Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận quí 3 có đủ sức kéo chứng khoán phục hồi?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mùa công bố kết quả kinh doanh định kỳ dù luôn được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác hỗ trợ thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, nhưng thông lệ các năm cũng cho thấy báo cáo quí 3 không chịu nhiều sức ép thúc đẩy, vì các doanh nghiệp thường có xu hướng dồn kết quả tích cực vào quí 4 nhiều hơn.

Tỷ giá vẫn đang là một trong những yếu tố gây áp lực lên thị trường chứng khoán. Ảnh: LÊ VŨ

Kết quả kinh doanh quí 3 duy trì đà phục hồi

Sau những phiên tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh trong những ngày đầu tháng 10-2023, thị trường chứng khoán (TTCK) tuần vừa qua (từ ngày 9 đến 13-10) phục hồi với chỉ số VN-Index lấy lại được 27 điểm, tương đương tăng 2,3%. Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 sắp bước vào giai đoạn cao điểm có lẽ là một trong những yếu tố trước mắt hỗ trợ thị trường.

Trong báo cáo chiến lược tháng 10, Công ty Chứng khoán (CTCK) Rồng Việt (VDSC) dự báo lợi nhuận của đa phần các nhóm ngành trong quí 3-2023 sẽ ghi nhận sự cải thiện so với quí 2-2023, xu hướng có phần tương đồng với diễn biến phục hồi của các hoạt động kinh tế và thương mại theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong đó, nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực ở mức hai chữ số.

Giới phân tích cho rằng với mức nền so sánh của nửa cuối năm 2022 thấp, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nhờ đó sẽ có sự phục hồi từ quí 3 năm nay. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng, hạ lãi suất,… có lẽ cũng bắt đầu thẩm thấu vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhìn vào các số liệu vĩ mô công bố gần đây có sự cải thiện cho thấy kỳ vọng trên là có cơ sở, với lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu hồi phục tốt và kỳ vọng tăng tốc trong các tháng cuối năm, nhờ mùa tiêu dùng cao điểm ở Mỹ và EU, cũng như trạng thái hàng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm mạnh. Trong nước, cầu tiêu dùng cũng duy trì đà tăng trưởng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.550.200 tỉ đồng trong quí 3, tăng 1,9% so với quí trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

VN-Index sẽ cần thời gian điều chỉnh dài hơn và có thể tìm thấy hỗ trợ vững chắc hơn ở vùng 1.060-1.070 điểm, trước khi thiết lập xu hướng đi lên trở lại?

Nhóm chứng khoán cũng được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ diễn biến của TTCK đi lên tích cực trong quí 3 cùng với khối lượng giao dịch tăng mạnh mẽ. Ngược lại, vẫn sẽ có những nhóm ngành đối mặt nguy cơ suy giảm, trong đó giới phân tích có cái nhìn bi quan hơn về nhóm ngân hàng, bất chấp mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm xuống giúp chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng ổn định hơn, giảm bớt áp lực thu hẹp hệ số NIM (biên lãi ròng). Với thách thức nợ xấu gia tăng kéo theo áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận các ngân hàng có thể chịu tác động tiêu cực trong năm nay.

Là nhóm có vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chung, sự suy yếu của nhóm ngân hàng rõ ràng tác động không tốt đến TTCK. Ngoài ra, mùa công bố kết quả kinh doanh định kỳ dù luôn được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn, nhưng thông lệ các năm cũng cho thấy báo cáo quí 3 không chịu nhiều sức ép thúc đẩy, vì các doanh nghiệp thường có xu hướng dồn kết quả tích cực vào quí 4 nhiều hơn.

Vẫn còn yếu tố kìm hãm

Đứng ở góc độ vĩ mô, TTCK vẫn đang đối mặt với không ít yếu tố kìm hãm sự phục hồi, trong đó mới nhất là nguy cơ xung đột quân sự giữa Irsael và lực lượng Hamas lan rộng đang đè nặng lên các thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán chịu áp lực suy giảm, các tài sản an toàn như vàng hay các loại hàng hóa cơ bản như năng lượng và thực phẩm tăng vọt trong những ngày gần đây.

Hệ quả là nhiều ý kiến lo ngại bóng ma lạm phát có thể quay trở lại, ảnh hưởng tiêu cực lên chính sách tiền tệ của các quốc gia, vốn đang được kỳ vọng sẽ sớm đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng trong thời gian tới. Trước đó, một số dự báo tin rằng giá dầu có thể lên mốc ba chữ số vào cuối năm nay, tuy nhiên với cuộc chiến mới xảy ra và nếu lan rộng sang các nền kinh tế khác ở khu vục Trung Đông - trung tâm khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của thế giới, giá dầu có thể còn tăng mạnh hơn, Bloomberg Economics ước tính có thể tăng vọt lên 150 đô la Mỹ/thùng trong kịch bản Iran tham chiến.

Lạm phát của Việt Nam dù đang trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn có thể đối mặt với áp lực bất kỳ lúc nào khi giá hàng hóa thế giới leo thang trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước, đây là mức tăng khá mạnh, do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng. Tính chung chín tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Trong khi đó, tỷ giá vẫn đang là một trong những yếu tố gây áp lực lên TTCK. Dù NHNN từ cuối tháng 9 đến nay đã liên tục phát hành tín phiếu hút bớt thanh khoản tiền đồng về, nhằm thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng để hạn chế các hoạt động đầu cơ tỷ giá, nhưng lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm sau giai đoạn ngắn ngủi vọt lên trên 1%, đến ngày 13-10 đã giảm trở lại chỉ còn 0,35%.

Theo đó, tỷ giá tiếp tục xu hướng đi lên, với tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng sau khi giảm trong gần nửa đầu tháng 10 thì đã tăng trở lại từ đầu tuần này. Đáng lưu ý, với diễn biến giá vàng tăng vọt gần đây, không loại trừ khả năng tỷ giá tiếp tục chịu thêm áp lực trong thời gian tới, do quá khứ cho thấy giá vàng và giá đô la Mỹ trong nước thường diễn biến song hành.

Trước tình hình này, hiện không ít nhà đầu tư vẫn cho rằng chỉ số VN-Index sẽ cần thời gian điều chỉnh dài hơn và có thể tìm thấy hỗ trợ vững chắc hơn ở vùng 1.060-1.070 điểm, trước khi thiết lập xu hướng đi lên trở lại. Dù vậy, với mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm về mức thấp, lượng tiền gửi ở thời kỳ lãi suất cao tiếp tục đáo hạn dần, một nguồn vốn vẫn đang chực chờ cơ hội tham gia trở lại, và sự điều chỉnh đưa định giá thị trường xuống mức hấp dẫn chính là những cơ hội như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới