước, với hai nhà máy, công suất khoảng 7.000 tấn/ngày, diện tích trồng mía 15.000 héc ta và chiếm 10% thị phần đường cả nước. Trong khi đó, TTC - BH đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường đường nội địa với 46% thị phần và có quyền sử dụng 68.000 héc ta đất nông nghiệp ở bốn quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Úc, giúp tự chủ được 52% nhu cầu nguyên liệu. Trên cơ sở đó, có thể kỳ vọng ngành mía đường sẽ trải qua niên độ tài chính 2023-2024 với triển vọng tích cực hơn.