(KTSG Online) – Mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm nay sẽ tạo áp lực rất lớn trong quí 4, dù đây thường là giai đoạn các hoạt động kinh tế sôi động nhất trong năm. Thay vào đó, các chuyên gia hầu hết cho rằng mức tăng trưởng phù hợp hơn sẽ ở quanh mốc 5%.
- Dòng chảy của tiền (kỳ 1): Tỷ giá và phép thử thanh khoản
- Dòng chảy của tiền (kỳ 2): Nền kinh tế giảm đòn bẩy, chờ ‘gió đông’
- Không hạ chuẩn tín dụng
Áp lực tăng trưởng quí 4
Sau khi có báo cáo kết quả kinh tế 9 tháng đầu năm, nhiều đơn vị nghiên cứu đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay về quanh mức 5%, chủ yếu do kết quả tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Gần đây, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đưa kịch bản tăng trưởng trong năm nay với con số thấp nhất là 5%, cao nhất là 6%.
Tăng trưởng GDP sau ba quí đạt 4,24% so với cùng kỳ. Tốc độ có vẻ nhanh hơn đáng kể so với con số trong 6 tháng đầu năm (3,72%), nhưng các nhà phân tích cho rằng mức phục hồi vẫn còn yếu, chủ yếu nằm ở một số nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong GDP.
Trong khi đó, ngành sản xuất và và thương mại đã đi qua giai đoạn đáy nhưng tín hiệu phục hồi chưa rõ ràng, còn lĩnh vực tiêu dùng thì chậm lại, thu nhập cũng tăng chậm hơn so với lạm phát. “Mặc dù nền kinh tế có sự phục hồi so với giai đoạn 6 tháng đầu năm, tuy nhiên do thiếu vắng sự bứt phá từ các động lực tăng trưởng chính”, báo cáo của SSI Research bình luận.
Nhưng vẫn có những điểm sáng được nêu lên. Bên cạnh dòng vốn FDI được nhắc đến nhiều như là một hiện tượng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cũng ghi nhận sự ấn tượng khi tăng 34% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân đạt 51,4% kế hoạch (cùng kỳ là 42,1%) trong khi chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch đầu tư công trong năm nay, cũng theo SSI.
Từ góc nhìn thương mại và du lịch, nhóm phân tích của HSBC cho rằng kinh tế trong 3 quí đầu năm có những điểm tăng tốc ấn tượng khi phục hồi “rõ nét hơn dự kiến”.
Theo đó, phần lớn sự phục hồi đến từ thương mại khi tháng 9 đánh dấu tháng đầu tiên xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tăng mạnh từ phía Trung Quốc đối với sản phẩm nông nghiệp, dù vẫn chưa bù đắp được nhu cầu còn yếu từ thị trường truyền thống Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, sự phục hồi còn đến từ mảng dịch vụ, trong đó có chi tiêu cho du lịch.
Tuy nhiên, sức tiêu dùng và nhu cầu vay vốn đang ở mức thấp là điều có thể thấy rõ trong nền kinh tế hiện nay. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã có sự cải thiện đáng kể trong tháng 9 (tăng trưởng 6,92% so với hồi đầu năm), nhưng còn khá xa so với con số mục tiêu 14-15% cả năm.
Các nhà phân tích cũng cho rằng trong năm nay nền kinh tế khó có khả năng hấp thụ hết con số dự kiến trên. Theo đó, ước tính cũng chỉ khoảng 12%, dù đây cũng là một con số không hề thấp so với bình quân những năm trước.
Động lực và trở ngại cho tăng trưởng
Các nhà phân tích hiện đặt kỳ vọng vào sự hồi phục nhiều hơn trong năm 2024, thay vì quí cuối của năm nay. Ước tính của Công ty quản lý quỹ VinaCapital mới đây dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhóm doanh nghiệp niêm yết trong năm sau lên đến 25-30%, trong khi năm nay chỉ 5-10%.
Đánh giá sự phục hồi trong năm nay, ông Brook Taylor, CEO của VinaCapital, đặt kỳ vọng vào sự phục hồi sẽ tốt hơn vào năm sau thay vì cuối năm nay. Theo đó, thị trường trải qua giai đoạn khó khăn được kỳ vọng phục hồi ở lĩnh vực như ngân hàng, kể cả nhóm bất động sản, thị trường nhà ở sơ cấp, hay lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi chính phủ có nhiều hoạt động hơn.
Theo Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, ngay cả ở trong năm nay kinh tế việt Nam tăng trưởng ở mức 5% thì con số tăng trưởng vẫn là ấn tượng nếu tính bình quân cả những năm đại dịch Covid-19. “Khó khăn lớn nhất của năm nay là hàng tồn kho của các thị trường truyền thống ở mức cao nên họ không đặt hàng, nhưng hiện đã xuất hiện tín hiệu mới khi nhà phân phối bắt đầu đặt hàng”, ông Andy bình luận.
Lực cầu từ các thị trường quốc tế trở lại cùng với chi tiêu nội địa, trong đó nhấn mạnh khu vực công, là hai động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phục hồi đáng kể, theo ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC.
Theo đó, ông Frederic đánh giá động lực hỗ trợ tăng trưởng GDP sẽ xoay chuyển từ tiêu dùng (vốn tăng cao trong thời kỳ đại dịch) sang lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, nhà phân tích ngồi tại trụ sở HSBC tại Hong Kong này cũng lưu ý rằng xuất khẩu sẽ khó hồi phục kiểu chữ V, thay vào đó sẽ cải thiện dần.
Trong các phân tích về động lực tăng trưởng kinh tế, các nhà phân tích cũng bình luận nhiều hơn về những rủi ro và trở ngại. Trong đó, trở ngại dễ thấy nhất là kỳ vọng tăng sản lượng đơn hàng quốc tế sẽ gặp trục trặc một khi nhu cầu quốc tế vẫn ở mức yếu.
Một câu chuyện khác là lạm phát. Theo HSBC, Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo cao hơn, nhưng giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao. Đặc biệt là giá dầu đang tăng lên trong thời gian gần đây, trong khi Việt Nam được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường này.
Cùng với rủi ro tăng giá hàng hóa, áp lực tỷ giá cũng quay trở lại khiến HSBC mới đây rút lại dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong năm sau. Hẳn nhiên, hai biến số đã từng ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam trong năm ngoái, thêm lần nữa lại là ẩn số cho chính sách tiền tệ trong năm sau.
Nhưng bên cạnh câu chuyện của các biến số trên quốc tế, một vấn đề cần nhắc đến là hiệu quả của các chính sách trong nước, từ chính sách tài khóa tăng đầu tư công, cho đến chính sách tiền tệ và các chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhiều nhóm lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như báo cáo gần đây cho thấy việc mới chỉ giải ngân chưa đến 1% trong gói tín dụng ưu đãi cho vay bất động sản quy mô 120.000 tỉ đồng sau nửa năm triển khai, cho thấy thị trường vẫn còn rất nhiều điều cần tháo gỡ.