Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kết quả kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm cho thấy TPHCM đã nỗ lực để thoát khỏi "chu kỳ kinh tế" và "độ trễ chính sách".  Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, trung tâm kinh tế lớn nhất nước vẫn còn đối mặt với hàng loạt thách thức đến từ giải ngân đầu tư công, kích cầu nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thu hẹp...

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 9 tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quí 4- 2023, các đơn vị, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp kiến nghị việc triển khai Nghị quyết 98 (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) cần đồng bộ, nhanh, đồng loạt trên tất cả các lĩnh vực”; giải ngân đầu tư công... để kéo kinh tế tăng trưởng.

Bởi lẽ dù kinh tế thành phố quí 2, 3 có khởi sắc nhưng để hoàn thành kế hoạch trong năm thì áp lực quí 4 rất lớn, đòi hỏi cả một sự nỗ lực.

Phiên họp tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm 2023. Ảnh: TTBC

Kinh tế khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội ngày 28-9, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết tăng trưởng quí 3 tiếp tục tăng cao hơn hai quí trước, đạt 6,71%. Đà cải thiện liên tục này giúp tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 4,57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá đà tăng trưởng có những tin hiệu tích cực, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cho rằng kinh tế quí 2, quí 3 khởi sắc nhưng để hoàn thành kế hoạch năm thì áp lực quí 4 rất lớn.

Nếu muốn GRDP 2023 tăng trưởng 7,5% như mục tiêu đề ra, quí cuối cần tăng 15%. Còn kỳ vọng tăng trưởng ở mức 6,5% hoặc 5,5% thì cũng cần kết quả 3 tháng cuối năm lần lượt là 11% và 9%.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cũng đánh giá GRDP năm nay khó đạt được mục tiêu 7,5-8%. Bởi lẽ, nếu GRDP quí 4 đạt hai con số thì cũng chỉ mới giúp tăng trưởng cả năm xấp xỉ 7%.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết qua khảo sát nhanh cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị đã có dấu hiệu khởi sắc về xuất khẩu. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này nằm chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, mặt hàng thiết yếu và các đơn hàng chỉ mang tính ngắn hạn.

Theo ông Hòa, thời điểm này, mọi năm các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 2 năm sau. Tuy nhiên năm nay, các đơn hàng chỉ mang tính ngắn hạn cho các dịp lễ, tết sắp tới và chỉ là các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên. Còn các mặt hàng tiêu dùng dài hạn như đồ gỗ, nội thất... thì chưa có nhu cầu trở lại.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HUBA còn cho rằng, dù thị trường nội địa của thành phố có chuyển biến sau hàng loạt chính sách giảm thuế, kích cầu, khuyến mãi, nhưng những chuyển biến này còn chưa căn cơ, dễ gặp cảnh khựng lại.

Đại diện cho các doanh nghiệp tại TPHCM cũng chia sẻ rằng hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng môi trường kinh doanh còn chưa được cải thiện rõ nét. Những khó khăn, tồn đọng trong hoàn thuế xuất khẩu, thủ tục đất đai, giá đất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, trái ngược với động thái tích cực từ phía ngân hàng như giảm lãi suất, tăng dòng vốn, các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà. Điều này chứng tỏ vốn không thể hấp thu được, doanh nghiệp không có nhu cầu, không mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

"Tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, hăng hái bung ra để làm ăn là chưa có. Hầu hết doanh nghiệp phản ánh họ chưa biết vay để làm gì, mở rộng sản xuất thế nào, chưa thấy gì sáng sủa", ông Hòa bày tỏ.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng nhìn nhận tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp khiến sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của thành phố bị ảnh hưởng.

Nhìn về giải pháp trung và dài hạn

TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhìn nhận thành phố đã rất nỗ lực để thoát khỏi "chu kỳ kinh tế" và "độ trễ chính sách" nhưng có khả năng cao là khó đạt được chỉ số đề ra vào cuối năm. Ông đề nghị làm sao khi chu kỳ kinh tế quay trở lại (dự kiến là quí 2-2024), thành phố phải “bắt được” xu thế này, chứ không quá kì vọng, dồn hết lực vào tăng trưởng.

Nói về giải pháp thời gian tới, ông Vũ đề nghị cần thực hiện song song các giải pháp mang tính xoay sở, đối phó và các giải pháp mang tính lâu dài.

Cụ thể, TPHCM cần tập trung triển khai, “tiêu hoá” hết được đầu tư công, kích thích tiêu dùng khuyến mãi để phát huy sức mua của người dân; tháo gỡ pháp lý cho các dự án; mở sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ như mua sắm xe công, thiết bị để tạo ra động lực kích cầu, sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, thành phố cần dựa vào Nghị quyết 98 để kiến tạo, chuẩn bị đón chu kỳ kinh tế, từ quí 2 tới.

Tương tự, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng của Cục Thống Kê, tiêu dùng quyết định tỷ lệ lớn trong tăng trưởng. Sức mua nội địa hiện nay là một yếu tố quyết định tăng trưởng, và nó đang là một điểm sáng để mà có thêm thuế khi mà thuế xuất nhập khẩu đang suy giảm.

Vừa qua, TPHCM có các chương trình khuyến mãi tập trung trên địa bàn thành phố. Ông kiến nghị thị trường này nên có kế hoạch dài hơi, có sự hỗ trợ của Nhà nước trong tham gia chương trình khuyến mãi này.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa mong muốn thành phố sẽ sớm khơi thông nguồn lực đất đai. Bởi, để mở rộng sản xuất kinh doanh cần khơi thông nguồn lực đất đai. Ông cho rằng thành phố sớm xác định giá đất, tránh tình trạng tạm tính giá đất. Nếu xác định được giá đất thì doanh nghiệp mạnh dạn đưa vào bài toán đầu tư.

Thành phố cũng cần quay lại kích cầu bất động sản, nắn dòng vốn vào đúng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở phổ thông, thay vì phân khúc cao cấp, nhà nghỉ dưỡng hiện nay. Theo ông Hòa, đại bộ phận người dân vẫn có tiền, tiền gửi vẫn tăng, vậy làm sao nắn dòng tiền đó vào nhà ở.

Không chạy theo con số mà tính chuyện lâu dài

Đánh giá chung, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng kết quả tăng trưởng 9 tháng qua vẫn rất "đáng mừng" trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu bấp bênh. Trong khi đó, TPHCM có độ mở thương mại lớn, giao lưu hội nhập sâu rộng nên chịu tác động trực diện.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo. Ảnh: website Thành ủy TPHCM

Đối với các tồn tại, khó khăn, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương tổ chức cuộc họp chuyên đề vào tháng tới để bàn về vấn đề này. Bên cạnh đó là các vấn đề như đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài để đưa ra giải pháp khắc phục cho 3 tháng cuối năm và chuẩn bị cho năm sau.

Cuộc họp này sẽ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân, đơn vị, công trình nào gây chậm trễ và xử lý nghiêm túc trách nhiệm.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, tăng trưởng kinh tế thành phố năm nay có thể khó đạt được như mục tiêu 7,5-8%. Các chuyên gia đã phân tích do chu kỳ kinh tế, nhưng cũng phải nhìn nhận về điểm riêng của TPHCM. Đó là thành phố đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Chúng ta sẽ làm hết các biện pháp cần, đủ, kịp thời trước mắt và chấp nhận kết quả, không chạy theo con số vì chúng ta đang tính về trung và dài hạn. Phải nỗ lực, chọn việc trọng tâm, giải pháp để xử lý nhưng không nóng vội, không đặt nặng tính trước mắt”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải rút kinh nghiệm cho các hạn chế và tồn tại. Về biện pháp trước mắt, ngoài tập trung cho giải ngân vốn đầu tư công, cần tập trung giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, chi tiêu công đúng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. "Quan điểm của thành phố là cùng với doanh nghiệp chứ không phải chỉ tháo gỡ cho doanh nghiệp, cần có giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp hiện gặp khó khăn, khơi thông dòng vốn phát huy hiệu quả", ông nói.

Ông đề nghị cần tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai; quan tâm văn hóa xã hội, an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, việc làm cho người lao động...

Bên cạnh đó, UBND TPHCM cần tiếp thu, rút kinh nghiệm những gì đã làm trong 9 tháng qua và đề ra kế hoạch, quyết tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, xứng đáng với niềm tin và xứng đáng với chính mình.

"Cố gắng làm quí sau cao hơn quí trước, với tinh thần cố gắng nỗ lực, đoàn kết đồng lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 với kết quả cao nhất, chuẩn bị bước vào năm 2024”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và thảo luận đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị các sở ngành, địa phương chú trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn tất trong năm 2023, hoàn thành tiến độ trình đồ án quy hoạch chung cập nhật yêu cầu mới trong tăng trưởng; sẵn sàng các đồ án quy hoạch phân khu.

Về đầu tư công đã nhìn nhận hạn chế, nhưng phải chú trọng giải pháp khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo gỡ dự án quy mô lớn. Các sở ngành, địa phương đổi mới cách làm, xây dựng bộ tiêu chí ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, tiêu chí hoàn thành các dự án đầu tư...

Về hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hoan lưu ý đã có nghị quyết cần triển khai ngay, tổ chức đối thoại, ra chính sách giải quyết chung cho các dự án, đẩy mạnh mở rộng liên kết vùng. Ông đề nghị ngân hàng nhà nước tổ chức sơ kết đánh giá kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, giải ngân nguồn vốn tín dụng của Trung ương cho doanh nghiệp...

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội vào ngày 28-9, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 4,57% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14% so với cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng tăng 2,57%. Riêng dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, khi tăng 5,67% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 871.198 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ nhưng liên tục được cải thiện. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2% so với cùng kỳ. Bốn ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%.

Hai trợ lực khác cũng giúp kinh tế TPHCM tiếp tục cải thiện gồm giải ngân đầu tư công và tác động từ các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Giải ngân đầu tư công 9 tháng đạt 20.523 tỉ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với chỉ tiêu đề ra mới đạt hơn 30% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, hiện có dấu hiệu giải ngân đầu tư công đang chậm lại, quí 3 giải ngân 7.000 tỉ đồng, chỉ bằng một nửa của quí 2.

Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2%, kim ngạch nhập khẩu giảm 17,25%).

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 37.224, tăng về lượng nhưng giảm về số vốn đăng ký. Doanh nghiệp giải thể giảm nhưng tạm ngưng hoạt động tăng. Cũng trong giai đoạn này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm 34,1%, đạt gần 2 tỉ đô la Mỹ...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới