(KTSG) - Trong môi trường đầy cạnh tranh và biến động, việc phát triển tổ chức học tập là chìa khóa duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực hiện tổ chức học tập trong những năm gần đây được xem là chiến lược quan trọng nhằm phát triển tổ chức trong cả khu vực công và khu vực tư.
- Tích hợp dọc làm thay đổi nền công nghiệp ô tô - trường hợp Tesla
- Tổ chức chương trình du lịch học tập cho sinh viên
Những năm gần đây mô hình đào tạo nội bộ ở các doanh nghiệp bắt đầu tập trung vào việc phát triển các kế hoạch học tập và phát triển dài hạn hơn cho người lao động, tương ứng với từng vị trí chức danh trong công ty. Hoạt động đào tạo bắt đầu được đưa ra “tiền tuyến” và trở thành một trong các thành tố quan trọng, không những trong việc triển khai chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn là chìa khóa để phát triển một doanh nghiệp bền vững.
Lý do là doanh nghiệp ngày nay hoạt động trong môi trường cạnh tranh đầy thách thức, đòi hỏi nguồn nhân lực và doanh nghiệp khả năng thích nghi và sáng tạo. Vì vậy, một hệ thống đào tạo nội bộ hiệu quả có thể giúp xây dựng được văn hóa học tập và phát triển liên tục cho cả tổ chức và là nguồn cung cấp nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng để doanh nghiệp triển khai các chiến lược.
Mô hình tổ chức doanh nghiệp học tập
Việc xây dựng một doanh nghiệp học tập không xoay quanh vấn đề học gì, dạy gì, mà xuất phát từ quá trình lựa chọn chiến lược phù hợp với định hướng phát triển chung của công ty. Để xây dựng một hệ thống đào tạo nội bộ hiệu quả, sự cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao là quan trọng nhất bởi điều này đảm bảo sự ủng hộ cho việc đầu tư vào học tập và phát triển nguồn nhân lực. Các thành phần của việc xây dựng một doanh nghiệp học tập được thiết kế như sau:
Thứ nhất, xác định văn hóa đào tạo của tổ chức. Thiết kế chương trình đào tạo phải phù hợp với mục tiêu tổ chức và nhu cầu phát triển của nhân viên. Văn hóa học tập sẽ phải phụ thuộc vào tầm nhìn định hướng chiến lược của công ty thông qua việc công ty sẽ phải định vị mình đứng đâu trong 5-10 năm tới.
Để có thể hiện thực được các mục tiêu đó, doanh nghiệp sẽ cần nhân lực lãnh đạo, nhân sự có những đặc điểm và phẩm chất như thế nào. Dựa vào đó, sẽ xác định được đâu là những hành vi hay thói quen tích cực nào cần được xây dựng trong tổ chức nhằm biến nó thành một nét văn hóa riêng biệt của tổ chức. Các chiến lược phát triển học tập của các doanh nghiệp khác nhau, thậm chí cùng ngành cũng không thể giống nhau bởi vốn dĩ đã có sự khác biệt ngay từ đầu về sự định vị và lựa chọn chiến lược của công ty.
Đào tạo lúc này không phải là quá trình nhồi nhét kiến thức, mà là quá trình hỗ trợ người lao động có thể vượt qua những khó khăn và khai thác những tiềm năng của bản thân.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch học tập. Việc đào tạo không còn chỉ xoay quanh việc cung cấp cùng một chương trình học tập cho tất cả nhân viên, mà hướng đến việc đạt được các mục tiêu đào tạo cho từng vị trí việc làm mà doanh nghiệp sẽ cần đến. Trọng tâm của một kế hoạch học tập là có thể đánh giá khung năng lực phù hợp cho từng nhóm đối tượng lao động.
Mỗi khung năng lực sẽ quy định rõ các tiêu chí về năng lực mà mỗi nhóm nhân sự cần đạt được, đồng thời xác định nhu cầu đào tạo của từng nhóm công việc cụ thể. Việc này đòi hỏi tổ chức phải có một đánh giá tổng quan về hiện trạng kiến thức, kỹ năng và khả năng của nhân viên trong mỗi nhóm, từ đó xác định những điểm yếu cần phải cải thiện và bổ sung.
Sau khi nhu cầu đào tạo đã được xác định, tổ chức cần tiến hành phân loại nhóm nhân sự dựa trên nhu cầu và mục tiêu cụ thể của từng nhóm, nhằm tối ưu hóa chương trình đào tạo để đáp ứng chính xác nhu cầu của từng nhóm, đồng thời tránh lãng phí tài nguyên cho những chương trình đào tạo không cần thiết.
Việc phát triển các kỹ năng phù hợp dựa trên khung năng lực chính là cơ sở quan trọng để lựa chọn phương pháp đào tạo và hình thức đánh giá thích hợp, đảm bảo rằng nhân viên sẽ tiến bộ và đóng góp hiệu quả hơn cho tổ chức. Việc xác định các đích đến có thể lượng hóa dựa trên khung năng lực khiến cho việc tổ chức hình thức đào tạo và đánh giá không còn dựa trên cảm nhận chủ quan hay bên trong những góc nhìn hạn hẹp của từng chủ đề đào tạo, thay vào đó là một bức tranh lớn hơn về quá trình phát triển năng lực cho người lao động.
Thứ ba, triển khai đào tạo. Như đã nhắc ở trên, việc triển khai học tập đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ các nhà quản lý cao cấp. Sự ủng hộ và đầu tư từ ban lãnh đạo doanh nghiệp giúp xây dựng môi trường đào tạo tích cực trong tổ chức. Quá trình này bao gồm việc xác định nội dung, kết quả đào tạo, truyền thông nội bộ và việc lựa chọn hệ thống công nghệ phù hợp để quá trình triển khai được hiệu quả.
Xu hướng số hóa và cá nhân hóa hoạt động đào tạo khiến cho việc đầu tư cho hệ thống công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, để vừa duy trì sự thuận tiện mà còn có thể theo dõi được tiến trình cải thiện của từng người lao động.
Cá nhân hóa lộ trình đào tạo của các cá nhân
Môi trường đi học của người đi làm khác rất xa so với khi học ở giảng đường đại học. Người lao động chỉ có động lực học tập khi họ thấy được các giá trị mà việc học có thể tạo ra cho họ. Việc xây dựng một hình mẫu phát triển lý tưởng cho từng chức danh nghề nghiệp giúp cho các hoạt động đào tạo theo đúng định hướng. Cá nhân hóa đào tạo đồng nghĩa với việc điều chỉnh các chương trình học tập để phù hợp với nhu cầu và mục tiêu riêng của từng cá nhân, nhằm đảm bảo rằng mọi nhân viên được hỗ trợ để đạt được tiềm năng tối đa trong công việc và phát triển một cách hiệu quả.
Cá nhân hóa còn thể hiện thông qua việc theo dõi được sự thay đổi và cải thiện của nhân viên theo thời gian. Các số liệu kinh doanh và năng suất lao động chính là những cơ sở quan trọng để xây dựng một kế hoạch đào tạo cho từng nhóm nhân sự. Đó cũng chính là những thông số đo lường hiệu quả của quá trình đào tạo mang lại. Đào tạo lúc này không phải là quá trình nhồi nhét kiến thức, mà là quá trình hỗ trợ người lao động có thể vượt qua những khó khăn và khai thác những tiềm năng của bản thân.
Cá nhân hóa quá trình đào tạo thúc đẩy sự động viên và cam kết của nhân viên thông qua việc cung cấp các lộ trình học tập cụ thể được tạo riêng cho từng cá nhân. Sự quan tâm và hỗ trợ đến từ việc đào tạo theo đúng nhu cầu cá nhân, giúp nhân viên tham gia tích cực hơn. Cá nhân hóa đào tạo cho phép nhân viên phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc của họ một cách chính xác. Điều này dẫn đến nâng cao chuyên môn và hiệu suất làm việc, giúp tổ chức hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Trong môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, văn hóa học tập là yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy sự linh hoạt, khả năng thích nghi và khuyến khích sáng tạo. Nhân viên được khuyến khích đóng góp ý tưởng mới và học từ thất bại. Điều này giúp tổ chức phát triển và thích ứng với môi trường kinh doanh đầy thử thách. Song song với đó là việc phát triển mô hình tổ chức học tập, nó không chỉ mang lại lợi ích ngay lập tức mà còn giúp định hình một tương lai bền vững.
(*) CFA
(**) HUB
Học để thay đổi bản thân. Học để sống và làm việc hạnh phúc hơn. Vấn đề không phải là học cái gì, học ở đâu. Mà là học với ai. Thời buổi này đốt đuốc đi tìm thầy đúng chuẩn, vô cùng khó.