Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điện Kremlin hục hặc với các công ty dầu mỏ trong nước

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nga, một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đột nhiên chứng kiến nguồn cung nhiên liệu cạn kiệt ở thị trường trong nước. Tình trạng thiếu hụt này đẩy cao căng thẳng giữa Điện Kremlin và các công ty dầu mỏ của Nga.

Các bồn chứa nhiên liệu của một nhà máy lọc dầu của Rosneft Oil ở vùng Samara, tây nam Nga. Ảnh: TASS

Căng thẳng giữa Điện Kremlin và các công ty dầu mỏ trong nước lên đến đỉnh điểm khi giá nhiên liệu tăng vọt, đặc biệt là ở các trung tâm nông nghiệp phía nam của đất nước, khiến Moscow gần đây bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu.

Lệnh cấm giúp giá cả nhiên liệu trong nước giảm, mang lại sự nhẹ nhõm cho các doanh nghiệp Nga. Không giống như năm 2022, khi Moscow cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên để gây tổn thương châu Âu, lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu lần này nhằm hạn chế hậu quả kinh tế và chính trị do giá cả tăng cao ở trong nước do nguồn cung khan hiếm.

Cú sốc về nguồn cung nhiên liệu trong nước cho thấy chi phí kinh tế liên quan đến chiến sự Ukraine ngày càng tăng.

Chính phủ và các công ty dầu mỏ Nga, đại diện cho ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước, đang mâu thuẫn về sự cân bằng giữa ưu tiên kiếm lợi nhuận và sự ổn định của thị trường năng lượng trong nước.

Các công ty dầu mỏ Nga gần đây nhận khoản hỗ trợ trị giá hàng tỉ đô la để khuyến khích họ bán thêm nhiên liệu cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, giờ đây, Điện Kremlin dường như muốn gây áp lực nhiều hơn để họ ưu tiên nguồn cung trong nước mà không phải trả tiền để họ làm điều đó.

Theo các nguồn thạo tin, Rosneft Oil gần đây đã sa thải Giám đốc giao dịch Marat Zagidullin. Nikita Pakulin và Andrey Dobrykov, hai lãnh đạo bộ phận kinh doanh hóa chất của Rosneft Oil, cùng Giám đốc tài chính Alexander Polykov cũng bị sa thải.

Các nguồn tin giải thích, các quyết định sa thải nói trên xuất phát từ áp lực của Rosneft Oil buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, một phần là để chấm dứt màn đổ lỗi ở Moscow. Dù các vị trí lãnh đạo ở Rosneft Oil biến động thường xuyên, nhưng sự thay đổi gần đây là bất thường.

Rosneft Oil cho biết động thái luân chuyển nhân sự trong công ty chỉ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động vì lợi ích của cổ đông. Chính phủ Nga tìm cách hạn chế các khoản thanh toán cho các công ty dầu mỏ trong bối cảnh với tình trạng lạm phát phi mã, đồng rúp yếu và thiếu lao động.

Các khoản thanh toán này, được gọi là “bộ giảm xóc”, bù đắp một phần cho các công ty như Rosneft Oil để họ bán nhiên liệu trên thị trường nội địa. Bán hàng trong nước thường mang lại lợi nhuận thấp hơn nhiều so với xuất khẩu vì Moscow yêu cầu các nhà cung cấp nhiên liệu hạn chế tăng giá bán lẻ.

Các công ty dầu mỏ của Nga như Rosneft Oil, Gazprom Neft và Lukoil vừa khoan và khai thác dầu thô, vừa vận hành hoạt động lọc dầu.

Moscow đã chi ra những khoản bồi thường khổng lồ cho các doanh nghiệp dầu mỏ sau chiến sự Ukraine nhờ giá năng lượng quốc tế tăng vọt và sự trượt giá của đồng rúp. Điều đó góp phần giúp lợi nhuận của Rosneft tăng gần 10% vào năm 2022 nhưng lại khiến hao hụt tài chính công và góp phần gây thâm hụt ngân sách của Điện Krenlin.

Theo các nhà phân tích của Citigroup, trước đại dịch Covid-19, chính phủ Nga chỉ chuyển 400 triệu đô la mỗi tháng cho các công ty dầu mỏ. Sau chiến sự Ukraine, chính phủ đã chuyển tới 2,7 tỉ đô la mỗi tháng cho họ. Con số này tương đương 20% ngân sách hàng năm của Bộ Năng lượng Nga.

Chính phủ Nga đã cắt giảm một nửa các khoản thanh toán giảm xóc trong tháng 9. Điều này vấp phải phản ứng của các công ty dầu mỏ. Các nhà phân tích cho biết, họ đã xuất khẩu nhiều dầu thô và sản phẩm nhiên liệu ra nước ngoài, đồng thời đóng cửa một số nhà máy lọc dầu lâu hơn bình thường để hạn chế bán nhiên liệu cho thị trường trong nước.

Nguồn cung nhiên liệu trong nước càng suy giảm hơn nữa khi các thương nhân độc lập mua nhiên liệu trên thị trường bán buôn Nga để xuất khẩu với giá cao hơn.

Moscow đã can thiệp bằng cách cấm hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu diesel và xăng vào tuần trước. Lệnh cấm này, nếu kéo dài, sẽ tác động lớn đến nguồn cung nhiên liệu toàn cầu. Theo UBS Group, Nga chiếm khoảng 15% thị trường diesel vận chuyển bằng đường biển quốc tế..

Các nhà phân tích của Capital Economics nhận định, lệnh cấm sẽ làm tăng giá dầu thô vì các nhà máy lọc dầu ở phần còn lại của thế giới sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp cho lượng nhiên liệu bị mất của Nga.

Ở một mức độ nào đó, cuộc tranh cãi về tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã bộc phát công khai. Một ngày trước khi Moscow ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, Alexander Dyukov, CEO của Gazprom Neft, công ty thuộc sở hữu nhà nước, nói với báo chí rằng, bất kỳ khoản thuế xuất khẩu năng lượng được thiết kế để ổn định thị trường nội địa đều có thể phản tác dụng.

Trước đó, Moscow cân nhắc áp thuế xuất khẩu đối với hầu hết các sản phẩm dầu mỏ ở mức 250 đô la/tấn, cao hơn nhiều so với mức hiện tại. Trước khi quyết định cấm xuất khẩu nhiên liệu, Moscow áp thuế xuất khẩu dầu diesel ở mức 6,4 đô la/tấn.

Vào mùa hè vừa qua, Rosneft Oil đã đạt được thỏa thuận bán một phần đáng kể sản lượng nhiên liệu cho một nhóm thương nhân trong một cuộc đấu giá. Sau thành công đó, công ty lên kế hoạch tổ chức một cuộc đấu giá mới cho nhiên liệu dự kiến giao vào năm tới, theo các nguồn tin.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, vấn đề thiếu hụt nhiên liệu ở thị trường trong nước nổi lên, buộc Moscow phải gia tăng sức ép để các công ty dầu mỏ tăng nguồn cung nhiên liệu cho thị trường nội địa.

Moscow đang xoay xở kiểm soát lạm phát trước thềm các cuộc bầu cử bao gồm bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.

Theo Sergey Vakulenko, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu trong nước trở nên trầm trọng hơn do chính phủ nỗ lực kiểm soát giá cả, khiến các công ty dầu mỏ bán sản phẩm của họ dưới giá trị thị trường.

“Vấn đề thậm chí không phải là giá cả thấp mà là vấn đề thực sự là liệu có sẵn nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu hay không”, Sergey Vakulenko, nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới