(KTSG Online) - Tại hội nghị cấp cao của khối các nền kinh tế G20, khai mạc hôm nay (9-9) ở Ấn Độ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhất trí dự án hành lang vận chuyển đường sắt và đường biển mới, kết nối Ấn Độ với Trung Đông và sau đó là châu Âu. Dự án được kỳ vọng là yếu tố có thể thay đổi cuộc chơi cho thương mại toàn cầu và được thiết kế nhằm chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các quốc gia Arab.
- Cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ thúc đẩy đầu tư hạ tầng ở nước ngoài
- So sáng kiến kết nối toàn cầu của EU và Trung Quốc
Financial Times đưa tin Mỹ và EU sẽ hỗ trợ phát triển hành lang vận chuyển đường sắt và tàu biển kết nối nối Ấn Độ với Trung Đông và xa hơn nữa. Đây là dự án cơ sở hạ tầng chạy qua Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), có thể thách thức sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.
Dự án nhằm mục đích kết nối Saudi Arabia, UAE và có thể cả Israel bằng đường sắt, sau đó, sử dụng vận tải đường biển để đưa hàng hóa đến Ấn Độ và châu Âu. Dự án nằm trải dài trên một số nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng khoảng cách hơn 4.800 km.
Các quan chức Mỹ cho biết dự án dự kiến được công bố hôm 9-9 tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, thông qua một bản ghi nhớ được các nhà lãnh đạo bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí.
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận này đã diễn ra bí mật giữa các nước liên quan trong nhiều tháng qua/ Một quan chức cấp cao của phương Tây tham gia đàm phán cho biết không có cam kết tài chính ràng buộc nào được đưa ra.
“Hành lang vận chuyển mới sẽ cho phép dòng chảy thương mại, năng lượng và dữ liệu từ Ấn Độ xuyên qua Trung Đông đến châu Âu”, Jon Finer, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói với các phóng viên, và cho biết thêm điều này sẽ giúp gia tăng sự thịnh vượng của các nước liên quan.
Finer tiết lộ, Ấn Độ, Mỹ, Saudi Arabia, UAE, EU và một số nước thành viên khác của G20 sẽ ký bản ghi nhớ về dự án hành lang vận tải đường biển và đường sắt nói trên.
Đối với Mỹ, dự án này có thể đóng vai trò chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông,vào thời điểm các đối tác Arab truyền thống của Washington, gồm UAE và Saudi Arabia thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc châu Á khác.
“Trung Quốc là một yếu tố để Mỹ ủng hộ dự án này. Mỹ cũng đang cố gắng tái tập trung sự chú ý vào khu vực, trấn an các đối tác truyền thống và duy trì ảnh hưởng”, một nguồn thạo tin nói.
Các quan chức EU cho biết, vai trò của EU trong thỏa thuận trên được đàm phán trong chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tới Abu Dhabi, thủ đô UAE hôm thứ 7-9.
Họ nói thêm, sự hợp tác này là một phần trọng tâm trong nỗ lực của EU nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các nước vùng Vịnh Ba Tư.
EU đã dành phân bổ ngân sách lên tới 300 tỉ euro cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài từ năm 2021 đến năm 2027 thông qua dự án Global Gateway. Dự án nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của châu Âu ở các đối tác thương mại quan trọng.
Cả Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới và UAE, trung tâm tài chính của Trung Đông, đều đang tìm cách trở thành trung tâm thương mại và hậu cần quan trọng giữa Đông và Tây.
Tuy nhiên, trước đây, các dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới đầy tham vọng ở thế giới Arab ít thu hút được sự chú ý, bao gồm mạng lưới đường sắt dài 2.117 km kết nối sáu thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain). Mạng lưới này chỉ mới được xây dựng một phần sau khi được công bố hơn một thập niên trước.
Finer nhận định, việc phát triển hành lang vận chuyển Ấn Độ-Trung Đông phù hợp với nỗ lực của Nhà Trắng nhằm căng thẳng và xung đột, đồng thời tăng cường kết nối trong khu vực. Mỹ đang thúc đẩy Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel. Các nguồn tin cho hay, nếu một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của hai nước này được ký kết, Israel có thể tham gia dự án đường sắt kết nối Ấn Độ và Trung. Trước đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thảo luận về khả năng xây dựng một tuyến đường sắt nối Israel với Saudi Arabia
Dự án vận chuyển mới cũng nhằm mục đích cạnh tranh với các cơ sở hạ tầng do Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tài trợ, vốn bị chỉ trích là thiếu minh bạch và khiến các nước nghèo hơn rơi vào “bẫy nợ”.
“Chúng tôi thấy dự án có sức hấp dẫn cao đối với các nước liên quan và cả trên toàn cầu vì nó có tiêu chuẩn cao và không mang tính ép buộc . Chúng tôi không cố gắng áp đặt bất cứ điều gì lên bất kỳ ai”, Finer nói.
Theo Financial Times, Times of Israel