Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp tìm lời khuyên địa chính trị khi căng thẳng gia tăng trên toàn cầu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty đa quốc gia đang thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiểu biết về địa chính trị trong bối cảnh các căng thẳng gia tăng trên toàn cầu. Điều này giúp họ đánh giá chính xác hơn về thị trường mục tiêu và chuỗi cung ứng.

Các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft của Mỹ và Hitachi của Nhật Bản đang tìm cách nâng cao hiểu biết về tình hình địa chính trị toàn cầu và các rủi ro liên quan. Ảnh: Financial Times

Tìm sự tư vấn của các cựu quan chức ngoại giao

Trong khi một số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên môn, những công ty khác như Hitachi (Nhật Bản) và ngân hàng đầu tư Lazard (Mỹ) thuê các cựu quan chức ngoại giao và chính trị gia để đưa ra lời khuyên trực tiếp cho các CEO.

Lord Malloch-Brown, cựu quan chức ngoại giao và là chủ tịch của mạng lưới Open Society Foundations, cho biết trước đây luôn có một số nhà ngoại giao nghỉ hưu làm việc ở một góc của văn phòng ở các công ty đa quốc gia. Họ sẵn sàng tư vấn cho CEO về một số khó khăn chính trị địa phương.

“Điều xảy ra gần đây là chúng ta đã chuyển từ thời kỳ toàn cầu hóa đỉnh cao, nơi thị trường xác định địa điểm sản xuất và bán hàng, sang kỷ nguyên của một thị trường toàn cầu được chính trị hóa nhiều hơn”, ông bình luận.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra năm ngoái, nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay để ứng phó. Giờ đây, họ đang xem xét kỹ hơn các điểm nóng chính trị như quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, tác động của cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông giữa Hamas và Israel và khả năng ông Donald Trump trở lại ghế tổng thống của nước Mỹ.

Tại Nhật Bản, nước có mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng như Trung Quốc và Nga, trong 3 năm qua, các công ty đa quốc gia như Hitachi, tập đoàn đồ uống Suntory và các ngân hàng lớn nhất nước đã thuê các cựu quan chức ngoại giao, chuyên gia quan hệ quốc tế và phóng viên nước ngoài nhằm nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực đánh giá rủi ro địa chính trị. Các nguồn thạo tin cho biết, trong những đợt tuyển dụng gần đây nhất, các nhà ngoại giao và chuyên gia khác được hai công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản và ba tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản là Mitsubishi, Mitsui và Itochu săn đón.

Ở các doanh nghiệp lớn khác của Nhật Bản, vai trò “giám đốc rủi ro địa chính trị” đã được thiết lập để phản ánh mức độ quan tâm nghiêm túc đến chủ đề này. “Hai đồng nghiệp của tôi gần đây đã đến làm việc tại các công thương mại và một người khác làm cho một công ty năng lượng”, một nhà ngoại giao Nhật Bản hiện làm việc bên ngoài Nhật Bản tiết lộ. Theo nhà ngoại giao này, các công ty mong muốn hiểu biết chi tiết hơn về rủi ro địa chính trị và về cơ bản họ sử dụng nhân sự của Bộ ngoại giao Nhật Bản như một nguồn cung cấp chuyên môn.

“Họ nghĩ rằng có thể nắm bắt được những thông tin khó tiếp cận bằng cách trả tiền cho nhà ngoại giao mà họ đang cố gắng thuê. Điều đó có vẻ đang có tác dụng”, nhà ngoại giao nói thêm.

Tập đoàn Mitsubishi xác nhận đã thành lập một ủy ban tình báo toàn cầu do chủ tịch của tập đoàn đứng đầu hồi năm ngoái. Mitsubishi cũng thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin rủi ro địa chính trị, điều kiện kinh tế, công nghệ mới, xu hướng chính sách cho ban lãnh đạo.

Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn của Nhật Bản đang thuê tư vấn bên ngoài với tốc độ chưa từng có. Một chuyên gia tư vấn cho các công ty Nhật Bản cho biết, chiến sự Ukraine cho thấy, rủi ro đang trở nên khó dự đoán hơn và một số rủi ro hiện hữu như các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, đã đạt đến cấp độ mà các công ty cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. “Họ không chỉ muốn chúng tôi kể cho họ nghe về một hoặc hai tình huống. Họ đang yêu cầu chúng tôi xếp hạng tất cả những rủi ro mà họ có thể gặp phải trên toàn thế giới”, vị chuyên gia cố vấn nói.

Ngành công nghệ chú trọng rủi ro địa chính trị

Các ngành công nghiệp như dầu khí, có các hoạt động quan trọng ở những khu vực dễ biến động trên thế giới, thường là khách hàng chính của các cố vấn địa chính trị. Nhưng khi các công ty trong các lĩnh vực khác mở rộng thị trường và chuỗi cung ứng, họ cũng nhận thấy cần nâng cao chuyên môn địa chính trị.

Một ngành đã xây dựng được chuyên môn địa chính trị nội bộ đáng kể là lĩnh vực công nghệ của Mỹ, vốn chịu áp lực quản lý khéo léo sự kết hợp giữa sự phụ thuộc vào các chip chuyên dụng được sản xuất tại Đài Loan và sự hiện diện tại thị trường Trung Quốc.

“Ngành công nghệ vượt xa dầu khí trong việc quản lý rủi ro địa chính trị. Microsoft là công ty giỏi nhất trong việc xây dựng đội ngũ địa chính trị nội bộ, bao gồm cả một lãnh đạo cao cấo phụ trách quan hệ với Liên hợp quốc”, Manas Chawla, người sáng lập Công ty tư vấn địa chính trị London Politica, nhận xét.

Một số cựu quan chức tình báo và nhà ngoại giao gần đây chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân. Stephen Lovegrove, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Anh đã trở thành cố vấn cấp cao của ngân hàng đầu tư Lazard trong năm nay, trong khi cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Anh (MI6) Alex Younger gia nhập ngân hàng Goldman Sachs với tư cách chuyên gia cố vấn vào năm 2021.

Theo Mark Freebairn, đối tác của Công ty săn đầu người Odgers Berndtson, các công ty thuê cựu đại sứ, quan chức quân sự và tình báo cho công việc tư vấn có thể trả mức phí lên tới 2.000-5.000 bảng (2.400 – 6.100 đô la Mỹ)/giờ.

Cùng với việc cung cấp các phân tích và lời khuyên, các chuyên gia tư vấn có thể giúp mở ra cánh cửa cho các công ty đang tìm cách xây dựng mối quan hệ với các chính phủ nước ngoài. Dana White, người đứng đầu bộ phận cố vấn chiến lược toàn cầu của Ankura, một công ty tư vấn của Mỹ, cho biết công ty bà đã mua lại một doanh nghiệp tư vấn về quan hệ Mỹ-Trung, giúp thiết lập các giao thiệp cấp cao giữa các giám đốc điều hành và các quan chức Trung Quốc.

Một phân tích của Financial Times về các bản công bố thông tin của các công ty toàn cầu và Mỹ trên nền tảng dữ liệu AlphaSense cho thấy cụm từ “địa chính trị” (geopolitics) ngày càng được nhắc đến nhiều hơn kể từ năm 2017 và việc sử dụng cụm từ này đã tăng lên sau chiến sự Ukraine. Theo Công ty phân tích JH Whitney Data Services, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, các khách hàng Mỹ bắt đầu yêu cầu tư vấn về chuỗi cung ứng của họ và rủi ro ở các nước châu Á, trong trường hợp xảy ra xung đột ở Thái Bình Dương.

”Nhiều công ty ở Mỹ, đặc biệt là các nhà bán lẻ trực tuyến và các công ty dịch vụ tài chính, đã xây dựng dịch vụ tổng đài rất quan trọng ở Philippines”, John O'Connor, Chủ tịch của JH Whitney, nói.

Barton Malow, một công ty xây dựng của Mỹ với 3.000 nhân viên, có trụ sở chính tại bang Michigan, đang coi trọng địa chính trị hơn trong kế hoạch kinh doanh. “Công bằng mà nói thì thế giới đã chuyển từ trạng thái ổn định và trật tự tương đối sang kém ổn định hơn nhiều. Sự gián đoạn toàn cầu hóa này tất nhiên có tác động đến hoạt động kinh doanh”, Ryan Maibach, CEO của Barton Malow, cho biết. Barton Malow đã thuê Công ty tư vấn rủi ro chính trị Prism để giúp đánh giá tác động của các mối đe dọa tiềm ẩn, bao gồm rủi ro xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan và biến đổi khí hậu, đối với hoạt động kinh doanh và khách hàng của Barton Malow.

Theo Mziar Minovi, CEO của Công ty tư vấn địa chính trị Eurasia Group, các công ty đa quốc gia đã bắt đầu lên kế hoạch cho các cuộc khủng hoảng địa chính trị giống như cách họ dự phòng cho các thảm họa thiên nhiên.

 Theo Financial Times

2 BÌNH LUẬN

  1. Lo nhưng không sợ. Nguy luôn song hành cùng Cơ. Một khi đã tiến ra thương trường quốc tế, thì nên chấp nhận mọi thứ đều có thể xảy ra. Phương châm là: Không bắt đầu thì không thể cán đích/ Không thất bại thì không có thành công/ Không có rủi ro thì không có trưởng thành/ Không vượt qua tự ti thì không thể có tự tin. Thắng bản thân mình trước, thì có cơ may thắng mọi đối thủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới