Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bàn giải pháp bền vững cho kinh tế những tháng cuối năm

L.Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Triển khai Nghị quyết 98 theo kế hoạch dự kiến, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung và lập quy hoạch kinh tế - xã hội, tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, kích cầu tiêu dùng nội địa, chuẩn bị các kịch bản về an sinh xã hội, xác định kinh tế xanh - chuyển đổi xanh là năng lực cạnh tranh mới... là các giải pháp quan trọng mà TPHCM đặt ra cho những tháng cuối năm.

Những giải pháp này sẽ được bàn thảo tại phiên họp của UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho quí 4-2023, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29-9 tới.

Sản xuất của một doanh nghiệp tại TPHCM. Ảnh minh họa: TL

Nhìn tổng thể trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà giảm tốc, TPHCM đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái với tốc độ tăng trưởng qua các quí đều tăng, quí sau cao hơn quí trước.

Chuẩn bị nội dung cho phiên họp nói trên, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đánh giá, tiếp cận ở mức độ tổng cung, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố trong 9 tháng tăng nhẹ phù hợp với mức cải thiện hàng tháng kể từ tháng 5-2023. Ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định, sẽ có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí...

Thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu tích cực; với lãi suất cho vay hợp lý, lãi suất cho vay thấp, hạn mức tín dụng tăng đã và đang kích thích doanh nghiệp vay vốn, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

Tiếp cận ở góc độ tổng cầu, theo Viện nghiên cứu Phát triển thành phố, cầu tiêu dùng hàng hóa thành phố giữ đà tăng trưởng qua các quí, đã khởi sắc hơn trong 9 tháng năm 2023, kỳ vọng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giữ đà do tác động từ việc tăng lương cơ sở.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thành phố là đầu tư công; bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài đang có chiều hướng tăng. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 9 tháng năm 2023 cũng tăng so với cùng kỳ. Và đây cũng là một trong những động lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng thành phố.

TPHCM đứng vị trí thứ 2 về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI), dẫn đầu về chỉ số phát triển hạ tầng số, đi đầu trong cải cách thể chế và triển khai chính quyền số. Tỷ trọng GRDP kinh tế số trên 18,66% và xếp thứ 7 trên cả nước.

Mặc dù vậy, theo Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, xuất nhập khẩu thành phố vẫn chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của nền kinh tế thế giới do tổng cầu giảm mạnh tại một số thị trường đối tác chủ lực của thành phố, giá các mặt hàng xuất nhập khẩu giảm.

Mặt khác, trong những tháng cuối năm 2023, không kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng mạnh như những năm trước do áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn kéo dài đến cuối năm.

Về thị trường bất động sản, nhìn chung đã ấm lên song cũng có những bất cập cần lưu ý là sự mất cân đối về nguồn cung.

Mặt khác, dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, nhưng tốc độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan; vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục. Thêm vào đó, đầu tư từ khu vực tư nhân còn khá thấp.

Tình trạng cắt giảm lao động do nguy cơ đơn hàng xuất khẩu có chiều hướng giảm. Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy là nguy cơ chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực phi chính thức, xuất hiện vấn đề di cư ngược, nguy cơ tăng mâu thuẫn mối quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, các vấn đề tệ nạn xã hội, gánh nặng an sinh xã hội.

Cơ quan này dự báo rằng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với không ít các khó khăn như khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19; các vấn đề về tài chính như khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp.

Ngoài ra, chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu...

Về nhiệm vụ và giải pháp cho những tháng cuối năm, đó là cần triển khai Nghị quyết 98 theo kế hoạch dự kiến; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gắn Nghị quyết 98 với quy hoạch chung TPHCM và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 – 2030.

Ngoài ra là tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa; phục hồi niềm tin doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Việc chuẩn bị các kịch bản về an sinh xã hội; kinh tế xanh - chuyển đổi xanh, kinh tế số trở thành một năng lực cạnh tranh mới của kinh tế thành phố...

Những giải pháp thành phố đã thực hiện

- Thông qua 9 Nghị quyết triển khai nội dung cụ thể Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.

- Khởi công 3 dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

- Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và Dự án Khu đô thị lấn biển tại huyện Cần Giờ.

- Triển khai nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân

- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản.

- Tổ chức các Đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì đến làm việc nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới